Thứ 7, 16/11/2024, 11:50[GMT+7]

Từ những hạt nhân văn hóa

Thứ 2, 11/01/2021 | 09:08:50
6,533 lượt xem
Năm 2019, Thái Bình là 1 trong 12 tỉnh, thành phố trong cả nước được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn thực hiện thí điểm bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Sau 2 năm triển khai, kết quả mang lại khá rõ nét tại những địa phương được chọn thực hiện thí điểm, góp phần nâng cao giá trị, chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử, mối quan hệ của các thành viên trong gia đình.

Niềm tự hào của ông Nguyễn Công Tơn là dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn được phụng dưỡng, chăm sóc mẹ.

Xã Phú Lương (Đông Hưng) được lựa chọn thực hiện thí điểm bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Ông Phan Thế Nông, công chức văn hóa xã chia sẻ: Trước đây, trên địa bàn xã cũng có thời điểm xảy ra những vụ bạo lực gia đình gây bức xúc trong nhân dân mà nguyên nhân chỉ bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt. Là địa bàn cơ sở mang đặc trưng văn hóa nông thôn nên tại nhiều gia đình việc phải có con trai nối dõi tông đường còn nặng nề, vậy nên nhiều khi xích mích trong gia đình cũng nảy sinh từ đây. Hay như việc gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống mà các thành viên không có sự thấu hiểu, đồng cảm thì cũng dễ xảy ra bất đồng. Nhưng điều đáng mừng, từ khi triển khai thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, những vấn đề trên đã được giải quyết. Trong xóm, ngoài làng, người dân nhắc nhở nhau thực hiện các tiêu chí ứng xử trong gia đình, người lớn tuổi nêu cao tinh thần gương mẫu để con cháu noi theo. Nhờ đó, không khí đầm ấm, bình yên không chỉ được tạo nên trong mỗi nếp nhà mà trong những cư xử thường ngày trong cộng đồng làng xóm cũng văn minh, lịch sự hơn.

Theo thống kê, xã Phú Lương có khoảng 25% số hộ là gia đình “tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường”. Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Công Tơn, gia đình “tứ đại đồng đường”. Thành viên cao tuổi nhất trong gia đình đã 99 tuổi, thành viên nhỏ tuổi nhất 8 tuổi. Cách biệt về tuổi tác dẫn tới sự khác biệt về lối sống, sở thích, tâm lý của từng thành viên. Thế nhưng, ở tuổi ngoài 70, ông Tơn luôn cố gắng là người hòa hợp các thành viên trong gia đình, cố gắng lắng nghe và giải quyết những khúc mắc dù là nhỏ nhất để gia đình luôn là nơi chở che, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho mỗi thành viên. Ông chia sẻ, niềm tự hào lớn nhất là giờ đây tóc mình đã bạc trắng nhưng vẫn có mẹ để phụng dưỡng, được cùng đọc thơ, cùng đi dạo. Tháng nào cũng vậy, gia đình ông cùng gia đình các chị gái đều tổ chức gặp mặt, quây quần, ngày mùng 4 tết năm nào cũng tụ họp đại gia đình để mừng thọ mẹ. Đó là truyền thống gia đình về sự đoàn kết, gắn bó keo sơn, kính trên nhường dưới để các con, các cháu dù có phương trưởng đi đến phương trời nào cũng tiếp nối, noi theo.

Còn tại gia đình “tam đại đồng đường” ông Bùi Văn Nhĩ, kinh tế tuy có khó khăn nhưng niềm vui với ông bà là trong nhà luôn có sự đồng thuận, chưa khi nào xảy ra lời qua tiếng lại giữa các thành viên trong gia đình. Ông cho biết, càng khó khăn thì càng cần nâng cao tinh thần đoàn kết. Trước đây, vợ chồng ông vẫn trồng cấy để tăng thêm thu nhập nhưng từ ngày gia đình có thêm cháu nội, các con lại bận mải làm ăn, ông bà dừng việc trồng trọt để chăm sóc con cháu, là “hậu phương” vững chắc để các con yên tâm công tác. Cuộc sống nhiều vất vả, lo toan, ông bà luôn giữ vững tinh thần tích cực, lạc quan để con cháu noi theo.

Gia đình ông Nguyễn Công Tơn, gia đình ông Bùi Văn Nhĩ nằm trong số 300 gia đình trên địa bàn xã Phú Lương được lựa chọn thực hiện thí điểm bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình với ý nghĩa từ những hạt nhân cụ thể, thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức của mỗi người dân về vai trò, ý nghĩa quan trọng của gia đình. Từ đó củng cố, phát huy các mối quan hệ, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, đẩy lùi tệ nạn xã hội góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.

Để việc thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại các gia đình được lựa chọn thí điểm phát huy hiệu quả, 2 năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các địa phương được lựa chọn là phường Đề Thám (thành phố Thái Bình), xã Phú Lương (Đông Hưng) tổ chức các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức cụ thể như: tuyên truyền qua hệ thống phát thanh, pa nô, áp phích, tờ rơi về các kỹ năng ứng xử để xây dựng gia đình hạnh phúc, các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp trong gia đình và những chính sách, pháp luật quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của gia đình và các thành viên trong gia đình... Đồng thời, đã tổ chức sinh hoạt cộng đồng theo các chủ đề của bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình: ứng xử của vợ chồng; ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu; ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà; ứng xử của anh, chị, em ruột trong gia đình. Qua đó lắng nghe, trao đổi những chia sẻ sau thời gian thực hiện thí điểm để đề ra những hoạt động trọng tâm và giải pháp phù hợp theo tình hình thực tế của từng địa phương.

Gia đình là hạt nhân của xã hội. Với những ý nghĩa mà bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình mang lại, mong rằng tại nhiều địa phương trong tỉnh sẽ sớm tiếp cận với việc thực hiện bộ tiêu chí, qua đó thiết thực xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại mới.

Tú Anh