Sản vật quê lúa
Nổi tiếng ở quê lúa Thái Bình có những món ngon như: Giò, chả Tiền Hải, giò cuốn Vân Đài, Hưng Hà. Giò chả, giò cuốn nơi đây được người dân chế biến từ thịt lợn sạch và tươi, giò pha chế trộn, ướp với gia vị, rồi bó buộc và luộc chín sao cho khi cắt miếng giò chả phải mịn, thịt giò mềm, nhai nhẹ đã tơi dẻo và tiết ra vị ngậy, ngọt, bùi, tỏa một mùi thơm thơm đặc trưng trong miệng.
Món nem chạo Vị Thủy (Thái Thụy), nem nắm Bến Hiệp (Quỳnh Côi). Nem nắm, nem chạo làm bằng thịt, xương sống lợn băm nhuyễn, bì luộc thái mỏng bóp với thính gạo rang. Các thứ nguyên liệu này được trộn ướp cùng nước mắm ngon, tỏi thái mỏng, ớt tươi, bột tiêu, mỳ chính. Ăn nem, người ta thường dùng kèm với lá sung, lá ổi hoặc lá đinh lăng, bởi vậy mà hương và vị của miếng nem cho ta hưởng đủ cái ngon ngậy, bùi của thịt, cái vị mặn, chát, cay dịu của lá, của ớt, tiêu, gừng, sả, làm ấm thân nhiệt. Những thứ hương và vị được kết tinh từ sa bồi, nguồn nước màu mỡ đất đai, cùng quy tắc chế biến khéo của người đầu bếp được truyền nối kinh nghiệm bao đời, lại thêm sự bày biện lễ tiết chào mời mà thành ra cả một dòng văn hóa ẩm thực đặc sắc riêng biệt của miền vùng, xứ sở mà ông cha dành lại cho con cháu.
Trên mảnh đất sa bồi, bao quanh bốn bề là sông biển như Thái Bình thì sản vật đặc trưng sinh từ sông biển, đồng bãi nơi nước ngọt, nước lợ hay nước mặn còn có những thứ ngon vật lạ dân dã như rươi, nhệch, sứa, chạch…
Rươi là loài nhuyễn thể, thường sống ở môi trường nước mặn hoặc nước lợ. Rươi chế biến được các món chả, xào, nướng, nấu, om, kho, hay làm mắm, nhưng ấn tượng nhất vẫn là món chả rươi nướng. Chả rươi Hồng Tiến (Kiến Xương) là món đặc biệt ngon ít vùng đất có được. Kế nữa là món gỏi nhệch Thái Thụy.
Nhệch là một loại cá có ngoại hình gần giống lươn. Khi làm dùng tro, lá tre để làm sạch nhớt trên mình nó rồi mới đem sơ chế. Cá nhệch được cắt lát mỏng, trộn thính, phần da được cắt thành miếng rồi chiên giòn. Xương nhệch được giã nhuyễn nấu thành nước chấm hấp dẫn gọi là chẻo. Chẻo nấu xong, pha với gừng, tỏi, ớt, hạt tiêu, sả băm nhỏ, khi ăn thường cuốn gỏi nhệch với lá sung, rau sống, chấm chẻo.
Kể thêm nữa là món nộm sứa Thái Thụy. Nộm sứa sơ chế sạch sẽ kết hợp cùng với các loại rau xanh, dừa tươi, mực biển, với một chút đậu phộng thơm ngon, béo bùi.
Canh cá Quỳnh Côi cũng là món ngon có tiếng. Bát canh cá Quỳnh Côi được người dân nơi đây làm từ các loại cá rô đồng, cá chuối. Hai loại cá này là nhất hạng cho bát canh cá, sau mới đến cá diếc, cá chép, cá trắm đen. Canh cá được nấu cùng với sợi bánh đa thay bún, phở. Nước canh được nấu từ cá đồng tạo thành món ăn giàu hương vị chỉ ở nơi đồng quê mới có được.
