Thứ 7, 16/11/2024, 03:27[GMT+7]

Số hóa tư liệu, hiện vật tại Bảo tàng tỉnh để thích ứng với đại dịch Covid-19

Thứ 4, 20/10/2021 | 16:42:55
2,535 lượt xem
Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống của quê hương là một trong những nhiệm vụ đã được đề ra trong Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ này, hiện nay Bảo tàng tỉnh đang từng bước số hóa các tư liệu, hình ảnh, hiện vật, hồ sơ di tích, các thước phim ảnh… với mục tiêu những tư liệu đã được số hóa sẽ đến gần hơn với công chúng trong và ngoài tỉnh trong tình hình dịch Covid-19.

Khi việc số hóa đã được hoàn thành, người dân có thể tra cứu thông tin về các tư liệu, hiện vật thông qua mạng internet, thay vì phải đến trực tiếp bảo tàng như trước đây.

Góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, Nghị quyết số 04 nêu rõ cần tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và các thành tựu khoa học, kỹ thuật trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử phục vụ công tác quản lý, bảo tồn, quảng bá, tra cứu các giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh. 

Ông Đỗ Quốc Tuấn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh chia sẻ: Đây là việc làm rất cần thiết, giúp Bảo tàng có cơ hội được giới thiệu những hiện vật sưu tập mà hiện nay Bảo tàng đang lưu trữ, bảo quản và giúp việc khai thác, tra cứu thông tin của đông đảo công chúng dễ dàng hơn. Trong 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tại Bảo tàng tỉnh, nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm chuyên đề giới thiệu về các tư liệu, hiện vật quý hiếm, có giá trị lịch sử phải tạm dừng, các cán bộ Bảo tàng đã tranh thủ khoảng thời gian này từng bước nghiên cứu, số hóa tư liệu, hiện vật, phục vụ công tác trưng bày trực tuyến sau này.

Bảo tàng tỉnh hiện nay đang lưu trữ hơn 47.200 tư liệu, hiện vật, trong đó có 1 bảo vật quốc gia là cỗ ngai thờ gỗ sơn son thếp vàng - một tác phẩm nghệ thuật độc đáo chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật và kỹ thuật chạm khắc thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII. Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh còn có rất nhiều hiện vật quý như: chiếc xe của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai, bức thư của Anh hùng Đặng Tiến Lợi, chiếc áo dính máu của Anh hùng Trần Bình... Mỗi tư liệu, hiện vật đã được sưu tầm đều góp phần mang đến cho khách tham quan cái nhìn đầy đủ, rõ nét hơn về mảnh đất, con người Thái Bình trải qua các giai đoạn lịch sử trong suốt 130 năm hình thành và phát triển. Trong số này, Bảo tàng đã thực hiện số hóa khoảng hơn 22.000 hiện vật, phim, ảnh để phục vụ việc tra cứu thuận lợi và hiệu quả. Hoạt động số hóa cũng nhằm khai thác những bộ sưu tập có giá trị đang lưu giữ tại kho của Bảo tàng nhưng vì thiếu điều kiện nên chưa thể đem ra trưng bày phục vụ công chúng.

Bà Cao Thị Thơi, Trưởng phòng Nghiên cứu sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, Bảo tàng tỉnh cho biết: Việc thực hiện số hóa qua các công đoạn chính gồm: số hóa các hiện vật; lập trung tâm dữ liệu để quản lý khai thác thông tin hiện vật một cách thuận tiện, bảo đảm an toàn thông tin hiện vật đã được số hóa; tổ chức việc cung cấp thông tin của hiện vật đã được số hóa phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu. Dù hiện nay, việc số hóa chưa hoàn thiện nhưng kết quả bước đầu, việc tra cứu thông tin đối với các hiện vật, phim, ảnh đã được số hóa đã tạo nên những thuận lợi nhất định. Nếu như trước đây, khi muốn tìm kiếm một hình ảnh, hiện vật, cán bộ bảo tàng phải vào kho lưu trữ, tra cứu sổ sách khá mất thời gian thì nay chỉ cần thao tác trên máy tính.

Về vấn đề số hóa các tư liệu, hiện vật tại Bảo tàng tỉnh hiện nay, ông Đỗ Quốc Tuấn thông tin thêm: Bảo tàng tỉnh đã tham mưu với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình các cấp có thẩm quyền xem xét về đề tài nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ số hóa tư liệu, hiện vật trong trưng bày bảo tàng giai đoạn 1 (từ năm 2022 - 2025). Nếu tình hình dịch Covid-19 còn kéo dài, chúng tôi sẽ tập trung quay video các tư liệu, hình ảnh, hiện vật hiện có trong bảo tàng và cả các thước phim ảnh, tư liệu trong kho lưu trữ để cung cấp, hỗ trợ giới thiệu và tuyên truyền đến với nhân dân trong tỉnh.

Thông qua việc từng bước tiếp cận, ứng dụng công nghệ số trong quản lý tư liệu, hiện vật, Bảo tàng tỉnh mong muốn đưa kho tư liệu quý giá đến công chúng rộng rãi hơn, đồng thời đa dạng hóa hoạt động, phát huy được những giá trị di sản hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng thu hút khách tham quan phù hợp với điều kiện thực tiễn cũng như xu thế phát triển công nghệ hiện nay.

Cỗ ngai thờ gỗ sơn son thếp vàng - Bảo vật quốc gia đang được lưu trữ tại Bảo tàng tỉnh.

Tú Anh