Thứ 4, 13/11/2024, 06:57[GMT+7]

Nâng cao ý thức phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 2, 27/11/2023 | 09:22:33
2,780 lượt xem
Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố (cả nước có 74 ổ dịch tại 74 xã của 48 huyện thuộc 23 tỉnh, thành phố), có dấu hiệu diễn biến phức tạp, nhằm nâng cao ý thức phòng, chống bệnh DTLCP, các địa phương trong tỉnh đang tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp không để dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn.

Hộ chăn nuôi xã Vũ Tiến (Vũ Thư) thực hiện khử trùng, tiêu độc chuồng trại để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Xã Vũ Tiến (Vũ Thư) có nhiều hộ chăn nuôi lợn. Qua rà soát, tổng đàn lợn của xã đạt 1.700 con. Trước tình hình bệnh DTLCP ở một số tỉnh, thành phố diễn biến phức tạp, để chủ động phòng, chống, xã đã tích cực tuyên truyền người dân thực hiện tốt các biện pháp không để bệnh dịch xâm nhập vào địa bàn. 

Ông Trần Đức Khâm, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã cho biết: Mặc dù hiện nay đã có vắc-xin phòng bệnh DTLCP song biện pháp chủ yếu của các hộ dân trong xã là khử trùng, tiêu độc chuồng trại, khu vực xung quanh trang trại, gia trại, nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn. Ban Chăn nuôi và Thú y xã đã khuyến cáo người dân không được mua bán lợn tại các tỉnh đang có dịch; tổ chức tập huấn về phòng, chống bệnh DTLCP cho người chăn nuôi; tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân và các hộ chăn nuôi khi phát hiện lợn có bệnh, nghi mắc bệnh phải kịp thời khai báo với chính quyền địa phương và thú y cơ sở để xác minh dịch bệnh, không được bán chạy lợn bệnh làm cho dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Ông Phạm Văn Dương, thôn La Trạng, xã Vũ Tiến cho biết: Đàn lợn của gia đình có 50 con. Thông tin về bệnh DTLCP khiến tôi rất lo lắng khi 10 con lợn chuẩn bị xuất chuồng. Mặc dù đàn lợn của gia đình đã tiêm vắc-xin phòng bệnh nhưng tôi không chủ quan, hàng ngày vẫn thực hiện khử trùng, tiêu độc chuồng nuôi, bổ sung các chất dinh dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn. 

Bà Lương Thị Hằng, xã Đông Trung (Tiền Hải) cho biết: Qua tuyên truyền của huyện và xã, gia đình tôi biết rõ về mức độ nguy hiểm của bệnh DTLCP. Để bảo vệ đàn lợn của gia đình tôi đều đặn mỗi tuần hai lần thực hiện vệ sinh chuồng trại bằng hóa chất, vôi bột. Nếu không làm tốt công tác khử trùng, tiêu độc thì khi xảy ra dịch bệnh sẽ thiệt hại lớn về kinh tế, do đó phải tuyệt đối tuân thủ khuyến cáo của ngành chuyên môn.

Ông Phạm Văn Lý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh đến tháng 11/2023 đạt trên 720.000 con, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Đến nay, các địa phương đã hoàn thành kế hoạch tiêm phòng vụ thu đông năm 2023 theo đúng kế hoạch. Trong đó, đàn lợn thuộc diện tiêm vắc-xin dịch tả lợn 129.817 lượt con; tụ dấu lợn 57.400 lượt con; phó thương hàn 69.918 lượt con; lở mồm long móng gia súc 47.408 lượt con; viêm da nổi cục 6.489 lượt con. Đối với bệnh DTLCP, để phòng, chống hiệu quả, Chi cục đã khuyến cáo các cơ sở và người chăn nuôi thực hiện “5 không”: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn dịch; không giết mổ lợn dịch bệnh; không vứt xác lợn dịch bừa bãi và không dùng thức ăn rác (thu gom tại các quán ăn, nhà hàng) cho đàn lợn. Các huyện, thành phố đã tổ chức thực hiện công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc trên địa bàn từ ngày 15/9 - 15/10/2023. Trong đó, tiến hành phun tập trung tại các ổ dịch cũ bệnh DTLCP, viêm da nổi cục và những nơi có nguy cơ cao như chợ, nơi giết mổ, nơi tập trung, buôn bán gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm, khu vực bến đò, phà, nơi công cộng; với các cơ sở chăn nuôi thì tiến hành cấp phát hóa chất để chủ động thực hiện phun khử trùng, tiêu độc. Vận động các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, cơ sở giết mổ chủ động nguồn hóa chất, vôi bột để duy trì công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc định kỳ hàng tuần. Các địa phương đã sử dụng 31.576 lít hóa chất, 620.512kg vôi bột để khử trùng, tiêu độc. Đã lấy 164 mẫu (64 mẫu sản phẩm chế biến từ thịt lợn, 64 mẫu phủ tạng lợn, 34 mẫu gộp huyết thanh lợn và 2 mẫu nước thải) lấy từ 16 chợ thực phẩm, 34 hộ chăn nuôi tại 16 xã... Đồng thời, tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tổ chức các hội nghị tập huấn, hướng dẫn áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học cho các hộ chăn nuôi nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống bệnh DTLCP nói riêng, duy trì chăn nuôi an toàn, hiệu quả nói chung.

Một số trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm không cho người ngoài vào khu vực trang trại nuôi lợn.

Mạnh Thắng