Chủ nhật, 24/11/2024, 05:57[GMT+7]

Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn

Thứ 3, 26/09/2023 | 08:27:15
3,202 lượt xem
Triển khai nhiều mô hình tiết kiệm theo gương Bác, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh góp phần không nhỏ giúp nhiều phụ nữ, trẻ em khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Phụ nữ xã Đông Quang (Đông Hưng) mổ heo tiết kiệm.

Gia đình có nghề làm hương nên mỗi ngày bà Nguyễn Thị Như Quỳnh, thôn Hồng Phong, xã Đông Quang (Đông Hưng) trích lợi nhuận thu được để nuôi heo tiết kiệm. Có ngày vài nghìn đồng, có ngày 10.000 - 20.000 đồng. Bà Quỳnh cho biết: Tôi tiết kiệm để dành cho con học hành và trích một phần nhỏ cùng với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã giúp đỡ các cháu có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó hướng các con mình có tính tiết kiệm từ bé.

Cùng với bà Quỳnh, học và làm theo Bác về thực hành tiết kiệm, 3 năm qua có hơn 180 cán bộ, hội viên, phụ nữ ở xã Đông Quang đã tham gia mô hình nuôi heo tiết kiệm với số tiền được hơn 450 triệu đồng. Tùy theo hoàn cảnh từng gia đình, các bà, các chị tiết kiệm chi tiêu, mỗi ngày từ vài nghìn đến hàng chục nghìn đồng để nuôi heo.

Bên cạnh mô hình nuôi heo tiết kiệm, nhiều chi hội phụ nữ trong tỉnh duy trì mô hình hũ gạo tiết kiệm tình thương. Bà Vũ Thị Sửu, thôn Bương Hạ Đông, xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ) cho biết: Từ ngày chi hội phát động mô hình hũ gạo tiết kiệm tình thương, phụ nữ trong thôn rất nhiệt tình hưởng ứng. Mỗi tháng chúng tôi tự nguyện đóng góp mỗi người 1kg gạo để giúp đỡ những chị em có hoàn cảnh khó khăn. 

Còn bà Nguyễn Thị Hoa, thôn Thái Hòa, xã Bình Định (Kiến Xương) chia sẻ: Tôi gom góp chai, lọ nhựa, bìa carton, vỏ lon bia... để bán lấy tiền cùng với phụ nữ trong xã giúp các cháu mồ côi, các cháu có hoàn cảnh khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Thực hành tiết kiệm theo gương Bác, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh duy trì và nhân rộng các mô hình tiết kiệm bằng nhiều hình thức như nuôi lợn nhựa, hòm, ống tiết kiệm; tiết kiệm gạo; tiết kiệm mua thẻ bảo hiểm y tế; thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn theo các chương trình vay vốn... Ngoài ra, các cấp hội còn tích cực vận động hội viên tiết kiệm năng lượng; tiết kiệm nguyên liệu trong sản xuất; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Mỗi cán bộ, hội viên nòng cốt đi đầu trong việc này. Toàn tỉnh đã có 924 tổ tiết kiệm với tổng số tiền hơn 27 tỷ đồng; có hơn 600 mô hình tiết kiệm từ thu gom phế liệu với số tiền thu được hơn 1 tỷ đồng; có hơn 1.000 tổ tiết kiệm vay vốn với số tiền 74 tỷ đồng.

Là đơn vị đầu tiên của huyện Vũ Thư triển khai mô hình thu gom phế liệu gây quỹ hội bảo vệ môi trường, đến nay, Hội LHPN xã Duy Nhất đã thu gom được gần 10 tấn phế liệu các loại, bán và thu về hơn 65 triệu đồng. 

Bà Bùi Thị Hương, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: Xuất phát từ thực tế sinh hoạt hàng ngày có rất nhiều phế liệu thải ra (nếu không được thu gom sẽ gây ô nhiễm môi trường và lãng phí), vì vậy tôi đã phát động phong trào thu gom phế liệu gây quỹ đến tất cả cán bộ, hội viên. Việc đầu tiên là thực hiện phân loại rác thải hữu cơ và vô cơ ngay tại gia đình. Từ những rác thải vô cơ phân ra hai loại: loại không thể tái sử dụng như gạch, vữa... sẽ thu gom lại để vận chuyển ra bãi rác để xử lý; loại có thể tái sử dụng như vỏ chai, lon bia, sắt vụn, bìa giấy... chị em sẽ thu gom lại. Ban Chấp hành Hội LHPN xã phụ trách việc cân đo, ghi chép và bán phế liệu. Số tiền này đã tặng các gia đình khó khăn sửa nhà, mua con giống.

Bà Phạm Thị Huê, thôn Hưng Đạo Đông, xã Đông Quang (Đông Hưng) cho biết: Con tôi bị tim bẩm sinh và nhiều bệnh khác nữa nên sức khỏe yếu, tôi nghỉ làm để ở nhà chăm con. Hiện giờ, cả gia đình trông chờ vào thu nhập thợ xây của chồng tôi. Thấu hiểu hoàn cảnh, các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là Hội LHPN xã đã giúp đỡ gia đình tôi vượt qua khó khăn. Tôi được biết Hội đã trích một phần từ mô hình nuôi heo tiết kiệm của chị em phụ nữ để trợ giúp, tôi cảm thấy rất ấm lòng.

Bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết thêm: Học Bác từ những điều giản dị nhất, “tiết kiệm từ những việc nhỏ thì sẽ thành được điều to tát”, phong trào phụ nữ thực hành tiết kiệm đã mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực và có sức lan tỏa lớn. Việc tiết kiệm đã tạo cho phụ nữ kỹ năng sống, chị em xây dựng kế hoạch chi tiêu khoa học, tạo thói quen tiết kiệm trong gia đình. Với mô hình tiết kiệm và vay vốn theo các chương trình vay vốn giúp hội bảo toàn nguồn vốn nhận ủy thác từ các ngân hàng. Từ phong trào này, hội viên, phụ nữ đã thể hiện được tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Vai trò của tổ chức hội ngày càng được nâng cao. Tổ chức hội đã trở thành chỗ dựa tin cậy của hội viên, phụ nữ.

Phụ nữ xã Duy Nhất thực hiện tiết kiệm từ phế liệu để giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Xuân Phương