Thứ 6, 15/11/2024, 22:27[GMT+7]

Mấy vấn đề về xây dựng hệ giá trị văn hóa ở Thái Bình

Chủ nhật, 27/02/2022 | 20:14:21
9,326 lượt xem
Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Từ định hướng này, nhiệm vụ xây dựng hệ giá trị văn hóa chuẩn và con người Việt Nam đang được đặt ra một cách bức thiết.

Chùa Keo, xã Duy Nhất (Vũ Thư).

Tại hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm của sự nghiệp chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam ở thời kỳ mới của đất nước, trong đó có nhiệm vụ: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo...”. 

Sự nghiệp chấn hưng, phát triển văn hóa hiện nay và những năm tiếp theo ở Việt Nam đang có vấn đề đặt ra là làm thế nào để vận dụng đúng đắn, sáng tạo quan điểm của Đảng và tinh thần hội nghị Văn hóa toàn quốc vào thực tiễn của từng địa phương để xây dựng hệ giá trị chuẩn và con người, từ đó góp phần vào sứ mệnh xây dựng hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam.

Có lẽ, việc nhận diện đúng đắn và đầy đủ những giá trị tinh hoa, cốt lõi của văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung, của từng vùng miền nói riêng để chấn hưng và phát huy trên chặng đường đi tới sẽ là một gợi mở mang tính khoa học và biện chứng cho việc tìm giải pháp để sự nghiệp xây dựng hệ giá trị văn hóa chuẩn và hệ giá trị con người Việt Nam. 

Với Thái Bình, do những đặc trưng về tự nhiên và dân cư chi phối nên từ truyền thống đến hiện tại, Thái Bình luôn là tỉnh nông nghiệp điển hình, là chiếc nôi hội tụ và tỏa sáng tinh hoa văn hóa của nhiều vùng miền mà đậm nét hơn cả là tinh hoa văn hóa châu thổ Bắc Bộ. Các sắc thái văn hóa, văn minh nông nghiệp đã đến sớm, đi muộn ở miền quê này. Đồng đất và con người Thái Bình vốn rất giàu tiềm năng, tiềm lực về văn hóa, văn hiến. Bề dày văn hóa truyền thống được vun đắp và lưu giữ trong kho tàng văn hóa làng ở Thái Bình đã và đang là một trong những điểm tựa để xác định hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người nơi đây. Về một phương diện nào đó, có thể coi văn hóa làng là bức tranh toàn cảnh về văn hóa truyền thống cũng như văn hóa thời hiện đại của Thái Bình. Sự thay đổi hình thái và diện mạo kinh tế - xã hội tất yếu sẽ dẫn đến sự đổi thay của văn hóa làng. Quá trình đổi mới song hành với quá trình đô thị hóa ở Thái Bình đã và đang tất yếu dẫn đến sự hình thành của văn hóa, văn minh đô thị, nhưng xét đến căn cốt thì các thành tố cấu thành văn hóa, văn minh đô thị ở Thái Bình vẫn cơ bản được hình thành và phát triển trên nền tảng của văn hóa làng. 

Một trong những vấn đề mang tầm chiến lược, rất cần được quan tâm là làm thế nào để có thể huy động được sức mạnh tổng hợp các nguồn lực của cộng đồng làng xã vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn. Để thực hiện được sứ mệnh này, ngoài việc đánh giá đúng và đủ vốn liếng văn hóa làng, nhận diện được sự đổi thay của văn hóa làng xưa và nay, nắm đúng hiện trạng văn hóa làng hiện nay còn là việc xác định đúng và kế thừa di sản nào, khắc phục những mặt hạn chế nào để thích ứng với thời kỳ hội nhập. Khi nhận diện được chân xác sự thay đổi mang tính biện chứng, khách quan của văn hóa làng hẳn sẽ có ứng xử đúng đắn để tìm ra những giải pháp thích hợp trong tiến trình xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người ở Thái Bình hiện nay và những năm tiếp theo. 

Mặt khác, cũng cần phải thấy là, thành tựu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong hơn 30 năm đổi mới đã đưa Thái Bình từ một tỉnh cơ bản thuần nông trở thành một tỉnh có công nghiệp, xây dựng, dịch vụ phát triển khá. Đến cuối năm 2021, cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm trên 25%, công nghiệp, xây dựng chiếm 42,8%, dịch vụ chiếm 31,6%. 

