Thứ 7, 16/11/2024, 03:34[GMT+7]

Bảo tồn nghệ thuật chèo truyền thống Kỳ 3: Hồi sinh không gian nghệ thuật truyền thống giữa dòng chảy đương đại

Thứ 5, 22/09/2022 | 10:09:57
5,079 lượt xem
Với phương châm bảo tồn nghệ thuật truyền thống bằng con người, trong những năm qua, Nhà hát Chèo Thái Bình đã phục dựng và bảo lưu hàng trăm vở diễn, trích đoạn chèo cổ. Đây không chỉ là những chương trình nghệ thuật đặc sắc, là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với các tầng lớp nhân dân mà còn là những tác phẩm tiêu biểu tham gia nhiều cuộc thi, liên hoan của toàn quốc. Từ đó, đã thiết thực khẳng định chất lượng đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Thái Bình với những nghệ sĩ sinh ra và trưởng thành từ cái nôi của nghệ thuật chèo truyền thống.

Vở chèo “Trọn nghĩa non sông” của Nhà hát Chèo Thái Bình đạt huy chương vàng tại liên hoan chèo toàn quốc năm 2019.

Bảo tồn nghệ thuật truyền thống bằng con người

Cuối năm 2020, khi cuộc thi tài năng trẻ diễn viên chèo toàn quốc khép lại cũng là lúc Nhà hát Chèo Thái Bình nhận được nhiều khen ngợi, đánh giá tích cực từ hội đồng chuyên môn bởi trong 8 tiết mục mà các nghệ sĩ trẻ của Nhà hát mang đến cuộc thi có 1 giải vàng, 3 giải bạc, 2 giải tài năng triển vọng. Điều đó cho thấy công tác đào tạo diễn viên trẻ - đội ngũ kế cận nhận được sự quan tâm đúng mức. Chia sẻ về điều này, NSND Vũ Ngọc Cải, Giám đốc Nhà hát Chèo Thái Bình cho biết: Trong cuộc thi, các trích đoạn chèo cổ đã được diễn viên trẻ của Nhà hát lựa chọn thể hiện như “Tuần Ty - Đào Huế”, “Thị Màu lên chùa”, “Súy Vân giả dại”. Đây đều là những trích đoạn nổi tiếng, đã được nhiều thế hệ nghệ sĩ thể hiện thành công, đó vừa là thuận lợi nhưng cũng vừa là áp lực lớn. Tuy nhiên, tại các cuộc thi tài năng, yêu cầu đặt ra cho các diễn viên là luôn phải phối hợp hài hòa giữa các kỹ năng hát, múa và diễn. Các trích đoạn chèo cổ bao hàm đầy đủ các yếu tố này, đó là lý do Nhà hát luôn ưu tiên lựa chọn những trích đoạn kinh điển để diễn viên trẻ có cơ hội được thử sức mình. Khi một diễn viên trẻ đã lựa chọn được vai diễn phù hợp để tham dự cuộc thi thì không chỉ ban lãnh đạo Nhà hát mà các nghệ sĩ đã thành công với vai diễn ấy cũng được giao trọng trách truyền nghề. Cứ thế nối tiếp nhau, những cuộc thi là nơi để nghệ sĩ trẻ thể hiện niềm đam mê, khát khao cống hiến cho nghệ thuật, là cơ hội để trao truyền, bảo tồn những tinh hoa của nghệ thuật truyền thống cho thế hệ mai sau.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ thường xuyên của Nhà hát là phục dựng những trích đoạn chèo cổ. Hàng trăm vở chèo, trích đoạn chèo cổ đã được các thế hệ của nhà hát thể hiện thành công như: “Trinh Nguyên”, “Quan Âm Thị Kính”, “Lưu Bình - Dương Lễ”, “Súy Vân”..., vừa góp phần hồi sinh không gian nghệ thuật truyền thống giữa dòng chảy đương đại vừa là cách để nghệ sĩ trẻ được “cầm tay chỉ việc”, có thêm động lực để nỗ lực, cố gắng hơn trong gìn giữ và gắn bó với nghề.

