Thứ 7, 16/11/2024, 11:35[GMT+7]

Phát huy giá trị các thiết chế văn hóa

Thứ 2, 21/12/2020 | 09:26:09
6,986 lượt xem
“Từ khi có nhà văn hóa khu dân cư kiểu mẫu, mọi hoạt động của thôn đều hướng về đây, người già, người trẻ có dịp gặp nhau nhiều hơn, tình làng nghĩa xóm bởi vậy mà thêm phần khăng khít, gắn bó” - chị Phạm Thị Giang, Trưởng thôn Bích Du, xã Thái Thượng (Thái Thụy) chia sẻ về hiệu quả thiết chế văn hóa ở địa phương mình.

Giao hữu cờ tướng tại nhà văn hóa thôn Bích Du, xã Thái Thượng (Thái Thụy).

Tháng 11 vừa qua, nhà văn hóa thôn Bích Du trở thành nhà văn hóa khu dân cư kiểu mẫu đầu tiên trong tỉnh. Xây dựng mô hình điểm, nhiều hoạt động cụ thể đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai ở đây như: thành lập các câu lạc bộ thể thao cơ sở; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị, tạo điều kiện để tổ chức và duy trì thường xuyên các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng tại địa phương; hướng dẫn các câu lạc bộ về các hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; hướng dẫn xây dựng, khai thác tủ sách cộng đồng, tổ chức xe thư viện lưu động phục vụ nhân dân với mục tiêu xây dựng và hình thành thói quen, phong trào đọc sách trong nhân dân... Hiện nay, tủ sách đặt tại nhà văn hóa thôn Bích Du đã có hàng nghìn cuốn sách đủ thể loại. 

Chia sẻ về tủ sách của địa phương, chị Giang cho biết: Giờ đây các em học sinh, các bác trung niên hay người cao tuổi đều có thể dễ dàng tìm thấy những cuốn sách yêu thích, ngay cả các chị em phụ nữ trong lúc rảnh rỗi cũng có thể tra cứu sách dạy nấu ăn, cẩm nang giữ gìn hạnh phúc gia đình hay những cuốn sách chia sẻ về tâm lý lứa tuổi mới lớn để qua đó có thể thấu hiểu, gần gũi, giáo dục các con hiệu quả hơn… Các tủ sách được bố trí tại nhà văn hóa thôn là nguồn tri thức phong phú, thiết thực nâng cao đời sống tinh thần cho người dân nông thôn, nhất là ở các vùng quê xa khu vực trung tâm, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.

Song song với việc tìm kiếm nguồn tri thức từ sách, báo, tạp chí, người dân thôn Bích Du còn có thể sử dụng wifi miễn phí tại nhà văn hóa thôn để tra cứu, cập nhật thông tin. Nếu như trước đây khi muốn tập văn nghệ, chị em thường phải mang theo loa, máy tính hoặc điện thoại đã có sẵn các bài hát để phục vụ cho việc tập luyện, thì nay với hệ thống wifi, loa, tivi kết nối internet,… việc tập luyện thể dục thể thao ở nơi đây rất thuận lợi. Hiện tại, các câu lạc bộ dân vũ, khiêu vũ thể thao, yoga,… đều hoạt động hiệu quả và thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân. Từ các câu lạc bộ này, trong những ngày kỷ niệm hay lễ hội của địa phương, các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” do bà con trong xóm ngoài làng đảm nhiệm. 

Theo chia sẻ của nhiều chị em trong thôn Bích Du, trước đây các câu lạc bộ cũng đã hoạt động nhưng do thiếu cơ sở vật chất nên khó khăn trong nâng cao phong trào. Giờ đây, mọi điều kiện đều đã sẵn sàng nên ai cũng tự nguyện tham gia, thúc đẩy phong trào chung của địa phương cùng phát triển.

Nếu như khu vực trong nhà văn hóa thôn là địa điểm tập luyện yêu thích của các chị em thì đối với các anh em, thú vị nhất là sân bóng đá, bóng chuyền, bóng chuyền hơi đã được đầu tư xây dựng. Không phải đi đâu xa, từ khoảng 4 giờ chiều hàng ngày, các sân bóng sôi nổi tiếng hò reo, cổ vũ theo từng đường chuyền hay, pha bóng đẹp. Không khí yên ả của làng quê sau một ngày dài hăng say lao động sản xuất của người dân trở nên náo nhiệt, rộn ràng. Theo chia sẻ của ông Bùi Đình Hiên, những người cao tuổi như ông thường tụ họp tại nhà văn hóa thôn để tập dưỡng sinh, chơi cờ tướng vừa nâng cao sức khỏe vừa giúp đầu óc thêm minh mẫn, sáng suốt…

Chia sẻ về vai trò của các thiết chế văn hóa, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Cùng với việc thực hiện các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được nâng cấp, cải tạo và nhiều công trình được đầu tư xây dựng mới nhằm phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí của nhân dân. Trong khi nhiều địa phương đã khai thác và duy trì tốt hoạt động của các thiết chế với nội dung hoạt động đa dạng, phong phú thì ở một số địa phương, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở vẫn chưa khai thác được hết công năng, hiệu quả sử dụng. Một số địa phương xây dựng nhà văn hóa xã, thôn có quy mô to đẹp nhưng trang thiết bị bên trong sơ sài, thiếu thốn, nội dung hoạt động đơn điệu, kém hấp dẫn. Trước thực tế đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện thí điểm mô hình nhà văn hóa khu dân cư kiểu mẫu đầu tiên trong tỉnh tại thôn Bích Du với mục đích hình thành một hình mẫu nhà văn hóa với những tiêu chí cụ thể, hoạt động cụ thể, thông qua thực tế tại đây để rút kinh nghiệm trước khi tiến hành nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.  

Điều đáng mừng, theo chia sẻ của bà Trương Thị Hồng Hạnh, cùng với sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trong thôn Bích Du, mô hình nhà văn hóa khu dân cư kiểu mẫu đã nhận được sự đồng thuận, tâm huyết của ban lãnh đạo huyện Thái Thụy thông qua việc ban hành nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố kiểu mẫu. Trong đó, đã đề ra mục tiêu, lộ trình, phương hướng, giải pháp thực hiện ngay trong năm 2021, tại mỗi xã, thị trấn của huyện Thái Thụy sẽ có một nhà văn hóa thôn, tổ dân phố kiểu mẫu như thôn Bích Du, và từ năm 2022, mỗi năm hoàn thành từ 10 - 15% nhà văn hóa thôn, tổ dân phố kiểu mẫu.

Với những ý nghĩa thiết thực, mong rằng mỗi địa phương sẽ phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Tú Anh