Thứ 2, 18/11/2024, 12:45[GMT+7]

Văn hóa các dân tộc qua nghệ thuật múa rối

Thứ 6, 14/09/2012 | 14:18:59
3,266 lượt xem
Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ III - 2012 vừa bế mạc tại Hà Nội đã đem đến cho người xem hầu hết thể loại rối tiêu biểu của thế giới. Đây thực sự là sự kiện văn hóa quốc tế đa sắc màu khi thông qua những sáng tạo nghệ thuật độc đáo, mỗi tiết mục đã cho người xem hiểu thêm về con người, về giá trị văn hóa tinh thần của mỗi vùng miền, mỗi lãnh thổ, quốc gia, để xích lại gần nhau hơn.

Cảnh trong tiết mục Sắc màu Tây Nguyên

Sau 7 ngày diễn ra sôi nổi, hào hứng, 19 tiết mục múa rối, trong đó có 8 tiết mục của các đoàn múa rối Việt Nam, 11 tiết mục của các đoàn múa rối quốc tế, đến từ 10 quốc gia, vùng lãnh thổ đã biến Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ III trở thành sự kiện văn hóa quốc tế đa sắc màu. Người xem được thưởng thức hầu hết các thể loại rối tiêu biểu của thế giới như: rối que (Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia), rối dây (Thái Lan, Ai Cập), rối tay (Thái Lan, Việt Nam), rối bóng (Campuchia, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel), rối nước và rối hiện đại (Việt Nam).

Nội dung được đề cập đến trong các tiết mục phong phú, đa dạng. Nhóm nội dung thứ nhất thiên về phản ánh bản sắc văn hóa riêng biệt, thông qua các phong tục, tập quán và tôn giáo, chủ yếu thể hiện qua những trò diễn, tiết mục ít sử dụng lời thoại như: Giai điệu ký ức (Đoàn Múa rối Hải Phòng), Câu chuyện Ream Ker (Campuchia), Sắc màu Tây Nguyên (Đăk Lăk), Nét Hồng Lam (Hà Tĩnh), Linh thiêng hai tiếng đồng bào (Nhà hát Múa rối Thăng Long). Nhóm thứ hai thông qua các chuyện cổ tích, ngụ ngôn, truyền thuyết, sử thi đề cập đến các sắc thái tình cảm, cung bậc tâm lý, đạo đức của con người, gồm: Aladin và cây đèn thần (Nhà hát Múa rối VN), Tình cờ nên duyên (Đài Loan, Trung Quốc), Cái chết của Rahwana (Indonesia), Nàng công chúa mặt trăng (Israel). Các tiết mục còn lại chọn đề tài về các vấn đề xã hội, ô nhiễm môi trường, như: Không gian trắng (Nhà hát Múa rối VN), Thiên đường (Philippines), Quái vật rác (Thổ Nhĩ Kỳ), Những chú voi khổng lồ (Lào).

Theo Trưởng ban giám khảo Nguyễn Thành Nhân, sáng tạo nghệ thuật của các đoàn múa rối quốc tế tham gia Liên hoan thường tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc chuẩn mực của các thể loại rối truyền thống. Các con rối được chế tác công phu, dưới sự điều khiển điêu luyện của diễn viên trở nên sinh động, khéo léo đến từng chi tiết của hành động nhân vật. Trong khi đó, các đoàn rối trong nước lại chủ động sáng tạo một cách phóng túng, các tiết mục không khuôn mình vào những nguyên tắc đặc trưng khô cứng của rối truyền thống. Nhìn chung, thông qua những sáng tạo nghệ thuật độc đáo, mỗi tiết mục cho người xem hiểu thêm về con người, giá trị văn hóa tinh thần của mỗi vùng miền, mỗi lãnh thổ, quốc gia.

Ông Nguyễn Như Tình, tác giả kịch bản tiết mục Nét Hồng Lam (Hà Tĩnh) chia sẻ: từng tham gia cả hai liên hoan trước khi còn làm ở đoàn múa rối tỉnh Đăk Lăk, tôi thấy Liên hoan lần này có nhiều đột phá trong sáng tạo nghệ thuật. Tiết mục Không gian trắng của Nhà hát Múa rối Việt Nam đã gây bất ngờ cho người xem khi khéo léo kết hợp nhuần nhuyễn hai thể loại rối cạn và rối nước. Đưa vào cả cồng chiêng Tây Nguyên và nhã nhạc Cung đình Huế, Linh thiêng hai tiếng đồng bào của Nhà hát Múa rối Thăng Long không dừng lại trong các đề tài quen thuộc của vùng nông thôn Bắc bộ, nơi sinh ra rối nước, mà mở rộng nội dung phản ánh cuộc sống lao động và bản sắc văn hóa tiêu biểu của hầu hết các dân tộc Việt Nam. Đó là bức tranh tổng thể sinh động về một đất nước đa sắc tộc thông qua nghệ thuật rối nước lung linh, huyền ảo. Trong khi đó, Giai điệu ký ức của đoàn Hải Phòng lại khẳng định: múa rối không chỉ dành cho trẻ em mà còn chinh phục khán giả lớn tuổi. Có thể nói, tiết mục này là bản phối hài hòa của ngôn ngữ múa rối hiện đại với cốt truyện được xâu chuỗi qua những hành động giàu biểu tượng, gợi cho người xem suy tư, chiêm nghiệm về ký ức đời người ở các làng quê xưa.

Sau 3 kỳ tổ chức, Liên hoan Múa rối quốc tế đã trở thành sự kiện góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế; là nơi giới thiệu giá trị nghệ thuật múa rối; tạo cơ hội cho các nghệ sỹ giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm.

Theo daibieunhandan

  • Từ khóa