Thứ 7, 16/11/2024, 07:34[GMT+7]

Hãy cẩn trọng với “bảo mẫu” Youtube

Thứ 2, 05/04/2021 | 09:06:14
8,149 lượt xem
Bước vào một quán ăn, hay một quán cafe, hình ảnh dễ nhìn thấy là trẻ nhỏ được bố mẹ cho mượn điện thoại để thỏa sức xem video trên các trang mạng xã hội, tránh nghịch ngợm và làm phiền tới những cuộc nói chuyện của người lớn.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, điều này không chỉ diễn ra ở nơi công cộng mà đối với không ít em nhỏ, việc làm bạn với những thiết bị điện tử thông minh, hay cụ thể hơn là được “quản lý” bởi “bảo mẫu” Youtube đã trở thành thói quen trong cả thời gian ở nhà.

Mới đây, video “xin vía học giỏi” của Youtuber Thơ Nguyễn đã gây ra làn sóng phẫn nộ trong các bậc phụ huynh vì nhiều người cho rằng loại búp bê được Youtuber này sử dụng trong video giống với Kumathong (loại búp bê có nguồn gốc từ Thái Lan, được nuôi như con người). Cơ quan chức năng vào cuộc, việc đăng tải video nêu trên được xác định là hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy mê tín dị đoan, Youtuber Thơ Nguyễn bị xử phạt 7,5 triệu đồng. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên video có nội dung xấu, độc được chia sẻ trên mạng xã hội bị lên án. Còn nhớ, cách đây ít lâu, hình ảnh “giang hồ mạng” Ngô Bá Khá - Khá Bảnh với những video ăn chơi, chửi bới có hàng triệu lượt xem trên kênh Youtube, từng được nhiều bạn trẻ tung hô, hân hoan chào đón, trong đó có những học sinh còn đeo khăn quàng đỏ cũng chen chân xin chụp ảnh, chữ ký đã làm dấy lên lo ngại về văn hóa thần tượng, suy nghĩ lệch chuẩn trong một bộ phận giới trẻ. Hay như việc trong thời gian qua các phương tiện truyền thông đã liên tục cảnh báo tới phụ huynh về những video có nội dung nhạy cảm, bạo lực, xúi giục trẻ nhỏ tự tử... được lồng ghép vào hình ảnh của những nhân vật hoạt hình quen thuộc với các em nhỏ.

Sự bận rộn của phụ huynh là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới việc trẻ nhỏ thường được thỏa sức sử dụng điện thoại, máy tính, tivi kết nối internet chỉ với một mục đích không nghịch ngợm, quậy phá đồ đạc để bố mẹ được nghỉ ngơi sau một ngày dài tất bật hoặc để bố mẹ có thể chăm chú vào những công việc nhà còn dang dở, tránh bị làm phiền. Những video có nội dung xấu, độc vẫn hàng ngày xuất hiện trên các trang mạng xã hội do chính sách trả tiền cho lượt xem quảng cáo từ các kênh đăng tải nội dung. Khi thời đại công nghệ lên ngôi, việc mong chờ các nội dung xấu hoàn toàn biến mất là điều không hề đơn giản. Trong hơn 1 năm qua, dịch Covid-19 cũng đã góp phần củng cố vững chắc hơn vị trí của các thiết bị điện tử thông minh cũng như các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, TikTok... trong cuộc sống hiện nay. Vì thế, chỉ có cách đồng hành cùng con, chơi cùng con, xem cùng con thay vì bỏ mặc trẻ nhỏ một mình trước màn hình điện tử mới là “tấm chắn” hiệu quả nhất mà bố mẹ có thể tạo nên để bảo vệ con mình.

Tiến sĩ tâm lý học Phạm Thị Hồng Phương, Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình chia sẻ: Ngày nay, có rất nhiều video được gắn mác dành cho trẻ em nhưng bên trong lại chứa đựng nội dung bạo lực hoặc nhảm nhí ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ. Xem những video như vậy cũng dẫn đến việc các em sẽ bị thiếu hụt những kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp. Điều quan trọng là cha mẹ hãy hướng dẫn cho con biết làm thế nào để tiếp cận mạng xã hội một cách hiệu quả nhất, an toàn nhất chứ không phải việc né tránh, cấm con trẻ không được sử dụng.

Trẻ em là lứa tuổi luôn tò mò, thích khám phá những điều mới mẻ nhưng chưa có kỹ năng sàng lọc thông tin, kỹ năng phòng tránh và tự bảo vệ mình trước những cám dỗ và những nguồn thông tin độc hại. Vì thế, trước khi có các chế tài đủ mạnh về việc kiểm soát độ tuổi người dùng trên các nền tảng mạng xã hội thì mỗi bậc phụ huynh hãy là những người dẫn đường, thường xuyên chia sẻ, giúp trẻ nhỏ được chuẩn bị về kiến thức và tâm lý, có chính kiến và biết đề phòng với các nội dung xấu, độc hại trên mạng xã hội. Đồng thời, thường xuyên lắng nghe để hiểu những vấn đề các con gặp phải khi tiếp xúc, sử dụng mạng xã hội, qua đó đưa ra định hướng tốt nhất. Điều đó không những tạo nên sự gần gũi, thấu hiểu trong mỗi gia đình mà còn tăng “sức đề kháng” cho trẻ, giúp các em sử dụng mạng xã hội hiệu quả, tự tin bước vào thời đại công nghệ số.

Anh Tú