Thứ 7, 23/11/2024, 23:53[GMT+7]

Phát triển kinh tế VAC ở Kiến Xương

Thứ 5, 21/12/2023 | 20:46:41
1,141 lượt xem
Những năm qua, Hội Làm vườn huyện Kiến Xương đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh, mở rộng quy mô phát triển kinh tế VAC mang lại thu nhập ngày càng cao.

Mô hình nuôi cá lồng trên sông của ông Phan Tiến Hùng, xã Vũ Bình (Kiến Xương).

Với chương trình hành động cụ thể, Hội Làm vườn xã Nam Bình đã phối hợp với Hội Nông dân xã tạo điều kiện cho hàng trăm lượt hội viên được tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng để phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Tổ chức nhiều lớp tập huấn khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi cho hội viên; đồng thời tổ chức tham quan học tập nhiều mô hình chăn nuôi mới như: nuôi ếch và nuôi tôm thẻ chân trắng. Hàng năm, Hội nhập về trên 30 tấn phân bón bán cho hội viên và trích chiết khấu lại cho các tổ từ 4 - 6 triệu đồng để tạo động lực hỗ trợ, động viên cán bộ hội xây dựng phong trào sản xuất VAC giỏi. Chính vì thế, số hội viên tham gia vào tổ chức hội từ 96 hội viên năm 2018 đến nay tăng lên 125 hội viên. Tại xã Vũ Trung, phong trào làm kinh tế VAC cũng phát triển mạnh. 

Ông Nguyễn Doãn Hạo, Chủ tịch Hội Làm vườn xã cho biết: Mặc dù các hội viên đều ở độ tuổi đã cao nhưng rất đam mê làm vườn, nhiều người đã trở thành những ông chủ trang trại, gia trại lớn như chủ lò ấp trứng, sản xuất con giống, chủ nhà vườn sinh vật cảnh, hộ nuôi trồng thủy sản... Phương châm hoạt động của Hội là đoàn kết, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ giúp đỡ cùng nhau phát triển kinh tế VAC. Đến nay, xã có 14/18 chủ lò ấp trứng đều là hội viên của Hội Làm vườn. Hàng năm, bình quân các hội viên chăn nuôi từ 6.000 - 8.000 con gia cầm, thủy cầm, sản xuất từ 4,5 - 5 vạn con giống các loại, 1,5 triệu quả trứng, 700 - 800 con lợn, trâu, bò giống và thương phẩm, duy trì 3,5ha nuôi cá và trồng nhiều loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, đem lại thu nhập trên dưới 100 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Chuyên, Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Kiến Xương khẳng định: Những năm qua, phong trào phát triển kinh tế VAC trên địa bàn huyện đã góp phần quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng như chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Qua đó đã tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Toàn huyện hiện có hơn 800ha vườn, phần lớn các vườn đều trồng các loại cây ăn quả như: mít Thái Lan, bưởi diễn, ổi giống mới, chuối tiêu hồng, chuối tây Thái Lan, nhãn chín sớm, chín muộn, na giai, hồng không hạt... Nguồn thu từ kinh tế vườn của huyện không chỉ có cây ăn quả mà còn có nhiều loại cây hoa, cây cảnh phục vụ thị trường trong các ngày lễ, tết. Đặc biệt, có những vườn trồng cây dược liệu như: hòe, đinh lăng, ươm cây giống để chiết, ghép cung ứng giống cho thị trường trong và ngoài huyện cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, hội viên còn đầu tư chăn nuôi, phát triển theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng an toàn sinh học và chăn nuôi hữu cơ. Do đó, đã xuất hiện nhiều hội viên có thu nhập kinh tế cao từ chăn nuôi, điển hình như ông Nguyễn Văn Hùng, xã Tây Sơn có diện tích trang trại 1ha, trong đó 6.000m2 ao nuôi cá và nuôi 5.000 con gà đẻ, thu lãi 450 - 500 triệu đồng/năm; ông Đoàn Văn Nhân, xã Bình Minh chăn nuôi tổng hợp, trồng cây cảnh cho thu nhập từ 600 - 700 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, nuôi trồng thủy sản cũng đạt nhiều kết quả. Ngoài duy trì nuôi thủy sản trên 960ha ao, hồ, các hội viên còn tận dụng lợi thế tiếp giáp với sông Hồng và sông Trà đầu tư tiền vốn, nuôi cá diêu hồng, cá lăng, cá chép, cá trắm trong lồng bè cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, nhiều hộ đã chuyển đổi nuôi cá từ ao truyền thống sang mô hình nuôi cá bán nổi ở các xã Vũ Hòa, Vũ Bình, Bình Định. Đây là mô hình nuôi mới không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn thay đổi tư duy chuyển từ thả cá sang nuôi cá, từ nuôi quảng canh sang bán thâm canh và thâm canh.

Thời gian tới, các cấp hội làm vườn huyện Kiến Xương tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở các địa phương. Tiếp tục phát động và nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua sản xuất VAC giỏi; mở rộng quy mô, tăng hiệu quả từ phát triển kinh tế VAC theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mô hình nuôi ba ba của ông Đoàn Văn Lượng, xã Nam Bình cho hiệu quả kinh tế cao.

Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày