Thứ 7, 23/11/2024, 14:48[GMT+7]

Cần xử lý dứt điểm doanh nghiệp tẩy, nhuộm hoạt động trái phép tại xã Độc Lập

Thứ 5, 19/10/2023 | 07:13:23
2,531 lượt xem
Gần 10 năm nay, Doanh nghiệp tư nhân Đồng Phú và Công ty TNHH Dệt may Đăng Trung là 2 doanh nghiệp tẩy, nhuộm khăn bông tại xã Độc Lập (Hưng Hà) hoạt động trái phép ngay trên hành lang đê. Điều đáng nói, các cơ sở này không có hệ thống xử lý nước thải mà xả thải trực tiếp ra sông Hồng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Để chấm dứt tình trạng này, huyện Hưng Hà đang phối hợp với các ngành liên quan thực hiện các biện pháp xử lý.

Công trình vi phạm gần 10 năm chưa được xử lý.

Theo báo cáo của huyện Hưng Hà, năm 2011, Doanh nghiệp tư nhân Đồng Phú do ông Nguyễn Đức Xuân làm người đại diện đã thuê hơn 2.000m2 đất bãi ven sông để làm cơ sở chăn nuôi. Đến năm 2014, Công ty TNHH Dệt Tân Phương (xã Thái Phương) thuê lại toàn bộ diện tích nhà xưởng này để làm cơ sở tẩy, nhuộm khăn bông (không có hợp đồng bằng văn bản) với công nghệ sản xuất gồm: khăn thô đưa qua công đoạn hấp, giặt, tẩy, nhuộm. Hiện trạng gồm: 4 lò hơi, 3 máy sấy, 2 giàn lu sấy, 6 máy vắt, 18 máy giặt, 8 nồi luộc, 1 máy xả khăn. Nước thải phát sinh được thu gom vào 2 bể chứa với thể tích 10m3 và 1 bể có thể tích 16m3, sau đó xả trực tiếp ra sông Hồng. Tháng 10/2015, UBND huyện Hưng Hà kiểm tra toàn bộ diện tích đất đang sử dụng, phát hiện Doanh nghiệp tư nhân Đồng Phú tự ý chuyển mục đích sử dụng 2.061,5m2 sang đất phi nông nghiệp để xây dựng nhà xưởng hoạt động nấu, giặt, tẩy, nhuộm mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, chưa xin cấp phép xả nước thải vào nguồn nước.

Cũng tại khu vực này, Công ty TNHH Dệt may Đăng Trung do ông Đỗ Văn Ánh, thôn Phương La, xã Thái Phương làm người đại diện nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân, được UBND xã Độc Lập chứng thực năm 2015, 2016 với tổng diện tích 3.509m2, trong đó diện tích đất vi phạm chuyển sang xây dựng xưởng tẩy, nhuộm (tự ý chuyển mục đích sử dụng đất) 2.079,3m2.

Trước tình hình trên, ngày 2/11/2015 UBND huyện Hưng Hà đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 6451/QĐ-XPVPHC đối với ông Nguyễn Đức Xuân về hành vi không xin cấp phép xả thải vào nguồn nước, đồng thời yêu cầu ông Nguyễn Đức Xuân khôi phục tình trạng ban đầu của đất như trước khi vi phạm, tháo dỡ công trình xây dựng không phép, dừng ngay việc xả nước thải ra môi trường. Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là 3 tháng kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt. Đối với Công ty TNHH Dệt may Đăng Trung, huyện Hưng Hà đã có văn bản yêu cầu dừng hoạt động và tháo dỡ công trình vi phạm nhưng đến nay các công trình này vẫn tồn tại.

Ông Vũ Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà cho biết: Chúng tôi đã chỉ đạo các phòng chuyên môn kiểm tra, tổ chức trưng cầu đo đạc toàn bộ diện tích đất vi phạm. Qua kiểm tra bước đầu xác định 2 đơn vị trên có nhiều hành vi vi phạm về đất đai, môi trường, đê điều. Vì vậy, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra phối hợp với sở, ngành của tỉnh để xử lý các vi phạm theo pháp luật; giao Điện lực Hưng Hà rà soát hồ sơ hợp đồng cấp điện. Đến thời điểm này, Điện lực Hưng Hà đã hạ cấp đo đếm theo đúng công suất của hợp đồng; chỉ đạo UBND xã Độc Lập thực hiện việc giám sát 24/24 giờ các hoạt động nấu, giặt, tẩy, nhuộm đối với 2 đơn vị trên.

Mặc dù huyện đã chỉ đạo quyết liệt nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi 2 đơn vị trên vẫn lén lút hoạt động. Ông Lê Văn Việt, xã Độc Lập cho biết: Các doanh nghiệp này chỉ ngừng hoạt động vào ban ngày, ban đêm mới là hoạt động chính. Chúng tôi thấy nếu tình trạng này tiếp tục tái diễn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước và chính sức khỏe của người dân. Vì vậy, mong các cấp chính quyền có biện pháp quyết liệt để xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường và trả lại mặt bằng cho hành lang đê.

Ông Đào Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Độc Lập cho biết: Với trách nhiệm địa phương, chúng tôi đã lập biên bản nhiều lần và đã xử lý hành chính. Đồng thời, thành lập tổ giám sát, thường xuyên giám sát hoạt động xả thải của các phân xưởng; giao đặc trách cho Công an xã thu thập thông tin, lắp camera để theo dõi, khi có dấu hiệu vi phạm báo cáo kịp thời các cấp. Với thẩm quyền của địa phương, chúng tôi đã dừng các hợp đồng thuê đất, chấm dứt hợp đồng đất đai cũ và rà soát nguồn gốc đất phát sinh để tiếp tục xử lý theo quy định.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê huyện: Từ năm 2015 - 2022, mặc dù UBND tỉnh, UBND huyện Hưng Hà, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần ban hành các văn bản yêu cầu ông Nguyễn Đức Xuân và ông Đỗ Văn Ánh phải khôi phục tình trạng ban đầu của đất. Tuy nhiên, 2 doanh nghiệp này chỉ một thời gian sau đó tiếp tục hoạt động. Thậm chí xung quanh các xưởng còn trồng cây cao để che giấu vi phạm. Chúng tôi xác định việc xây dựng các xưởng trái phép trên hành lang đê sẽ đe dọa đến an toàn đê và hành lang thoát lũ của tuyến đê. Căn cứ Luật Đê điều 2006 và Nghị định số 104/2017/NĐ-CP, ngày 14/9/2017, tại khoản 5 Điều 7 quy định: Không cho phép xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt. Đối với hành vi xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt sẽ bị phạt hành chính với mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng, đồng thời buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng đối với hành vi vi phạm.

Vấn đề đặt ra là tại sao 2 doanh nghiệp này hoạt động trái phép gần 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm?

Xung quanh các xưởng được trồng cây để che dấu vi phạm.

Thanh Thủy