Chủ nhật, 17/11/2024, 09:52[GMT+7]

Bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trong lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu

Thứ 2, 04/12/2023 | 08:08:54
5,501 lượt xem
Kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra từ ngày 5 - 8/12/2023 sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu. Phóng viên Báo Thái Bình phỏng vấn đồng chí Vũ Ngọc Trì, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh về nội dung này.

Đồng chí Vũ Ngọc Trì, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh với cán bộ và cử tri huyện Kiến Xương.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu theo Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội có ý nghĩa quan trọng như thế nào, mục đích, yêu cầu đặt ra là gì?

Đồng chí Vũ Ngọc Trì: Lấy phiếu tín nhiệm đối người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu là một trong những hoạt động giám sát của HĐND tỉnh có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND tỉnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, giúp họ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác. Đây cũng là nội dung giám sát quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của HĐND tỉnh đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của người được lấy phiếu tín nhiệm; là cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.

Do vậy, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm phải được thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo Nghị quyết số 96/2023/QH15, ngày 23/6/2023 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn và quy định khác của pháp luật có liên quan, bảo đảm thực chất, góp phần tăng cường niềm tin của cử tri và nhân dân vào cơ quan quyền lực của Nhà nước ở địa phương.

Phóng viên: Đồng chí có thể nói rõ hơn về những trường hợp thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp HĐND tỉnh lần này?

Đồng chí Vũ Ngọc Trì:  Theo quy định tại khoản 2, Điều 2 Nghị quyết số 96 của Quốc hội, HĐND lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ sau: Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng ban của HĐND tỉnh; Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, các Ủy viên UBND tỉnh. Tại khoản 5, Điều 2 Nghị quyết số 96 quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm.

Do đó, tại kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 26 người giữ chức vụ do HĐND tỉnh khóa XVII bầu và không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với 3 người giữ chức vụ do HĐND tỉnh theo quy định tại Nghị quyết 96 của Quốc hội (lý do được bầu trong năm lấy phiếu tín nhiệm).

Phóng viên: Công tác chuẩn bị cho việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đã được Đảng đoàn, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Vũ Ngọc Trì: Căn cứ Nghị quyết số 96 của Quốc hội và Văn bản số 599 ngày 21/8/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 16 ngày 13/9/2023 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu và ban hành văn bản gửi đến những người thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm để chuẩn bị báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, báo cáo về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và kê khai tài sản, thu nhập theo quy định. Thường trực HĐND tỉnh cũng ban hành văn bản gửi Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh để tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm theo quy định.

Đến ngày 3/10/2023, Thường trực HĐND tỉnh đã nhận đủ báo cáo và kê khai tài sản của 26 người thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm. Các báo cáo được chuẩn bị nghiêm túc, nội dung báo cáo cơ bản theo đúng hướng dẫn. Trước ngày 15/10/2023, Thường trực HĐND tỉnh đã gửi đầy đủ báo cáo của người thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm đến các đại biểu HĐND tỉnh theo quy định. Đến thời điểm này, Thường trực HĐND tỉnh không nhận được báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của Ủy ban MTTQ tỉnh, ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh gửi đến Thường trực HĐND tỉnh liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm.

Phóng viên: Như vậy, đến thời điểm này công tác chuẩn bị cho việc lấy phiếu tín nhiệm đã cơ bản hoàn tất. Tại kỳ họp HĐND tỉnh, nội dung này sẽ được thực hiện theo trình tự như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Vũ Ngọc Trì: Để việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu được thực hiện theo đúng kế hoạch, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch, đồng thời đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo bám sát các quy định để xây dựng quy trình các bước thực hiện chặt chẽ, logic, kỹ lưỡng từ việc xây dựng kịch bản điều hành, chia tổ thảo luận, gợi ý thảo luận tổ, lựa chọn đại biểu có kinh nghiệm tham gia ban kiểm phiếu, thời điểm thực hiện tại các phiên họp sao cho hiệu quả và phù hợp nhất.

Tại kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại tổ đại biểu. Tại phiên họp lấy phiếu tín nhiệm, Thường trực HĐND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh kết quả thảo luận tại tổ. Phiên họp lấy phiếu tín nhiệm chỉ được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu HĐND tỉnh tham dự. Sau đó, HĐND tỉnh thành lập tổ kiểm phiếu, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp. Sau khi có kết quả kiểm phiếu, HĐND tỉnh xem xét, thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm theo đề nghị của Thường trực HĐND tỉnh. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và nhân dân biết.

Phóng viên: Để việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu được tiến hành đúng mục đích, bảo đảm yêu cầu đề ra, theo đồng chí cần chú trọng thực hiện tốt những nội dung gì?

Đồng chí Vũ Ngọc Trì: Lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu là việc làm rất hệ trọng và có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, của cơ quan dân cử. Do đó, cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác chuẩn bị và tiến hành quy trình, các bước công việc thật chặt chẽ, chu đáo.

Trước hết, phải quan tâm làm tốt công tác tư tưởng, quán triệt sâu sắc, đầy đủ nội dung các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu, nhất là quán triệt sâu sắc, đầy đủ để các đại biểu HĐND tỉnh nắm chắc mục đích, yêu cầu, nội dung, trình tự, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm được quy định tại Nghị quyết số 96 của Quốc hội và Văn bản số 599 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Người được lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo đầy đủ, trung thực kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, kê khai tài sản, thu nhập cá nhân, những hạn chế, thiếu sót, phương hướng khắc phục và giải trình đầy đủ các nội dung mà cử tri và nhân dân có ý kiến hoặc đại biểu HĐND tỉnh yêu cầu (nếu có). Trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm cần phát huy dân chủ, đồng thời đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của từng đại biểu HĐND tỉnh trong việc thể hiện ý kiến của mình một cách khách quan, công tâm, trên tinh thần đoàn kết, xây dựng, tự phê bình và phê bình nghiêm túc. Việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm cần thực hiện chặt chẽ, theo đúng nội dung, trình tự, thủ tục các bước tiến hành, bảo đảm các đại biểu HĐND tỉnh có đủ thời gian cân nhắc, suy nghĩ thận trọng trước khi ghi phiếu đánh giá tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm.

Mỗi lá phiếu đánh giá mức độ tín nhiệm không chỉ là trách nhiệm của đại biểu đối với người được lấy phiếu mà còn là niềm tin mà cử tri đã trao gửi cho đại biểu của mình. Tôi tin chắc rằng, với bản lĩnh, sự công tâm, minh bạch, dân chủ, khách quan của các đại biểu HĐND tỉnh đối với mỗi lá phiếu sẽ làm cho bộ máy nhà nước hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả hơn.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Đồng chí Vũ Ngọc Trì, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khảo sát thực tế việc xây dựng thiết chế văn hóa tại Nhà văn hóa thôn Súy Hãng, xã Minh Lãng (Vũ Thư).

Nguyễn Hình - Thu Hiền
(thực hiện)