Thứ 7, 23/11/2024, 23:38[GMT+7]

Giữ “lửa” sân khấu truyền thống

Thứ 6, 29/09/2023 | 09:58:34
8,296 lượt xem
Với mong muốn góp phần tích cực đưa nghệ thuật chèo sớm trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, song song với hoạt động sôi nổi của các CLB nghệ thuật quần chúng trên địa bàn tỉnh hiện nay, đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Chèo Thái Bình cũng đang từng ngày nỗ lực giữ “lửa” sân khấu, giữ “hồn” nghệ thuật truyền thống trước sức ép cạnh tranh của các loại hình giải trí hiện đại.

Vở chèo “Đôi ngọc truyền kỳ” do tập thể các nghệ sĩ Đoàn 2, Nhà hát Chèo thể hiện.

Chèo mang hơi thở cuộc sống đương đại

Tối ngày 18/9, rất đông khán giả, những người yêu nghệ thuật đã đến Nhà hát Chèo Thái Bình để theo dõi đêm công diễn báo cáo hội đồng nghệ thuật vở chèo về đề tài hiện đại mang tên “Nỗi đau tình mẹ”. Đây là câu chuyện về một người mẹ đã dành cả cuộc đời để chăm lo, nuôi dưỡng 3 con khôn lớn, trưởng thành. Tuy nhiên, đến khi mẹ già yếu thì các con vì những toan tính nhỏ nhen, ích kỷ đã quên đi lòng hiếu thảo, đùn đẩy lẫn nhau việc chăm sóc, phụng dưỡng mẹ. Tủi nhục vì không thể sống cùng các con, người mẹ đi ăn xin để sống qua ngày, được cháu bé hát rong xa lạ cưu mang, đùm bọc. Ngày mẹ còn ở cùng, các con tranh nhau thiệt hơn, không làm tròn bổn phận của người con nhưng tới ngày cho là ngày giỗ của mẹ, các con tổ chức đám giỗ linh đình, mời đông đủ họ hàng đến ăn uống say sưa mà không mảy may nghĩ đến việc đi tìm mẹ. Người mẹ trở về nhà con trai cả ngày hôm ấy trong vai một người hát rong kiếm sống, hát những bài về tình mẫu tử. Từ đây, vở chèo mang đến nhiều tình tiết bất ngờ, đầy lôi cuốn, hấp dẫn khán giả, đồng thời nhắc nhở mỗi con người luôn phải hiếu thảo, tôn kính cha mẹ, biết tri ân nguồn cội, từ đó hình thành nên chuẩn mực, giá trị của gia đình hạnh phúc, góp phần xây dựng xã hội nhân văn.

Chăm chú theo dõi vở chèo “Nỗi đau tình mẹ” từ hàng ghế khán giả, NSND Văn Mởn, nay đã ở tuổi ngoài 80 vẫn không khỏi xúc động, ông tin tưởng vào tình yêu và niềm đam mê của thế hệ nghệ sĩ, diễn viên hôm nay sẽ góp phần bảo tồn nghệ thuật truyền thống. 

NSND Văn Mởn cho biết: Có thể nói, Thái Bình có số lượng diễn viên, nhạc công mạnh mẽ nhất từ năm 1959 đến giờ, có nhiều giọng hát hay để thấy rằng Nhà hát đã rất cố gắng. Song hiện nay, trước sự ảnh hưởng của nhiều bộ môn khác, chèo đứng trước khó khăn. Lúc này là lúc các nghệ sĩ chèo chuyên nghiệp phải nỗ lực rất cao, nhất là hiện nay chúng ta đang rất cần những vở hiện đại, phản ánh được nỗi niềm của con người. Chúng ta phải có những vở diễn phản ánh được cuộc sống hiện đại ngày nay, vật chất đi lên nhưng tình người có dấu hiệu xuống cấp, để gióng chuông cảnh báo việc cần phải gìn giữ đạo đức, tình nghĩa con người.

Vở chèo “Nỗi đau tình mẹ” với nhiều phân cảnh gây xúc động đối với khán giả.

Lan tỏa tình yêu nghệ thuật truyền thống

Trăn trở của NSND Văn Mởn về khó khăn của sân khấu truyền thống trong giai đoạn hiện nay cũng là nỗi niềm chung của nhiều nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Chèo Thái Bình. Song song với việc phục dựng các vở chèo cổ nhằm bảo lưu giá trị truyền thống, truyền nghề cho đội ngũ diễn viên trẻ, là việc ra mắt những vở diễn mới, đáp ứng thị hiếu của khán giả. NSND Vũ Ngọc Cải, Giám đốc Nhà hát Chèo Thái Bình cho biết, trong giai đoạn này, sân khấu truyền thống phải hoạt động chuyên nghiệp hơn ở mọi khâu từ chọn vấn đề, xây dựng kịch bản đến dàn dựng, diễn xuất, thiết kế sân khấu, âm thanh, ánh sáng... đều cần được đầu tư có chiều sâu, đột phá nhưng lại vẫn phải giữ được “hồn cốt” nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

So với thời điểm trước khi ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sân khấu truyền thống đang gặp không ít khó khăn, đặc biệt trong đó là số buổi biểu diễn không nhiều như trước. Tuy nhiên, các nghệ sĩ vẫn luôn nỗ lực giữ vững định hướng bảo tồn và phát huy nghệ thuật bằng việc kiên trì rèn luyện, đào tạo các thế hệ diễn viên kế cận, tích cực nâng cao chất lượng nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu thông tin và thị hiếu thẩm mỹ của khán giả. 

NSƯT Trần Ánh Điện, Trưởng đoàn 2, Nhà hát Chèo Thái Bình chia sẻ: Thực ra trong những lúc khó khăn nhất mình càng phải yêu tiếng hát chèo tỉnh Thái Bình, đặc biệt là Thái Bình có cái chất riêng về lề lối hát chèo. Được phục vụ nhân dân, được phục vụ khán giả là niềm hạnh phúc nhất của người nghệ sĩ.

Song song với nỗ lực của đơn vị nghệ thuật, mong rằng để có thể bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống, các đoàn nghệ thuật sẽ có nhiều buổi biểu diễn thường xuyên hơn, không chỉ diễn ra trong khuôn viên sân khấu nhà hát hay tại các lễ hội mà còn là tại các khu vực trung tâm, có thể thu hút sự quan tâm theo dõi của công chúng. Biểu diễn thường xuyên hơn cũng khiến cho các nghệ sĩ thêm yêu nghề, tâm huyết, gắn bó với nghề, đồng thời công chúng nhất là giới trẻ hiện nay có thêm cơ hội được tiếp cận và cảm thụ nghệ thuật truyền thống.

Các vở diễn của Nhà hát Chèo đều được đầu tư công phu với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ trẻ.

Tú Anh