Thứ 7, 16/11/2024, 05:50[GMT+7]

Trăn trở giữ nghệ sĩ trẻ ở lại với nghề

Thứ 2, 07/06/2021 | 09:18:13
3,356 lượt xem
Hơn 1 năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp là chừng ấy thời gian nghệ thuật sân khấu khó khăn, không chỉ trong biểu diễn, tạo nguồn thu mà còn trong cả việc giữ nghệ sĩ trẻ ở lại với nghề. Không có chương trình biểu diễn, không có thu nhập, không ít nghệ sĩ đã chia tay đoàn, trong đó phần lớn là nghệ sĩ trẻ, lực lượng nòng cốt tạo sức sống và tương lai cho nghệ thuật.

NSND Vũ Ngọc Cải, Giám đốc Nhà hát Chèo Thái Bình cho biết: Trong tháng 4, nhà hát đã nỗ lực dàn dựng, tập luyện một chương trình nghệ thuật đặc sắc tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Nhưng khi dịch Covid-19 có những diễn biến mới, phức tạp, mọi hoạt động biểu diễn phải tạm dừng. Thay vì tổ chức lưu diễn tại các địa phương trong tỉnh, Nhà hát đành gấp rút ghi hình để phát sóng chương trình nghệ thuật này. Trong năm 2020, Nhà hát đã có những đêm công diễn báo cáo chương trình nghệ thuật thu hút sự quan tâm của khán giả, được hội đồng nghệ thuật đánh giá cao. Tuy nhiên, trước diễn biến của dịch bệnh, những chương trình này hầu như chưa thể lưu diễn. Từ đầu năm 2021 đến nay, Nhà hát cũng chỉ có 1 - 2 buổi biểu diễn phục vụ khán giả.

Nhạc công Đào Đình Phong, đoàn 1, Nhà hát Chèo Thái Bình chia sẻ: Không thể biểu diễn phục vụ khán giả, cuộc sống của nghệ sĩ rất khó khăn, đặc biệt là các nghệ sĩ trong diện hợp đồng, học việc. Anh chị em trong đoàn chỉ có thể động viên nhau cùng cố gắng vượt qua giai đoạn hiện nay, cố gắng theo nghề, hy vọng vào một ngày dịch bệnh được kiểm soát, đẩy lùi, hoạt động biểu diễn sẽ ổn định trở lại.

Hoạt động biểu diễn trầm lắng, một số nghệ sĩ đã quyết định hướng đi mới, trong đó có những nghệ sĩ đã nhiều năm hoạt động nghệ thuật, đảm nhận nhiều vai chính và đã đạt đủ tiêu chuẩn về huy chương tại các kỳ liên hoan toàn quốc, chỉ đợi đủ số năm công tác để được phong tặng danh hiệu NSƯT nhưng vẫn quyết định chia tay Nhà hát. 

NSND Vũ Ngọc Cải chia sẻ: Để đào tạo được một diễn viên không phải điều đơn giản. Song song với việc được các NSND, NSƯT truyền nghề, dạy nghề, các diễn viên trẻ sẽ được giao vai diễn, vừa là “cầm tay chỉ việc” vừa tạo động lực để các nhân tố mới nỗ lực, cố gắng hơn. Vài năm mới giúp họ quen được với nghề, để làm chủ sân khấu thì phải mất tới hàng chục năm. Sau quá trình cả thầy và trò cùng nỗ lực vừa học vừa làm việc, hiện nay một số nghệ sĩ trẻ quyết định chia tay Nhà hát, có người chuyển sang đơn vị nghệ thuật khác, có người chuyển sang ngành nghề khác là điều rất đáng tiếc.

Diễn viên Vũ Thị Chuyên, đoàn 2, Nhà hát Chèo Thái Bình chia sẻ, chị là thế hệ diễn viên được Nhà hát Chèo Thái Bình đào tạo từ năm 15 tuổi. Gắn bó với Nhà hát, với nghiệp diễn đã 15 năm, chưa khi nào chị thấy nghệ sĩ đứng trước nhiều khó khăn như hiện nay. Hơn một năm qua, chị đã chứng kiến sự chia tay của không ít nghệ sĩ với Nhà hát, trong đó có nghệ sĩ trong biên chế, có những nghệ sĩ hợp đồng và cả một số bạn trong diện học việc. Không thể biểu diễn, thu nhập của diễn viên bị ảnh hưởng nhiều. Ngoài ra, cứ miệt mài tập luyện mà chưa biết khi nào mới được đứng trước khán giả, điều đó cũng ảnh hưởng tới tâm lý, hiệu quả tập luyện. Có những khi khó khăn quá, chị cũng tự hỏi bản thân: Mình sẽ làm gì nếu không diễn chèo nữa? Sẽ làm gì nếu không gắn bó với Nhà hát nữa? Nhưng nghĩ đi rồi nghĩ lại, chị cho rằng nghiệp diễn đã chọn mình, nghệ thuật chèo đã chọn mình nên lại quyết tâm vượt qua khó khăn để gắn bó với nghề. Nhưng mong muốn chung của các nghệ sĩ là được các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ kịp thời để các nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ có thể yên tâm theo nghề, cống hiến hết mình cho nghệ thuật.

Diễn viên Lê Thị Hồng Vân (người bên trái) đạt giải vàng cuộc thi tài năng trẻ diễn viên chèo toàn quốc năm 2020 với vai diễn Đào Huế trong trích đoạn “Tuần Ty - Đào Huế”.

Theo NSND Vũ Ngọc Cải, hiện nay, Nhà hát Chèo Thái Bình đang nỗ lực tập luyện để tham dự liên hoan ca múa nhạc toàn quốc năm 2021 với mục tiêu có được màn thể hiện tốt nhất trong liên hoan này, mang về thành tích cao, khẳng định vị thế của đoàn Thái Bình trong các đoàn ca múa nhạc toàn quốc. Tuy nhiên, bên cạnh việc linh hoạt điều động ca sĩ, diễn viên từ đoàn chèo, đoàn cải lương để thế vào các vị trí khuyết thiếu của đoàn ca múa nhạc thì việc thiếu hụt về nhạc công cho cuộc thi cũng là bài toán khiến ban lãnh đạo Nhà hát trăn trở. 

NSND Vũ Ngọc Cải chia sẻ: Để tham dự liên hoan lần này, do số lượng nhạc công không đáp ứng được yêu cầu đề ra, Nhà hát buộc phải thuê một vị trí ghi ta khuyết thiếu từ ngoài vào. Đây là giải pháp tình thế trong giai đoạn khó khăn hiện nay nhưng ngoài việc tốn kém về kinh phí trong quá trình tập luyện, tranh tài, sau liên hoan nếu có yêu cầu biểu diễn tác phẩm đó cũng sẽ phải thuê lại. Như vậy, trong một số thời điểm Nhà hát không có sự chủ động về nhân lực.

Dù chưa biết khi nào mới có thể biểu diễn trở lại nhưng hiện nay các đoàn nghệ thuật của Nhà hát Chèo Thái Bình vẫn duy trì cho các nghệ sĩ tập luyện vở mới, bảo đảm thực hiện “5K” trong phòng, chống dịch, sẵn sàng phục vụ khán giả khi điều kiện cho phép. Trong bối cảnh này, sân khấu cần nhất là giữ nghệ sĩ ở lại với nghề bởi nếu khó khăn tiếp tục kéo dài thì nỗi lo hiện hữu là khi sân khấu có thể sáng đèn trở lại thì đó cũng là thời điểm không còn đủ diễn viên để phục vụ khán giả.

Tú Anh


  • Từ khóa