Thứ 7, 16/11/2024, 01:29[GMT+7]

Văn hoá- sức mạnh nội sinh

Thứ 3, 23/11/2021 | 13:47:11
1,886 lượt xem
Hội nghị văn hóa toàn quốc sẽ diễn ra vào ngày 24/11, đây là sự kiện vô cùng quan trọng nhằm triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Cảnh trong vở Thiên mệnh của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Nước ta hiện có một lực lượng đông đảo người làm công tác văn hóa, tham gia sáng tạo văn học nghệ thuật. Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, công tác văn hóa văn nghệ đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp chung của dân tộc. Tuy nhiên, trong thời kỳ 4.0, văn hóa đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới cần được Đảng, Nhà nước, ngành văn hóa quan tâm để thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm cho công tác văn hóa văn nghệ giai đoạn 2021 - 2026, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị là dịp để lắng nghe những ý kiến tâm huyết của các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất để lực lượng làm văn hóa trong nước và nước ngoài đồng lòng thành một khối, dốc sức phục vụ Tổ quốc và nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với sức mạnh thời đại.

Văn hóa luôn là nền tảng, là gốc rễ tạo động lực cho mọi mặt của đời sống xã hội. Trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, văn hóa lại càng đóng vai trò kết lõi, mà nếu bỏ rơi văn hóa, thì nguy cơ đối mặt sẽ là mất bản sắc, phai nhòa các giá trị truyền thống tốt đẹp. Để trở thành nguồn sức mạnh nội sinh, văn hóa luôn cần tới sự chăm lo, quan tâm, định hướng của Đảng và Nhà nước. Trong đó, việc củng cố, phát triển, đào tạo, sử dụng đội ngũ trí thức làm công tác văn hóa văn nghệ chính là vấn đề hạt nhân.

Đời sống văn hóa nghệ thuật ở nước ta hiện đa dạng về loại hình, phong phú về cách thể hiện, nhưng cũng chịu nhiều biến động phức tạp bởi những xu hướng có cả tiêu cực và tích cực của dòng chảy văn hóa nghệ thuật thế giới. Tiếp thu thiếu chọn lọc các giá trị văn hóa nước ngoài trong thời kỳ hội nhập có ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành lối sống, đạo đức, ứng xử của con người, nhất là giới trẻ.

Về cơ bản, những nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi loại hình văn hóa nghệ thuật phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn không ít vấn đề bất cập như chế độ đãi ngộ dành cho văn nghệ sĩ ở các ngành nghệ thuật đặc thù, vấn đề tự chủ của các đơn vị nghệ thuật truyền thống, vấn đề xã hội hóa văn học nghệ thuật, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa - sáng tạo, không gian văn hóa sáng tạo đô thị… đang chờ giải pháp tháo gỡ cụ thể.

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, văn hóa Việt đã giữ một vị thế nền tảng tinh thần xã hội, là “tấm áo giáp” bảo vệ sự tồn vong của dân tộc, dù phải trải qua muôn ngàn nguy biến. Văn hóa sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh để Việt Nam hòa nhập mà không hòa tan với thế giới.

Theo nhandan.vn

  • Từ khóa