Thứ 7, 23/11/2024, 14:32[GMT+7]

Kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba (26/10/1958 - 26/10/2023) Đổi thay trên quê hương hai lần đón Bác về thăm

Thứ 3, 17/10/2023 | 08:20:14
6,448 lượt xem
Hồng An là xã duy nhất của huyện Hưng Hà vinh dự hai lần được đón Bác Hồ về thăm. Khắc ghi lời Bác dạy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hồng An luôn đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, giành thắng lợi toàn diện trên các lĩnh vực, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Đền thờ Bác Hồ tại xã Hồng An (Hưng Hà).

Sự kiện ghi dấu nơi đây vào ngày 21/8/1945 khi vừa tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Hưng Nhân thì đê Đìa tại xã Hồng An bị vỡ khiến 8 phủ huyện phía Bắc tỉnh Thái Bình chìm trong biển nước. Thóc lúa, hoa màu, trâu bò, nhà cửa đều bị nước cuốn trôi, gây thiệt hại lớn. 

Dẫn chúng tôi quanh một vùng đất bãi nơi đây, cán bộ HTX SXKD DVNN xã chia sẻ: Đây chính là đoạn đê bị vỡ vào năm 1945, nước tràn đã phá đê vỡ tung một đoạn dài khoảng 200m. Mọi người ra sức ngăn dòng nước lại nhưng nước đã nhấn chìm nhà cửa, làng mạc. Nhiều người không kịp di tản phải trèo lên cây, lên mái nhà tránh nước. Trong lúc tình cảnh khó khăn nhất, Bác Hồ đã về thăm, động viên nhân dân. Lần đầu là ngày 10/1/1946, Bác về thị sát đê vỡ, lần thứ hai vào ngày 28/4/1946 nhân dịp khánh thành hàn khẩu đê Đìa. Người dân trong xã đã dựng tấm bia đá tại K143+200 trên đê ghi rõ ngày vỡ đê, ngày Bác Hồ về thăm để con cháu đời sau khắc ghi sự kiện lịch sử. Giờ đây nhân dân Hồng An vẫn truyền nhau những lời Bác dặn: “Hàng năm, đồng bào phải củng cố đê điều, đẩy mạnh sản xuất. Chống được giặc đói, giặc dốt là thiết thực cùng với đồng bào cả nước chống giặc ngoại xâm. Trước mắt phải làm tốt ba việc lớn: chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm...”. Vừa nói Bác vừa động viên nhân dân Hồng An cùng với các địa phương khác huy động sức người, sức của để đắp đê xong trước mùa nước. Được Bác động viên, chỉ trong 3 tháng cán bộ và nhân dân Hồng An cùng các lực lượng hộ đê của tỉnh, của huyện đã hàn khẩu xong đoạn đê bị vỡ, góp phần ổn định sản xuất và đời sống nhân dân.

Bia đá ghi dấu trận lụt lịch sử năm 1945 và hai lần Bác Hồ về thăm tại xã Hồng An (Hưng Hà).

Ông Trần Tuyến Phúc, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Hồng An cho biết: Trên vùng đất bãi này ngày vỡ đê người dân mất trắng tất cả nhưng ngày nay lại trở thành miền đất trù phú nhất vùng bởi được bao phủ màu xanh ngát của vườn cây hoa trái, cây màu vụ đông cho thu nhập cao. Vâng theo lời Bác dạy, Hồng An đã phát huy truyền thống canh tác của địa phương, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng lúa, màu, cây ăn quả. Toàn xã có hơn 500ha đất nông nghiệp, trong đó có 236ha cấy lúa, 108ha cây màu, 122ha cây lâu năm, 43ha thủy sản. Để nâng cao thu nhập cho bà con, hàng năm xã duy trì 280ha cây màu, cây vụ đông chủ lực như cây ngô, cà chua, đỗ, dưa, bí, rau màu các loại mang lại giá trị sản xuất 5 - 6 triệu đồng/sào. Đặc biệt, Hồng An đã quy hoạch được 4 vùng sản xuất với tổng diện tích hơn 320ha, trong đó xây dựng vùng đất bãi chiếm 60% diện tích còn 3 vùng nội đồng chuyên trồng lúa chất lượng cao, cây vụ đông và hướng tới quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái đồng quê. Riêng vùng đất bãi người dân trồng nhiều cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao như chuối, táo, ổi và phát triển nhiều trang trại chăn nuôi bò, lợn. Phấn khởi nhất là hàng hóa làm ra đến đâu được tiêu thụ hết ngay tới đó. Hiện nay Hồng An đã có nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng như long nhãn, chuối, táo, ổi và đang xây dựng chuối tiêu hồng làm sản phẩm OCOP. Ngoài việc duy trì sản xuất 2 vụ lúa đem lại năng suất bình quân trên 131 tạ/ha, xã còn đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, góp phần giảm diện tích ruộng bỏ hoang ở địa phương. Tính bình quân vùng đất bãi giá trị sản xuất đạt 300 - 500 triệu đồng/ha/năm, góp phần đưa giá trị sản xuất ngành nông nghiệp chiếm 30 - 32% tổng giá trị sản xuất của xã.

Ông Trần Hữu Hưng, thôn Việt Thắng cho biết: Khắc ghi lời Bác dạy, nỗ lực vươn lên, năm 2011 tôi đã mạnh dạn ra vùng đất bãi phát triển kinh tế, chủ yếu trồng chuối tây và nuôi lợn, bán thức ăn chăn nuôi, phân bón trên diện tích 10 mẫu. Tới năm 2015 tôi tiếp tục mở rộng diện tích trồng chuối lên hơn 20 mẫu và xây dựng thương hiệu chuối Hồng An để đưa vào kênh siêu thị. Hiện tôi tiếp tục thuê lại đất bãi của người dân với tổng diện tích hơn 50 mẫu để trồng hơn 3 vạn cây chuối tiêu hồng và chuối tây bán trong nước và xuất sang Trung Quốc. Ngoài ra tôi còn nuôi hơn 400 con lợn, xuất bán 120 tấn thịt lợn/năm và trồng 2 mẫu ổi, doanh thu mỗi năm đạt hơn 13 tỷ đồng, trừ chi phí mỗi năm tôi lãi hơn 3 tỷ đồng.

Hiện nay, người dân Hồng An không chỉ làm giàu trên vùng đất bãi mà tất cả các lĩnh vực khác đều phát triển mạnh. Ông Trần Hữu Sơn, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Đảng bộ và nhân dân Hồng An khắc ghi lời căn dặn của Bác, đoàn kết đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, trở thành một trong những xã đầu tiên về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao của huyện. Toàn xã có 13 công ty, 650 máy khăn công nghiệp, hơn 1.000 hộ kinh doanh buôn bán dịch vụ và nhiều ngành nghề khác tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương bình quân đạt 8%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 63 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,82%. Nỗ lực vươn lên, Hồng An phấn đấu đến năm 2025 không còn hộ nghèo, đồng thời hoàn thành các tiêu chí về đích xã nông thôn mới kiểu mẫu.

 Hồng An đổi mới từng ngày.
   

Thu Thủy