Là thế hệ diễn viên được Nhà hát Chèo Thái Bình đào tạo từ năm 15 tuổi, năm 2020 diễn viên Vũ Thị Chuyên, đoàn 2, Nhà hát đã xuất sắc đạt giải bạc tại cuộc thi tài năng trẻ diễn viên chèo toàn quốc với vai diễn Thị Màu trong trích đoạn “Thị Màu lên chùa”. Ngay sau đó, khi cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ Thái Bình lần thứ 3 diễn ra, Vũ Thị Chuyên cũng trở thành người “truyền lửa” để cô bé Đinh Thị Tuyết Mai, học sinh Trường THCS Trần Phú (thành phố Thái Bình) “cháy” hết mình trong đêm chung kết của cuộc thi với chính vai diễn này. Diễn viên Vũ Thị Chuyên chia sẻ: Ngay cả khoảng thời gian rất khó khăn bởi công việc chịu tác động không nhỏ của dịch bệnh Covid-19, bản thân mình cũng chưa khi nào nghĩ tới công việc khác ngoài diễn chèo bởi mình luôn tâm niệm nghiệp diễn đã chọn mình, nghệ thuật chèo đã chọn mình thì sẽ quyết tâm vượt qua khó khăn để gắn bó với nghề.

Nhà hát online - đưa chèo đến với công chúng trong thời kỳ 4.0

Năm 2021 là khoảng thời gian rất khó khăn đối với các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Thái Bình. Cũng giống như tình trạng chung của các nhà hát trên toàn quốc, nhiều tháng liền, nghệ sĩ chèo quê lúa không thể biểu diễn, giao lưu trực tiếp cùng khán giả. Nhớ nghề, nhớ sân khấu, nhưng trong chính khoảng thời gian khó khăn ấy, họ đã tìm cho mình hướng đi riêng. Mô hình “nhà hát online” được ra đời, không chỉ là giải pháp tình thế mà dần trở thành xu hướng tất yếu của xã hội phát triển. Sau hơn năm số buổi sân khấu sáng đèn chỉ đếm trên đầu ngón tay, cuối tháng 8/2021 Nhà hát Chèo Thái Bình ghi hình phát sóng chương trình nghệ thuật đặc sắc chào mừng Quốc khánh 2/9 thay cho chương trình biểu diễn trực tiếp tại Quảng trường 14/10 như mọi năm, thiết thực phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của người dân. Dù là ghi hình phát sóng, đây vẫn là chương trình được dàn dựng công phu với sự tham gia của tập thể nhạc công, ca sĩ đến từ cả 3 đoàn nghệ thuật của Nhà hát với những ca khúc hát mới, hát chèo, hát văn... Trong thời điểm sân khấu tạm dừng hoạt động, trên trang mạng xã hội của Nhà hát cũng liên tục cập nhật hoạt động tập luyện của diễn viên, những dự án mới, những trích đoạn chèo cổ đã được ghi hình từ trước... Qua đó, các nghệ sĩ cũng như người yêu nghệ thuật có thêm cơ hội được giao lưu, sẻ chia, cùng động viên nhau vượt qua thời điểm khó khăn do dịch bệnh.

Nhiều vở chèo, trích đoạn chèo cổ được nghệ sĩ Nhà hát Chèo phục dựng thành công góp phần làm sống dậy không gian nghệ thuật truyền thống giữa dòng chảy đương đại.

NSND Vũ Ngọc Cải, Giám đốc Nhà hát Chèo Thái Bình chia sẻ: Trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Nhà hát đã nỗ lực phối hợp ghi hình nhiều những chương trình nghệ thuật đặc sắc phục vụ khán giả trong và ngoài tỉnh. Những buổi biểu diễn trực tuyến và rộng ra là mạng xã hội cho nghệ sĩ nhiều hơn cơ hội để đến gần công chúng. Nếu một buổi biểu diễn tại nhà hát, tại quảng trường... số người xem chỉ đến hàng trăm, hàng nghìn thì qua mạng xã hội, buổi biểu diễn ấy có thể đến với hàng vạn, hàng triệu khán giả xa gần. Người xem cũng có thể xem đi xem lại nhiều lần, có thời gian hơn để suy ngẫm về những thông điệp được đưa ra. Tuy nhiên, nghệ sĩ nào cũng cần những phút giây thăng hoa trong nghệ thuật và sự cổ vũ trực tiếp của khán giả luôn là “chất xúc tác” tuyệt vời nhất cho điều đó.

