Thứ 7, 16/11/2024, 15:22[GMT+7]

Gia đình bến đỗ bình yên

Thứ 2, 29/06/2020 | 16:23:12
10,900 lượt xem
Đã có biết bao tác phẩm âm nhạc, hội họa, thơ ca về mái nhà, với những định nghĩa niềm hạnh phúc gia đình. Nhưng trong tâm trí của mỗi người, bến đỗ bình yên ấy đều mang những ý niệm riêng, được hình thành từ những ngày thơ bé trong vòng tay ôm ấp vỗ về của ông bà, cha mẹ.

Những tấm gương gia đình tiêu biểu

Nhân dịp kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam (28/6) năm nay, chúng tôi có dịp được gặp gỡ, trò chuyện cùng những gia đình văn hóa tiêu biểu trong toàn tỉnh. Mỗi gia đình là một câu chuyện, một phương châm “giữ lửa” hạnh phúc riêng. 

Dù tuổi đã cao nhưng đối với ông Trần Thế Trích, xã Minh Tân (Kiến Xương), cha mẹ phải luôn là những người gương mẫu trong từng việc làm cả ở gia đình và đối với làng xã để con cháu nhìn vào đó noi theo. Ông kể: Nhà có khoảng sân rộng, chiều nào gia đình ông cũng khuyến khích bà con trong xóm ngoài làng đến đánh cầu lông, tập dân vũ, ngâm thơ, hát chèo,... vừa nâng cao tinh thần tập luyện thể dục thể thao, phát triển phong trào văn hóa văn nghệ của địa phương, vừa thông qua đó giúp con cháu thêm hiểu tinh thần đoàn kết, sự gắn bó với xóm làng, quê hương mà tự điều chỉnh bản thân trong quan hệ với cộng đồng. Mỗi mùa hè, ông bà đều đón các cháu ở thành phố về nghỉ ở quê. Cả năm chăm chỉ học hành, hè là thời gian để lũ trẻ có thêm hiểu biết về con gà, con vịt, về cánh đồng, ruộng lúa, ruộng khoai, về họ hàng, quê hương, gốc tích, nguồn cội... Chính bởi vậy, con cháu trong gia đình ông đều chăm ngoan, học giỏi và nhiều người đã thành đạt trong cuộc sống.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hảo, xã Mê Linh (Đông Hưng) hiện có bốn thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà. Ông Hảo cho biết, gia đình ông có cha mẹ tuổi cao sức yếu, lại có trẻ nhỏ đang ở tuổi đến trường. Mặc dù các thế hệ trong gia đình có quan điểm, cách nhìn nhận khác nhau về nhiều mặt trong cuộc sống nhưng vẫn luôn giữ được không khí hòa thuận, kính trên nhường dưới bởi chưa khi nào thiếu tình yêu thương và sự thấu hiểu, sẻ chia.

Gia đình là nơi vun đắp những niềm đam mê.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đóng góp thiết thực vào thành công chung của tỉnh có những gia đình đã sẵn sàng hiến đất, hiến vườn, góp công, góp của cùng chính quyền địa phương xây dựng làng quê sạch đẹp, văn minh. Tiêu biểu như gia đình ông Đào Quang Hồng, xã Vũ An (Kiến Xương). Ngoài kinh phí đóng góp, gia đình ông còn ủng hộ hàng trăm mét vuông đất để xây dựng các công trình thủy lợi nội đồng, công trình phúc lợi góp phần để xã đạt các tiêu chí nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao. Gia đình ông Trần Xuân Nội, xã Hồng Phong  (Vũ Thư). Ông nguyên là cán bộ quân đội nghỉ hưu, khi về địa phương ông tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, không chỉ xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc mà còn tích cực tham gia các phong trào nhân đạo, từ thiện của địa phương. Với phương châm “hạnh phúc được chia sẻ là hạnh phúc được nhân lên”, nhiều năm liền, ông tích cực ủng hộ kinh phí và vận động bà con nhân dân trong xã tham gia đóng góp bằng tinh thần, vật chất, ngày công cho các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/Điôxin, trợ giúp các cháu thiếu niên nhi đồng có hoàn cảnh khó khăn trong dịp đầu năm học mới,...

Còn có rất nhiều tấm gương gia đình ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, tích cực tham gia xây dựng quê hương, đất nước. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 90,3% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa và từ năm 2019, Thái Bình vinh dự là 1 trong 12 tỉnh, thành phố trong cả nước được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn thực hiện thí điểm bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, tiến tới triển khai áp dụng chính thức bộ tiêu chí trên phạm vi cả nước trong những năm tiếp theo.

Bữa cơm gia đình đầy ắp yêu thương.

Suy ngẫm về những biến đổi của gia đình

Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa với cuộc sống hiện đại nhiều tất bật, lo toan, một số gia đình không còn duy trì được thường xuyên những bữa cơm gia đình với các thành viên quây quần, đoàn tụ hay khung cảnh gia đình sum vầy chia sẻ chuyện vui buồn thường nhật. Nhịp sống phát triển nhanh chóng, mỗi người phải dành nhiều thời gian hơn cho học tập và công việc, song đôi khi lại bỏ quên gia đình thân thiết và gần gũi. Sự lệ thuộc vào công nghệ cũng dần khiến cho sự  gắn kết giữa các thành viên trong gia đình ngày càng mong manh.

Nếu như trước đây, vẫn tồn tại mô hình gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống thì nay phần lớn gia đình Việt theo mô hình hạt nhân với bố, mẹ và con. Bởi vậy, ngày càng có ít sự gần gũi giữa ông bà, cháu chắt. Cùng với đó, khả năng ảnh hưởng giữa các thế hệ ít đi dẫn tới việc giảm khả năng bảo lưu các giá trị trong truyền thống gia đình. Ngày nay, còn có sự xuất hiện thêm những dạng thức gia đình phi truyền thống như gia đình đơn thân, gia đình đồng tính... cho thấy những quan niệm, nhận thức về gia đình đã có nhiều thay đổi so với trước đây, trong đó không phải gia đình phi truyền thống nào cũng có thể thỏa mãn nhu cầu tình cảm, giáo dục và rèn luyện của các thành viên trong gia đình.

Người Việt Nam vẫn nêu cao quan niệm truyền thống “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” qua đó nhấn mạnh vai trò trụ cột kinh tế của đàn ông, còn phụ nữ lo vun vén việc nhà, bếp núc, con cái. Tuy nhiên, quan niệm ấy trong thời điểm hiện nay không còn hoàn toàn chính xác bởi xã hội càng phát triển thì trách nhiệm xây nhà, xây tổ ấm càng trở thành trách nhiệm chung của cả người đàn ông và người phụ nữ. Bởi chỉ khi mái ấm gia đình được mọi thành viên cùng chung trách nhiệm xây dựng và gìn giữ thì mới có thể mãi là bến đỗ bình yên.

Tú Anh