Thứ 7, 16/11/2024, 15:21[GMT+7]

Không tổ chức các hoạt động tập trung đông người mùa Vu Lan

Thứ 2, 31/08/2020 | 08:41:00
8,238 lượt xem
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên mùa Vu Lan năm nay các chùa, cơ sở tự viện trên địa bàn tỉnh không tổ chức các khóa lễ và hoạt động tập trung đông người mà chỉ tổ chức các buổi tụng kinh nội bộ; đồng thời nhắc nhở các tín đồ Phật tử hướng lòng thành kính về đấng sinh thành, hành động và yêu thương cha mẹ nhiều hơn, để mỗi ngày trôi đi đều là ngày Vu Lan báo hiếu.

Chùa Từ Xuyên (phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình) hạn chế số người tham gia một khóa tụng kinh, đồng thời giữ khoảng cách an toàn.

Nếu như các năm trước, chùa Từ Xuyên (phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình) đều tổ chức đại lễ Vu Lan báo hiếu bao gồm cả nghi thức hoa hồng cài áo cho đông đảo các tín đồ Phật tử và nhân dân thì năm nay trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhà chùa không tổ chức các hoạt động tập trung đông người mà chỉ tổ chức các buổi tụng kinh nội bộ. 

Thầy Thích Nhuận Nguyện cho biết: Mỗi ngày nhà chùa tổ chức 3 buổi tụng kinh, mỗi buổi chỉ có tối đa 10 người tham gia. Trước khi vào chùa mọi người đều được đo thân nhiệt, phát khẩu trang và yêu cầu rửa tay sát khuẩn. Trong quá trình tụng kinh đều bảo đảm giữ khoảng cách an toàn. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu của các tín đồ Phật tử mùa Vu Lan muốn cầu cho cha mẹ hiện tiền được tăng phúc, tăng thọ; cầu siêu tế độ cho cha mẹ đã khuất, nhà chùa đã phát lá bồ đề (thay cho việc viết sớ, thực hiện nếp sống văn minh không đốt vàng mã) về các tổ Phật tử ở các phường, sau khi các gia đình ghi nội dung cầu nguyện, đại diện Phật tử sẽ mang đến chùa treo để nhà chùa cầu nguyện tập trung cho tất cả mọi người.

Cũng giống như chùa Từ Xuyên, mùa Vu Lan năm nay, chùa Pháp Quang, thôn Thượng Điền, xã Tam Quang (Vũ Thư) không tổ chức lễ đài tập trung đông người; không tổ chức các chương trình nghệ thuật, lễ hội hoa hồng cài áo cho các tín đồ Phật tử và nhân dân. 

Theo sư thầy Thích Thiện Quang, trụ trì nhà chùa: Là Phật tử hay chức sắc tôn giáo, trước hết phải thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm một công dân, phải thực hiện nghiêm quy định do Nhà nước ban hành. Ý thức rõ điều đó, từ khi dịch Covid-19 xảy ra, cùng với toàn xã hội, nhà chùa chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch kể cả trong mùa Phật đản hay mùa Vu Lan. Đồng thời cầu nguyện cho đại dịch chóng qua đi và cùng chung tay, góp phần ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, vì sự bình yên cho cả cộng đồng cũng chính là thực hiện lời dạy “phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”. Mùa Vu Lan năm nay, nhà chùa chỉ tổ chức các buổi tụng kinh Vu Lan vào các buổi tối, hạn chế số lượng người đến tụng kinh, chỉ duy trì khoảng 20 người một khóa tụng kinh; đồng thời hướng dẫn Phật tử thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Phật tử đeo khẩu trang, sát khuẩn tay trước khi vào chùa Từ Xuyên (phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình).

Theo Đại đức Thích Thanh Ân, Chánh thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, trụ trì chùa Đại Bi, xã Tân Hòa (Vũ Thư): Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, căn cứ thực tiễn tình hình dịch bệnh hiện nay trên địa bàn tỉnh, Giáo hội Phật giáo tỉnh yêu cầu các chùa, cơ sở tự viện trên địa bàn tỉnh không tổ chức các hoạt động tập trung đông người như mọi năm: lễ hội hoa hồng cài áo; các buổi cầu siêu tập trung hay tụng kinh đông người; chỉ làm lễ theo truyền thống tâm linh trong chùa. Giáo hội yêu cầu tăng ni các chùa, cơ sở tự viện vận dụng sáng tạo các hình thức tổ chức, vừa bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch bệnh vừa đáp ứng nhu cầu phục vụ tín ngưỡng tâm linh cho nhân dân, đồng bào Phật tử trong mùa tri ân, báo hiếu. Giáo hội kêu gọi tăng ni, Phật tử thể hiện tinh thần tri ân, báo hiếu trong mùa Vu Lan năm nay bằng việc tiếp tục ủng hộ quỹ phòng, chống dịch Covid-19, cứu trợ các hoàn cảnh khó khăn, những người yếu thế trong xã hội bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Ngoài ra, các chùa, cơ sở tự viện đẩy mạnh tuyên truyền để các tín đồ Phật tử và nhân dân, những người làm con hướng lòng thành kính về đấng sinh thành, dành thời gian để suy ngẫm, hành động và yêu thương cha mẹ nhiều hơn, để mỗi ngày trôi đi đều là ngày Vu Lan báo hiếu. 

Bà Nguyễn Thị Hồng, tổ 25, phường Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình) cho biết: Hàng năm, vào dịp lễ Vu Lan, tôi thường gác lại công việc hàng ngày để đi các chùa tụng kinh, cầu siêu cho cha mẹ, ông bà đã khuất. Thường thì tôi hay đi một mình song thỉnh thoảng tôi có dẫn các cháu theo với mong muốn thông qua những câu chuyện, những tâm sự, bài học về sự hy sinh của cha mẹ dành cho con cái được các Phật tử truyền tải, các cháu sẽ hiểu hơn về công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, cảm nhận được niềm hạnh phúc khi có cha mẹ ở bên. Từ đó, cháu sẽ chăm ngoan, nghe lời cha mẹ, trở thành người công dân có ích. Năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên tôi tụng kinh, cầu siêu cho cha mẹ tại gia đồng thời vẫn nhắc nhở con cháu về ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan để con cháu biết trân trọng những gì đang có, sống hiếu thuận với ông bà, cha mẹ.

Với ý nghĩa nhân văn cao đẹp, Vu Lan từ một ngày lễ riêng của Phật giáo nay đã phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Đây không chỉ là dịp để mọi người thể hiện lòng biết ơn đối với các đấng sinh thành, mà còn là dịp hướng các Phật tử trở về với cội nguồn, về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Đào Quyên