Cũng trong 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều nghệ sĩ đã chủ động sử dụng trang mạng xã hội cá nhân để đưa những làn điệu chèo truyền thống đến gần hơn với khán giả. Chỉ với thiết bị đơn giản là chiếc micro, trang phục đơn giản, không cầu kỳ như khi trên sân khấu, diễn viên Đào Thị Lựu, Nhà hát Chèo Thái Bình đã thu hút hàng chục nghìn lượt theo dõi mỗi buổi phát sóng trên trang mạng xã hội cá nhân của mình. Diễn viên Đào Thị Lựu chia sẻ: Vợ chồng tôi ở nhà phát trực tiếp hát chèo cho bà con xem. Cả những kiều bào ở nước ngoài cũng xem rất nhiều. Nhớ sân khấu, nhớ những chuyến đi biểu diễn nên tôi ở nhà, hát chèo, trò chuyện với mọi người để mọi người cũng được thưởng thức nghệ thuật dân tộc, lắng nghe những làn điệu chèo truyền thống. Bà con đón nhận rất nhiều, lượt xem, lượt tương tác rất cao. Giờ đây, sân khấu đã sáng đèn trở lại nhưng việc dành thời gian mỗi tuần để trò chuyện của khán giả qua màn hình điện thoại là thói quen không thể thiếu. Đó như sợi dây vô hình đã gắn kết, đưa mọi người đến gần nhau hơn.

Bằng nhiều cách khác nhau, những làn điệu chèo ngọt ngào, tha thiết, những trích đoạn chèo cổ với ý nghĩa nhân văn vẫn đang từng ngày đến gần hơn với công chúng yêu nghệ thuật, vượt qua cả biên giới xa xôi, kéo những con người xa lạ xích lại gần nhau, cổ vũ, động viên mỗi người hãy nỗ lực, cố gắng hơn. Cuộc sống thay đổi từng ngày nhưng những người nghệ sĩ sinh ra và lớn lên trên mảnh đất được coi như cái nôi của nghệ thuật chèo vẫn luôn tự hào và quyết tâm gìn giữ bản sắc văn hóa của cha ông.

Nghệ sĩ nhân dân Văn Mởn
Năm 2016, tôi được phong danh hiệu NSND. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát Chèo Thái Bình, vợ tôi - Thúy Hiền lại vinh dự được Nhà nước phong danh hiệu NSND. 70 năm gắn bó với nghệ thuật chèo, vợ chồng, con cái tôi cũng là con của Nhà hát Chèo Thái Bình. Hiện nay, tuy đã nghỉ hưu nhưng vợ chồng tôi vẫn luôn cộng tác với Nhà hát, sẵn sàng dạy dỗ các lớp học trò, giúp các em đạt những phần thưởng cao quý và xây dựng ngành chèo. Tôi tin các em sẽ theo gương tổ nghiệp, suốt đời rèn luyện, luôn luôn sáng tạo, tỏa sáng, xứng đáng với người xưa, bảo tồn vững chắc nghệ thuật truyền thống quê nhà.

Nghệ sĩ ưu tú Ánh Điện, Trưởng đoàn 2, Nhà hát Chèo Thái Bình
Sinh ra và lớn lên tại quê hương của những làn điệu chèo nổi tiếng, từ ngày còn thơ bé tôi đã nuôi dưỡng mơ ước được trở thành nghệ sĩ, được hát, diễn chèo dưới ánh đèn của sân khấu chuyên nghiệp. Vai diễn đầu tiên trong sự nghiệp diễn xuất của tôi là vai Lưu Bình trong vở “Lưu Bình - Dương Lễ”, một vai diễn mang tính kinh điển của một vở chèo kinh điển nhưng được các thế hệ đi trước tận tâm chỉ bảo tôi đã tròn vai diễn của mình và tạo được chút ấn tượng với công chúng yêu chèo. Từ danh hiệu NSƯT được trao tặng năm 2012, tôi tiếp tục nỗ lực rèn luyện để có thêm những huy chương vàng, bạc, cùng những giải thưởng khác trong những năm gần đây.



(còn nữa)

Tú Anh