Quý nữa phải kể tới các món ngon dân dã được đánh bắt lên từ ao hồ, sông ngòi, thậm chí từ con mương dòng máng, nơi cánh đồng mùa nước ải, là cá chạch. Chạch sống dưới bùn, thân hình tròn, con có trứng thì to bằng ngón tay cái, dài khoảng mươi mười hai centimet. Món chạch om/nấu với củ/quả/hoa chuối tây non thái nhỏ, thêm mấy lá mùi tầu, sả, đặc biệt là lá sắn thuyền, cùng với ít mẻ ủ nên từ cơm nguội… Đây cũng là món ngon ăn một lần là khó quên. Rồi món cá nướng Thái Xuyên, cá lòng thuyền Vân Đài... Đi kèm với các món ngon trên thì không thể thiếu món được coi như “linh hồn” của tất thảy các món ăn, là nước mắm. Nước mắm ngon thơm khác nhau còn nằm ở phần trộn nộm phải thật vừa vị. Đất Thái Bình nổi tiếng có nước mắm Thái Thụy được làm với bí quyết truyền thống, hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, không có bất kỳ chất xúc tác bằng hóa học nào.
Trong văn hóa ẩm thực của người quê lúa còn phải kể đến các loại bánh, trong đó được nhiều người biết đến có bốn loại bánh: Bánh cáy Đông Hưng được làm từ gạo nếp, lạc, vừng, gừng, mỡ lợn, vỏ quýt và bột gấc, tạo nên độ dẻo, ngọt, cay nhẹ vừa phải, dậy một mùi thơm đặc trưng. Bánh nghệ Tiền Hải làm từ hai nguyên liệu là gạo tẻ và nghệ tươi, nhân có hành củ, tóp mỡ, bột quế được xay nhỏ, thêm một chút nước mắm rồi mang đi hấp, ăn bánh còn nóng và trong thời tiết lạnh thì rất hợp. Bánh cuốn nhân tôm Diêm Điền. Tôm vàng gạch có vỏ mỏng, thịt nhiều lại ngọt và thơm. Sau khi sơ chế tôm, đem bóc nõn, băm nhuyễn cùng với gấc đỏ và chưng kỹ, rồi cho vào xào với hành phi thơm nức tạo nên nhân bánh cuốn. Bánh rắn Đô Kỳ làm bằng bột gạo tẻ xay thật mịn, nhân là hành mỡ phi lên, dải bó lấy miếng thịt lợn ba chỉ đặt theo chiều dài đồng bánh. Gọi tên là bánh rắn vì kỹ thuật bó và luộc bánh sao cho chín tấm bánh thật the rắn lại. Ăn khi bánh còn ấm nóng, bánh có vị ngon khá riêng biệt.
Để các món ăn khi đã nên thương hiệu, được gọi là đặc sản, xếp hạng trong danh mục văn hóa ẩm thực của một vùng quê, hay của đất nước thường phải được nuôi trồng và chế biến kỳ công, tinh tế, trải qua bao thế hệ mới có thể đạt được. Thật đáng trân quý biết bao!
Đỗ Trọng Khơi
Tin cùng chuyên mục
- Vũ Thư tổ chức đêm hội hoa đăng tưởng niệm 1.008 năm ngày Thánh đản (1016 - 2024) 17.10.2024 | 10:47 AM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024 16.09.2024 | 21:16 PM
- Thiếu Văn Sơn - Chân dung một người cầm bút 03.06.2024 | 17:14 PM
- Ghé thăm ngôi đình hơn 130 tuổi nơi Bác Hồ trò chuyện cùng người dân Thái Bình 19.05.2024 | 17:35 PM
- Liên hoan Bé làm quen với làn điệu chèo truyền thống quê hương 19.04.2024 | 15:43 PM
- 37 thí sinh, nhóm thí sinh dự thi vòng bán kết cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ tỉnh Thái Bình 07.04.2024 | 17:52 PM
- Khánh thành ngôi chính điện chùa Vĩnh Gia 17.03.2024 | 20:09 PM
- Hưng Hà: Dâng hương tưởng niệm 790 năm ngày Đức Thái Tổ Trần Thừa băng hà 27.02.2024 | 16:14 PM
- Đại lễ giỗ tổ họ Trần Việt Nam 23.02.2024 | 15:53 PM
Xem tin theo ngày
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết và các dự án luật
- Tiếp tục quan tâm, hướng dẫn thành lập chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất và kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Họp Tiểu ban Tổng kết công tác kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Giá trị, tầm vóc và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga bất diệt
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư thôn An Cư
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật