Gác chuông chùa Keo - Điểm nổi bật của di tích
Gác chuông chùa Keo được làm theo kiểu chồng diêm cổ các nhưng có tới ba tầng, 12 mái, kiến trúc mặt bằng theo hình vuông, có chiều cạnh 8,53 x 8,92m (diện tích 72m2), độ cao từ nền tới bờ nóc là 11,5m. Gác chuông hoàn toàn bằng gỗ, chạm khắc trang trí mỹ thuật tôn vẻ đẹp lộng lẫy (một số gác chuông của các chùa cổ khác ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ chỉ làm 2 tầng, 8 mái) được đánh giá là công trình gác chuông to đẹp vào hàng bậc nhất các gác chuông của ngôi chùa cổ Việt Nam.
Ở mỗi tầng của gác chuông đều được làm 4 mái, mỗi mái đều có đầu đao cong mềm mại. Ngoại trừ tầng dưới cùng người ta dựng một chiếc kẻ, một đầu của nó ăn sâu vào cột cái, còn đầu kia chạy qua đầu cột hiên đưa ra đỡ mái và ở hai hàng mái trên người ta sử dụng một hệ thống chồng đấu, chạy suốt theo chiều dài của mái ngoài. Hệ thống “rui” có chức năng hữu ích chạy sát rìa mái hai tầng mái trên, còn thấy “rui bay” nửa đặt ở trên đầu các hàng đấu, chồng nhau nhô hẳn ra phía ngoài và càng xa tầng mái tạo thành yếu tố trang trí cho Gác chuông. Điều đặc biệt là hệ thống “chồng đấu tiếp rui” ở gác chuông chùa Keo chưa hề gặp trong kiến trúc gỗ Việt Nam truyền thống.
Cách cấu trúc các tầng cũng nhẹ nhàng và đẹp. Dưới hệ thống tầu mái, mỗi tầng xếp 84 cánh rui bay, dàn thành ba tầng, 28 cụm lớn, liên kết bằng những thanh xà mảnh như dàn cánh tay đỡ mái. Hệ thống dàn rui bay đặt trên dàn đấu cục đối trọng qua ba hàng đòn tay thẳng gối tựa xà nách. Cổ các tầng thượng chia 12 ô, diềm dưới lắp một đài sen cánh vuông. Các khoang dựng bạo, diềm trên dựng một hàng cánh sen nhỏ. Ván gió trổ thủng hoa chùm thành các ô trám. Ô lớn đặt giữa, ô nhỏ đặt đối xứng nhau lui về bốn góc. Diềm hoa, cánh hoa đan quyện với nhau tạo nên vẻ đẹp kín đáo. Cổ các tầng hai trang trí công phu hơn. Một mặt chia thành ba khoang, bạo ngang hai lớp uốn thành cửa võng, ván dưới là những cánh sen cách điệu giữa văng lan can chạy con song tiện trong lắp cán cưa.
Riêng phần chạm khắc trên khung kiến trúc ở gác chuông cũng có đặc điểm riêng. Gác chuông được trạm trổ ít, cánh cửa hai bên tầng nóc soi một gương tròn. Trong tâm nở một bông hoa, nhuỵ như chiếc nậm, cánh như lá cuộn mây vờn. Hệ thống giường tầng hai chạm tám con giống bằng hoa văn cách điệu. Văn cuốn cong thành cặp lông mày. Văn cuốn tròn thành mắt. Văn gợn li ti thành môi trên mép dưới. Do đó, trông đấu trên có dáng hơi bần. Đấu dưới là hoa sen úp ngược. Hoa như bàn chân, cánh thành móng vuốt. Trụ đấu thành cổ con giống, nét gấp đuôi giường thành chân quỳ duyên dáng. Hoa lá chắp thành muôn thú là những nét chạm của trí tuệ, tài hoa và tinh tế.
Thành công lớn nhất của mỹ thuật kiến trúc Gác chuông chùa Keo là tỷ lệ giữa các tầng kiến trúc rất cân đối, tỷ lệ hợp lý giữa các bờ nóc, bờ thẳng, bờ mềm, độ vươn của bờ nóc gác đao được hài hoà trong tổng thể kiến trúc. Độ thu giữa các tầng, cự ly giãn cách giữa các cột chuẩn xác, khoẻ về lực, đẹp về dáng; độ thu, trả vừa phải của các tầng hiên tầng mái và đưa thêm dàn đấu củng, dui bay, tập hợp các thanh mảnh thành cụm, thành dàn, thành lớp, thực chất đã phản ánh trình độ khoa học khá cao về vật lý của người kiến trúc sư và những người thợ thủ công điêu luyện tay nghề.
Ngoài giá trị về mỹ thuật, gác chuông chùa Keo là nơi luôn thu hút đông đảo khách tham quan và những người làm công tác nghiên cứu bởi còn lưu giữ được một số hiện vật quý như chuông và khánh đá.
Không phải ngẫu nhiên gác chuông Chùa Keo được coi là biểu tượng của Thái Bình; là đối tượng của nhiều loại hình nghệ thuật như tranh, ảnh, thơ, ca. Có thể một trong những lý do là bởi nhìn bề ngoài gác chuông có vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc, thâm nghiêm song không kém phần đồ sộ, lộng lẫy, thể hiện chiều sâu văn hoá của mảnh đất, con người Thái Bình. Song thực chất ẩn chứa trong nó là một giá trị nghệ thuật kiến trúc độc đáo khác biệt, góp phần làm cho kiến trúc chùa Keo trở thành một công trình kiến trúc Phật giáo sáng giá nhất trong toàn bộ kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện tồn.
Hà Dung
Tin cùng chuyên mục
- Khánh thành trùng tu đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu 16.11.2024 | 16:47 PM
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
- Đoàn đại biểu chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” thăm di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo 02.12.2023 | 19:08 PM
- Khai mạc “Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ IV - 2023” 23.11.2023 | 02:46 AM
- Thành phố bình xét thôn tổ dân phố văn hóa năm 2023 09.11.2023 | 19:31 PM
- Tối nay (26/10): Truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba 26.10.2023 | 14:28 PM
- Tọa đàm Âm nhạc Thái Bình trong thời kỳ đổi mới 12.10.2023 | 16:30 PM
Xem tin theo ngày
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc tại tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Cam Hòa
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
Minh Thành - 2 năm trước
nguyễn tấn xuân - 5 năm trước