Thứ 6, 15/11/2024, 23:21[GMT+7]

Lễ tiễn ông Công, ông Táo: Giản tiện, bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 và bảo vệ môi trường

Thứ 3, 25/01/2022 | 17:12:57
15,397 lượt xem
Sắm sửa, tổ chức cúng ông Công, ông Táo là dịp được nhiều gia đình chú trọng thực hiện vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm. Tuy nhiên, năm nay trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, người dân đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và bảo vệ môi trường.

Người dân thả cá chép tại bờ sông Trà Lý, thành phố Thái Bình.

Chuẩn bị cho lễ tiễn ông Công, ông Táo năm nay, gia đình bà Đoàn Thị Sen, phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) đã giảm bớt nhiều thứ rườm rà hơn năm trước. Theo bà, mọi năm cứ ra chợ rồi đi hết hàng này đến hàng khác để chọn mua hoa quả, vàng mã, trầu cau… hay đi ngắm nghía kỹ càng để mua lấy một đôi cá chép đẹp nhất mang về. Thế nhưng năm nay bà đi mua rất nhanh rồi rời khỏi chợ. 

Bà Sen cho biết: Lễ cúng ông Công, ông Táo tôi cũng như nhiều người khác tổ chức đơn giản nhưng không mất đi nét truyền thống, hạn chế tụ tập để phòng, chống dịch. 

Lo lắng hơn khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều ca F0 xuất hiện tại cộng đồng, nhiều gia đình đã đi mua đồ cúng từ trước để hạn chế đông người hoặc đặt nguyên một mâm cỗ cúng trên mạng với đầy đủ xôi, gà, hoa quả, vàng, hương, vàng mã… Người làm dịch vụ đã ship đến tận nhà, còn tiền thì chuyển qua tài khoản luôn nên không phải lo đi mua sắm.

Theo quan niệm của người Việt, ngày 23 tháng Chạp, Táo Quân sẽ cưỡi cá chép hóa rồng lên Thiên đình để báo cáo lại tất cả việc làm của con người trong một năm. Vì vậy, vào ngày ông Công ông Táo, mỗi gia đình thường chuẩn bị 3 con cá chép đỏ sống, thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác. Tuy nhiên, theo nhiều tiểu thương, thị trường cá chép vàng năm nay kém hơn nhiều so mọi năm. 

Anh Bùi Văn Tiệp, bán cá tại chợ Vĩnh Trà (thành phố Thái Bình) cho biết: Do ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh tế khó khăn, nhiều gia đình tiết kiệm chi tiêu nên giá bán năm nay giảm rất nhiều. Nếu như mọi năm, cùng loại cá chép đỏ, chất lượng như nhau, giá 20.000 đồng/con thì năm nay bán 20.000 đồng/2 con, thậm chí 3 con mà còn trầy trật, ít người hỏi mua. Nhiều người chọn mua đĩa xôi có hình cá chép thay cho mua cá chép đỏ. 

Cùng tâm trạng với anh Tiệp, chị Nguyễn Thị Huệ, bán trái cây cho biết: 23 tháng Chạp mọi năm, xe cam của tôi bán hết từ 8 giờ sáng mà năm nay ế ẩm. Người dân mua số lượng ít hơn.

Mua, bán cá chép đỏ trên cầu Kiến Xương, thành phố Thái Bình. Vẫn còn tình trạng người dân chưa chấp hành các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Những năm gần đây, ý thức bảo vệ môi trường trong việc cúng ông Công, ông Táo của người dân đã có những chuyển biến tích cực. Hầu hết người dân thả cá xong đã để túi nilon đúng nơi quy định, không vứt xuống sông, hồ. Ngoài ra, nhiều người để cá chép đỏ vào xô, chậu, bình… rồi đem thả để hạn chế phát sinh rác thải, túi nilon ra môi trường. Một số hội, đoàn thể đã tổ chức hoạt động thu gom rác, túi nilon với khẩu hiệu “Thả cá, đừng thả túi nilon”. 

Anh Đỗ Thanh Tuấn, Bí thư Đoàn Thanh niên phường Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình) cho biết: Hàng năm, Đoàn Thanh niên phường đều tổ chức tuyên truyền người dân thả cá, không thả túi nilon, huy động lực lượng tham gia thu gom rác tại bờ sông Trà Lý từ chiều ngày 22 đến hết ngày 23 tháng Chạp. Chúng tôi bố trí băng rôn tuyên truyền, đoàn viên đứng hướng dẫn bà con đựng túi nilon, hương, hoa và các đồ khác vào các bao tải để thuận tiện cho việc xử lý, không để tình trạng xả rác bừa bãi. Mấy năm trở lại đây, việc tuyên truyền bảo vệ môi trường được đẩy mạnh nên mọi người để rác đúng nơi quy định, chung tay giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp chỉ còn rất ít trường hợp đứng trên cầu xả rác, ném cá xuống.

Sau khi thả cá chép, người dân để túi nilon tại điểm tập kết của Đoàn Thanh niên phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình. 

Năm nay tại các sông, hồ, số người ra thả cá phóng sinh cũng thưa vắng hơn so với mọi năm. Nhiều người cũng cho rằng, tục thờ cúng ông Công, ông Táo nhân ngày 23 tháng Chạp là một nét văn hóa đẹp của người Việt, nhưng tại thời điểm đang diễn ra dịch bệnh, thì việc giản tiện mâm cỗ cúng là hợp lý, nhưng không vì thế mà mất đi nét truyền thống.

Xuân Phương