Thứ 7, 23/11/2024, 20:38[GMT+7]

Hiểu rõ về hai lá phổi và bí quyết bảo vệ phổi

Thứ 6, 08/12/2023 | 15:06:09
5,105 lượt xem

Ảnh minh họa.

A/ THEO TÂY Y

1) Phổi là một cơ quan hô hấp cực kỳ quan trọng; phổi giống như một nhà máy lọc khí oxy và đào thải khí độc (CO2) cho toàn bộ lưu lượng máu vận hành trong cơ thể.

2) Theo ước tính thì mỗi ngày bạn tiêu thụ trung bình khoảng 2.000 gallon khí (tương đương 7.570 lít không khí mỗi ngày). Lượng oxy khi hít vào chiếm khoảng 20% không khí và khoảng 15% khi thở ra (có nghĩa là 5% oxy đã được hấp thu vận chuyển vào trong máu).

3) Một người lớn khỏe mạnh bình thường, có nhịp thở từ 12 - 20 lần/phút. Trung bình là 16 nhịp thở/phút và như vậy mỗi ngày có từ 20.000 - 23.000 lần hít vào thở ra.

4) Phổi gồm hai lá phổi:

- Hai lá phổi của chúng ta nằm ở trong khoang ngực (lồng ngực) đây là không gian chứa, bảo vệ tim và phổi. Lá phổi bên phải lớn hơn một chút so với lá phổi bên trái.

- Cấu tạo của lồng ngực gồm các xương sườn và các cơ vùng ngực để tạo nên phần trên, cùng các mặt bên; phần dưới của lồng ngực được cấu tạo bởi một cơ lớn được gọi là cơ hoành.

5) Khoang trung thất:

- Có một khoang ở trung tâm của lồng ngực, được gọi là trung thất, là nơi chứa tim, tuyến ức và một số bộ phận khác.

- Khoang trung thất cũng giúp ngăn cách hai lá phổi để nếu như một lá phổi bị thủng hoặc bị tổn thương lá phổi còn lại vẫn có thể tự hoạt động được và đảm bảo nhu cầu oxy của cơ thể.

6) Cây phế quản:

- Trong phổi thì cứ mỗi ống phế quản lớn lại phân nhánh thành nhiều ống phế quản nhỏ hơn và cứ tiếp tục chia nhỏ hơn nữa. Bên trong lòng của phế quản được lót một lớp biểu mô và có những sợi lông nhỏ bên trong gọi là lông mao. Lông mao có tác dụng giúp cản bụi và vi sinh vật, làm cho chúng quyện vào với dịch nhờn tạo thành chất đờm; khi ho, hắt hơi thì đờm được đẩy ra ngoài.

- Trong cấu tạo của cây phế quản thì các ống nhỏ nhất được gọi là tiểu phế quản. Những tiểu phế quản này kết thúc bằng những túi khí nhỏ gọi là phế nang. Đây là nơi phổi của bạn cung cấp oxy cho máu và lấy lại carbon dioxide (CO2) để thải ra ngoài qua hơi thở.

7) Phế nang:

- Là một túi khí nhỏ, nằm ở tận cùng của tiểu phế quản. Trong cơ thể chúng ta có khoảng từ 600.000 - 800.000 phế nang.

- Bên trong thành phế nang có những mạch máu nhỏ được gọi là mao mạch, qua đó sẽ có sự trao đổi oxy đi vào máu và CO2 được đưa ra ngoài.

- Nếu khi hai lá phổi của chúng ta bị tổn thương do các tác nhân như: hút thuốc, nhiễm hóa chất, nấm mốc, vi khuẩn hay vi-rút (như vi-rút corona)... thì các phế nang dễ bị phá vỡ, hoặc co teo lại, khiến cho việc trao đổi oxy gặp khó khăn, nên cơ thể sẽ bị thiếu oxy và gây ra khó thở, thở nhanh...

8) Màng phổi:

- Là một màng rất mỏng và trơn, bao gồm hai lớp riêng biệt một lớp bao bọc bên ngoài của mỗi thùy phổi và một lớp lót bên trong của khoang ngực.

- Giữa hai màng phổi có một lớp chất lỏng mỏng ngăn cách màng phổi với nhau. Điều này giúp phổi có thể dễ dàng trượt trơn tru khi thở. Nếu vì một lý do nào đó (viêm nhiễm, ung thư hay lao phổi...) làm cho lượng dịch giữa hai lớp màng này tăng lên, sẽ khiến cho phổi co giãn khó khăn, dịch chèn ép vào phổi gây khó thở; người ta gọi đó là tràn dịch màng phổi.

B/ THEO ĐÔNG Y

1) Phổi chính là tạng phế, đó là một trong ngũ tạng của cơ thể.

2) Tạng phổi chuyên phụ trách về điều hòa và chế hóa khí, cùng với sự hiệp đồng của tạng tỳ và tạng thận.  

3) Khí trời được hít vào phổi, sẽ phối hợp với tinh khí tiên thiên (nguyên khí) và tinh khí từ thủy cốc (chất dinh dưỡng).

Cả 3 loại khí này kết hợp với nhau tạo thành khí toàn thân (Nội kinh gọi là “Nhân khí”).

Nhân khí được kết hợp với huyết (máu) để vận hành nuôi sống toàn bộ cơ thể.

(còn nữa)

Bác sĩ  Bùi Vũ Khúc

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày