Chủ nhật, 17/11/2024, 18:46[GMT+7]

Phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023

Thứ 7, 30/09/2023 | 15:44:22
13,893 lượt xem
Sáng ngày 30/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 và hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình có đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2023; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia; báo cáo đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. 9 tháng năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi khả quan; nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng tuy kết quả chưa đạt được như kỳ vọng nhưng đã chuyển biến tích cực hơn. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, tính chung 9 tháng GDP tăng 4,24%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao hàng đầu thế giới; trong đó khu vực nông nghiệp tăng 3,43%, khu vực dịch vụ tăng 6,32%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,41%. Đặc biệt, nhiều địa phương phục hồi, tăng trưởng khá cao như: Thành phố Hồ Chí Minh quý III tăng 6,71%, tính chung 9 tháng tăng 4,57%; thành phố Hà Nội là 6,49% và 6,08%; Bình Dương là 7,51% và 4,49%; Đồng Nai là 6,4% và 5,03%; Hải Phòng là 10,48% và 10,08%; Quảng Ninh là 10,64% và 9,88%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%, thu ngân sách nhà nước ước đạt 75,5% dự toán. Hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tiếp tục chuyển biến. Đầu tư được thúc đẩy mạnh mẽ, trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tổng vốn FDI đăng ký 9 tháng đạt 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2022. Công tác quy hoạch được đẩy mạnh, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được tập trung đầu tư. Công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống cho người dân được chú trọng thực hiện. Các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin tuyên truyền tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả. Ổn định chính trị, độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; quốc phòng, an ninh được tăng cường.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao tinh thần nỗ lực phấn đấu của các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình đã giải quyết tốt các công việc được giao. Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, nguyên nhân của kết quả đạt được, của hạn chế, yếu kém và các bài học kinh nghiệm rút ra trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển của ngành, địa phương, lĩnh vực.  

Nhấn mạnh về thời cơ và các khó khăn, thách thức trong những tháng cuối năm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023, tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai thực hiện kế hoạch năm 2024 và tiến tới hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra cho cả nhiệm kỳ. Trong đó tập trung thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đó là: Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô. Thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện quyết liệt chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung vốn, đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. Tập trung phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu. Chú trọng tận dụng thời cơ, phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng nhất là chuyển đổi số. Thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh. Chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, nhất là các chính sách người có công, bảo trợ xã hội, y tế, giáo dục đào tạo, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống nhân dân. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì và phối hợp tập trung rà soát, chuẩn bị kỹ nội dung, hoàn thiện các báo cáo, tờ trình trình hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và kỳ họp Quốc hội sắp tới bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Minh Hương