Thứ 5, 14/11/2024, 11:10[GMT+7]

Giữ gìn truyền thống sân khấu

Thứ 7, 18/09/2021 | 15:22:18
2,077 lượt xem
Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định lấy ngày 12/8 âm lịch hàng năm là ngày Sân khấu Việt Nam với ý nghĩa động viên đội ngũ văn nghệ sĩ trong lĩnh vực sân khấu luôn phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, sáng tạo nhiều tác phẩm, hoạt động sân khấu có ý nghĩa để phục vụ công chúng, góp phần tạo nên đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, cổ vũ toàn dân đoàn kết, phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó tới nay, ngày Sân khấu Việt Nam luôn được tổ chức với nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa.

Một cảnh trong vở diễn “Hoàng Thái Hậu Mạc triều” do các diễn viên Nhà hát Chèo Thái Bình thể hiện.

Năm nay, do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, các hoạt động hướng về ngày này đều tạm dừng. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn của sân khấu nói chung, ngày giỗ Tổ nghiệp càng trở nên quan trọng về mặt tinh thần, giúp các nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trẻ có thêm nghị lực, quyết tâm để gắn bó và theo đuổi nghề.

2 năm qua, đa số nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Thái Bình vừa nỗ lực bám trụ với nghề vừa mong mỏi dịch Covid-19 sẽ sớm được kiểm soát. Vừa phòng, chống dịch, các đoàn nghệ thuật của Nhà hát vẫn thường xuyên tập luyện những vở diễn, trích đoạn, chương trình nghệ thuật mới với mục tiêu ngay khi được hoạt động trở lại sân khấu có thể sáng đèn đón khán giả. NSND Vũ Ngọc Cải, Giám đốc Nhà hát Chèo Thái Bình chia sẻ: Khi được phân vai, các nghệ sĩ sẽ tự tập luyện trước tại nhà, có thể là kết nối qua các phần mềm trực tuyến để cùng thảo luận về các vở diễn để các nghệ sĩ hiểu và nắm rõ hơn về vai diễn của mình. Sau đó, từng nhóm nhỏ sẽ luân phiên tập luyện cùng nhau tại Nhà hát, lúc này Ban giám đốc Nhà hát, các nghệ sĩ gạo cội được giao phụ trách vở diễn sẽ trực tiếp góp ý, chỉnh sửa để các vai diễn hoàn chỉnh hơn. Việc tập luyện vì thế nhìn chung không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh nhưng tinh thần của các nghệ sĩ đôi khi có những lúc nản lòng vì vẫn hăng say tập luyện nhưng chưa biết khi nào mới có thể biểu diễn trước công chúng. Anh em nghệ sĩ động viên nhau cố gắng bám trụ với nghề bởi đây là nghệ thuật truyền thống, là những tinh hoa văn hóa đã được gìn giữ và tiếp nối từ ngàn đời nay. 

Khắc phục khó khăn, thời gian qua, Nhà hát Chèo Thái Bình đã phối hợp ghi hình một số chương trình nghệ thuật để phục vụ công chúng trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, việc thường xuyên chia sẻ hoạt động tập luyện, video các trích đoạn, vở diễn đã được ghi hình trước đây trên tài khoản mạng xã hội của Nhà hát cũng góp phần để nghệ sĩ và công chúng yêu nghệ thuật có thêm sự gắn kết, chia sẻ. Ở nhà nhiều hơn, một số nghệ sĩ của Nhà hát đã chủ động sử dụng tài khoản mạng xã hội cá nhân để giao lưu với công chúng qua những làn điệu chèo ngọt ngào, tha thiết, vừa vơi đi nỗi nhớ nghề vừa là dịp để trò chuyện với hàng trăm, hàng nghìn khán giả trong và ngoài nước khi hoạt động trực tiếp không thể diễn ra. Có nghệ sĩ đã thử sức trong vai trò sáng tác ca khúc ca ngợi, tri ân các y bác sĩ, lực lượng tuyến đầu chống dịch. Sân khấu tạm dừng hoạt động nhưng các nghệ sĩ vẫn đang từng ngày nỗ lực lao động nghệ thuật, nhiều hoạt động trong số đó tuy không mang lại thu nhập nhưng phần nào giúp họ nói lên tiếng lòng của mình mong muốn được đóng góp một phần nhỏ bé vào công cuộc chống “giặc” Covid-19. 

Thấu hiểu những khó khăn mà những người hoạt động nghệ thuật đang gặp phải trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68, trong đó 69 lao động của Nhà hát Chèo Thái Bình đã được hưởng hỗ trợ từ chính sách này với mức hỗ trợ 3.710.000 đồng/người. 

Anh Nguyễn Mạnh Hùng, diễn viên Nhà hát chia sẻ: Do ảnh hưởng của dịch nên sinh hoạt của cả gia đình phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi. Chi phí sinh hoạt của cả nhà cộng thêm tiền học cho 2 con rất khó khăn. Được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, cũng như các nghệ sĩ tại nhà hát, tôi rất mừng, thấy rằng đây là chính sách rất kịp thời giúp các nghệ sĩ phần nào có thể để trang trải, vơi bớt khó khăn, có thêm động lực gắn bó với nghề. 

Tuy nhiên, theo chia sẻ của NSND Vũ Ngọc Cải, hiện nay tại Nhà hát Chèo Thái Bình vẫn có những diễn viên học việc, được nhà hát nhận về đào tạo nghề trong một vài năm qua. Đây là lực lượng trẻ, đã gắn bó với nhiều chương trình của Nhà hát, thời điểm này cũng rất khó khăn do sân khấu tạm dừng hoạt động nhưng không nằm trong diện được hưởng hỗ trợ của Nghị quyết số 68. Nhân viên, người lao động Nhà hát Chèo Thái Bình mong muốn thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ cho các trường hợp khác hiện đang làm việc tại Nhà hát để những nghệ sĩ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vơi bớt phần nào khó khăn, có thêm động lực để tiếp tục làm nghề và giữ nghề. 

Vượt qua những trở ngại do dịch bệnh gây ra, các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Chèo Thái Bình vẫn đang từng ngày giữ gìn truyền thống sân khấu dân tộc, tri ân người đi trước đã có công gây dựng để thế hệ hôm nay được tiếp nối, đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với công chúng để đó thực sự là món ăn tinh thần, là tinh hoa văn hóa của dân tộc. 

Vở chèo “Trọn nghĩa non sông” của Nhà hát Chèo Thái Bình đạt huy chương vàng tại Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2019.

Vở chèo “U vẫn đợi con về” xoay quanh hình tượng những người mẹ vẫn đêm ngày mong, ngóng chờ đợi con dù trong thời chiến hay thời bình.

Anh Đức