Thứ 2, 18/11/2024, 09:52[GMT+7]

Xứng danh chiếc nôi cách mạng

Thứ 6, 17/08/2012 | 08:41:54
3,502 lượt xem
Chùa Cần Tu Tự nằm trên đất xã Đông Dương (Đông Hưng) là chiếc nôi cách mạng của tổng Cát Đàm, thuộc phủ Thái Ninh bao gồm các xã Hoàng Diệu, Đông Hòa, Đông Thọ và Đông Dương. Ngày xưa cả tổng Cát Đàm mới có một ngôi chùa là nơi giao lưu văn hóa, chính trị của nhân dân trong tổng. Đồng thời nơi này cũng là nơi hội tụ các nhà nho yêu nước của các tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Chùa Cần Tu Tự xã Đông Dương (Đông Hưng)

Đầu năm 2012, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đông Dương cùng nhân dân tổng Cát Đàm rất phấn khởi được đón nhận bằng di tích văn hóa lịch sử “xếp hạng cấp quốc gia”. Ngày đón bằng di tích, các đồng chí lãnh đạo đại diện cho Đảng, chính quyền các cấp từ tỉnh đến huyện rồi xã cùng các lão thành cách mạng và đông đảo bà con nhân dân thuộc tổng Cát Đàm đã về dự. Trải qua chặng đường dài 67 năm từ mùa thu năm 1945, nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện, nhất là việc tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Thời gian này, trên bãi sân chùa Cần Tu Tự hàng ngày vào các buổi chiều có đầy đủ các tầng lớp đoàn thể nhân dân như: Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc đều về đây luyện tập với những vũ khí thô sơ như gậy tầm vông, búp đa, mã tấu, dao găm, cung, kiếm... Đặc biệt vào những ngày mít tinh duyệt binh lớn biểu dương lực lượng vũ trang của cả một tổng mới thấy hết được khí thế cách mạng hùng tráng và nghiêm trang. Trên khán đài cao là lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới.

Thời ấy, ông Phạm Văn Tô và ông Vũ Văn Toại được cấp trên huấn luyện đưa về lãnh đạo phong trào. Đứng trên khán đài, các ông thuyết trình ý nghĩa, mục đích của ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền, đồng thời thông qua quyết tâm thư gửi lên cấp trên. Sau buổi mít tinh là duyệt binh các lực lượng vũ trang toàn tổng Cát Đàm gồm 6 xã. Ba làng đi đầu giương cao lá cờ Tổ quốc, rồi đến thiếu nhi khăn quàng đỏ đội mũ canô, tiếp đến là thanh niên cứu quốc, họ mặc áo tay toang, đầu đội mũ nan bọc vải, lưng đeo bặc đà có ngụy trang cành, lá cây, tay bồng búp đa. Tiếp nữa đến đoàn phụ nữ đầu đội khăn mỏ quạ đen, vai đeo mã tấu, lưng thắt dây da, quần nịt ống gọn gàng. Sau đó là tầng lớp nông hội đỏ, kế tiếp là lực lượng từng xã, từng làng trông rất hùng tráng, đầy khí thế cách mạng.

Đúng ngày 19/8/1945, Đông Dương cờ đỏ sao vàng rợp trời cùng với quân dân Tiên Hưng kéo về sân vận động Thị xã Thái Bình dự mít tinh ra mắt chính quyền lâm thời và Mặt trận Việt Minh do đồng chí Ngô Duy Cảo làm Chủ tịch. Phong trào rào làng kháng chiến rồi chống giặc đói, diệt giặt dốt, vận động nhà giàu đóng góp công trái kháng chiến... được quần chúng nhân dân hưởng ứng nhiệt tình.

Ngược dòng thời gian nói về chùa Cần Tu Tự, một ngôi chùa cổ kính, với những hàng cột đá vuông cao gần 4m và những vòm cửa ra vào mang hoa văn long ly quy phượng tráng lệ thời cổ xưa. Theo văn bia để lại, ngôi chùa này được xây dựng ở thế kỷ thứ XVI triều đại hậu Lê (niên hiệu Chính Hòa), đây là nơi hội tụ những nhà nho có tài, làm quan thời ấy nhưng rất yêu nước, trọng dân. Cứ nhìn vào văn bia, hoành phi, câu đối, đại tự, tên tuổi các nhà hàn nho ở các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Nam Trực (Nam Định), Phủ Lý (Hà Nam) cũng thấy được sự đoàn kết, giao lưu rộng rãi của các nho giáo hiền tài. Họ về đây hội tụ giao lưu, lo toan cho đất nước được mở mang, đời sống dân sinh được hưng thịnh, đồng thời bàn mưu kế bảo vệ nước khi có giặc ngoại xâm.

Nhìn lại cả một chặng đường dài trên một nửa thế kỷ, người dân tổng Cát Đàm năm xưa đã trải qua bao biến cố thăng trầm. Họ đã vượt bao khó khăn, gian khổ nối tiếp truyền thống ông cha lập nên chiến công hiển hách, nhất là trong giai đoạn chống thực dân Pháp và chống Mỹ cứu nước tích cực đóng góp sức người sức của, góp phần cùng nhân dân cả nước giành lại hòa bình độc lập, thống nhất đất nước. Ngày nay, họ càng ra sức thi đua lao động sản xuất, bước vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, phồn vinh, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp.

Bùi Minh Khang

(Đông Dương, Đông Hưng)

  • Từ khóa