Thứ 7, 23/11/2024, 14:31[GMT+7]

Liên kết phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững Kỳ II: Nhận diện những khó khăn

Thứ 3, 28/11/2023 | 08:32:38
9,137 lượt xem
Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bảo đảm cho các thành phần kinh tế tham gia chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và tạo sản phẩm có thương hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, số lượng các chuỗi còn ít, việc duy trì, phát triển chuỗi còn nhiều khó khăn.

Mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 10.000ha lúa, tương đương khoảng 7% diện tích gieo cấy có hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm.

Các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đều hình thành dựa trên cơ sở những cánh đồng lớn, tích tụ, tập trung đất đai, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ. Tuy nhiên, tốc độ xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện có của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh về diện tích, số lượng nông sản. Các chuỗi chủ yếu là liên kết sản xuất chứ chưa phải là chuỗi giá trị. Việc thu hút các doanh nghiệp tham gia liên kết đầu tư xây dựng chuỗi tại các địa phương còn rất hạn chế. Tuy đã hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung, cánh đồng lớn nhưng tính tổ chức, liên kết theo vùng còn hạn chế và chưa có nhiều dự án đầu tư tổ chức sản xuất liên kết giữa các vùng. 

Cơ sở hạ tầng của các vùng sản xuất, các mô hình liên kết chưa thực sự đồng bộ. Nhận thức của một bộ phận nông dân về liên kết chuỗi còn hạn chế, thiếu sự tự giác trong việc tuân thủ những cam kết trách nhiệm với doanh nghiệp, vẫn có tình trạng người sản xuất phá vỡ cam kết bán hàng ra ngoài khi giá nông sản trên thị trường tăng để kiếm thêm chút lợi trước mắt.

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xay xát, chế biến, kinh doanh lương thực, Công ty TNHH Hưng Cúc đã tạo ra mô hình liên kết “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) khép kín từ khâu gieo trồng đến chế biến, tiêu thụ, tạo sản phẩm gạo sạch, chất lượng cao phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, sự lỏng lẻo trong chuỗi liên kết, cụ thể việc phá vỡ hợp đồng, thường là từ phía người dân khiến Công ty thiếu sự chủ động trong nguyên liệu đầu vào. 

Ông Lý Thái Hưng, Giám đốc Công ty  cho biết: Là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lương thực, chúng tôi tha thiết mong muốn tạo lập mối liên kết bền chặt với các HTX và bà con nông dân trong sản xuất lúa gạo. Tuy nhiên, tình trạng nông dân “bẻ kèo” thường xuyên xảy ra. Bà con thường chạy theo giá, giá bán ngoài thị trường cao hơn trong một thời điểm nhất định sẽ sẵn sàng bỏ doanh nghiệp để bán cho thương lái.

Ngoài ra, việc duy trì chuỗi liên kết sản xuất để không bị đứt gãy của các doanh nghiệp, HTX cũng gặp khó khăn do thiếu sự chủ động, tích cực của người dân. Một số hộ dân chưa thấy được hết tầm quan trọng của liên kết chuỗi, việc tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng liên kết; thiếu sự phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc tuân thủ các chỉ tiêu kỹ thuật trong quá trình trồng, chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch và bảo quản nông, thủy sản, làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

HTX Chăn nuôi tổng hợp xã Đông Xuyên (Tiền Hải) là một trong không nhiều điểm sáng về HTX kiểu mới với 2 sản phẩm vịt biển và trứng vịt biển Đông Xuyên đã được chứng nhận sản phẩm OCOP và tiêu thụ rộng khắp các tỉnh, thành phố. Sản phẩm không chỉ khẳng định được chất lượng mà còn “định vị” được giá trị, luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Luôn mong muốn mở rộng quy mô sản xuất, phát triển thành viên nhưng theo chia sẻ của ông Ngô Văn Duẩn, Giám đốc HTX, không phải hộ chăn nuôi nào cũng đáp ứng được yêu cầu. 

“Người chăn nuôi vẫn còn chuộng sản lượng và chạy theo lợi ích trước mắt. Với quy trình chăn nuôi VietGAHP, sản phẩm của HTX phải bảo đảm không tồn dư kháng sinh, tăng trưởng tạo nạc. Nếu chăn nuôi truyền thống, mỗi lứa vịt chỉ từ 1,5 - 2 tháng thì chăn nuôi theo quy trình của HTX phải từ 3 - 4 tháng. Chi phí chăn nuôi cao hơn, thời gian nuôi dài hơn nhưng đổi lại tạo ra sản phẩm sạch với giá bán cao và ổn định. Do đó, HTX chỉ kết nạp và liên kết với  những hộ chăn nuôi thực sự nhận thức và tuân thủ đúng quy trình chăn nuôi VietGAHP để bảo đảm chất lượng sản phẩm mang thương hiệu vịt biển, trứng vịt biển Đông Xuyên” - ông Duẩn cho biết.

Bên cạnh đó, một số địa phương chưa chú trọng thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm và hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm. Ngoài ra, năng lực của các HTX về kỹ năng quản trị, xây dựng phương án sản xuất, kết nối thị trường để làm trung gian liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp... cũng còn nhiều hạn chế, bất cập.

Với định hướng chuyển đổi từ phát triển sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp thuận thiên, tuần hoàn, tăng trưởng xanh, bền vững trên nền tảng hiện có đòi hỏi sự đầu tư toàn diện từ cơ sở vật chất, kỹ thuật đến nhân lực, công nghệ, từ quy trình sản xuất đến quản trị sản xuất, vấn đề thị trường, xây dựng và phát triển thương hiệu... Do vậy cần thiết phải hình thành, phát triển các chuỗi liên kết.

ThaiBinh Seed là một trong số ít doanh nghiệp duy trì được liên kết sản xuất lúa với diện tích lớn và bền vững.

(còn nữa)
Ngân Huyền