Tuy cơ cấu kinh tế đã có bước chuyển dịch tích cực nhưng Thái Bình vẫn giữ vững vị thế tỉnh nông nghiệp trọng điểm. Hiện nay và có lẽ trong nhiều năm tiếp theo, ở Thái Bình vẫn có xấp xỉ 80% cư dân sống ở khu vực nông thôn. Khi đất nước chuyển mình bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì Thái Bình đã xác định trọng tâm của cuộc cách mạng này là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Những thành quả bước đầu của tiến trình thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này đã mở ra tiền đề quan trọng để Thái Bình trở thành một trong những địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Diện mạo của văn hóa làng đã có những đổi thay, bộc lộ cả những giá trị cốt lõi và những mặt hạn chế mang tính cố hữu từ tiến trình đổi mới. 

Làng xã cổ truyền ở Thái Bình đã có quá trình hơn nửa thế kỷ hội nhập với hình thái kinh tế - xã hội mới. Đó là sự hội nhập để tham gia vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các giai đoạn cách mạng, trong đó có những sản phẩm văn hóa vật thể được xác định là của công làng xã đã bị hư hao như việc phá dỡ cầu, cống, đình, chùa, đền, miếu, điếm, quán... để tiêu thổ kháng chiến hoặc phục vụ cho việc xây dựng các công trình phúc lợi công cộng vào những thời kỳ, thời điểm khác nhau. Đó cũng là sự hội nhập trong thế ứng xử mới của văn hóa làng với sự thay đổi, xáo trộn chia ra, nhập lại của đơn vị hành chính cơ sở qua từng thời kỳ. Đó còn là sự hội nhập của quá trình mở tung những cổng làng để giao lưu phát triển kinh tế - xã hội bằng quan hệ sản xuất và phương thức sản xuất mới. Trong bối cảnh đó, văn hóa làng, tâm lý làng đã phải tự điều chỉnh để tồn tại. Trong quá trình tự điều chỉnh, có những thành tố cấu thành văn hóa làng đã bị nhạt phai hoặc tự lột xác để tồn tại dưới hình thức mới. Trải những bước đi ở thời kỳ đổi mới, làng xã ở Thái Bình đã có những thay đổi cơ bản, toàn diện, triệt để cả về cảnh quan, cơ cấu kinh tế, quan hệ cộng đồng làng xã và các mặt biểu hiện của văn hóa làng. 

Do quá trình phát triển kinh tế - xã hội theo xu hướng đổi mới, số làng thuần nông ngày càng giảm mạnh nên thành phần dân cư trong mỗi làng cũng đa dạng hơn. Nếu như các làng trước kia vốn được coi là thuần nông với thành phần nông dân là chủ yếu thì nay cũng đã đan xen nhiều thành phần khác như người làm dịch vụ, buôn bán, người đi làm công nhân tại các doanh nghiệp, người đi làm cán bộ, công chức nhà nước nhưng “ly nông bất ly hương”, người nghỉ hưu... vẫn cư trú ở làng với gia đình. Mức sống, nếp sống của mỗi thành phần dân cư khác nhau; nếp cảm, nếp nghĩ khác nhau dẫn đến tính cộng đồng, cộng cảm trong từng thôn làng từng bước được biểu hiện dưới những hình thái mới. 

Cũng do tiến trình phát triển kinh tế - xã hội ở thời kỳ hiện tại, xu hướng người làng ra khỏi làng sinh sống, người ngoài làng vào nhập cư ngày càng có những biến động lớn, nhất là đối với những làng ven thành phố, thị trấn, làng có những cơ quan, doanh nghiệp, trường học, làng ven đường quốc lộ, tỉnh lộ... Thực tế này đã làm cho thành phần xuất thân của các thành viên trong cùng một cộng đồng làng ở thời kỳ hiện tại đa dạng, phức tạp hơn, văn hóa làng có mặt phong phú hơn, có mặt nhạt nhòa dần. 

Thêm nữa, do tác động của những cơ chế, chính sách thông thoáng ở thời kỳ đổi mới, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, số hộ giàu ngày càng tăng, số hộ nghèo và cận nghèo ngày càng giảm nhưng sự phân hóa giàu nghèo giữa các thành viên trong cùng một làng ngày thêm rõ rệt. Tâm lý “xấu đều hơn tốt lỏi” bị xóa dần, đồng thời mọi quan hệ ứng xử trong nếp sống, lối sống cũng buộc phải đổi thay để thích ứng dần. 

Một điểm đáng được chú ý là mặt bằng trình độ nhận thức của các thành phần dân cư Thái Bình ở thời kỳ hiện tại tương đối đồng đều. Người ở độ tuổi trung niên trở xuống hầu hết được phổ cập trung học cơ sở. Cán bộ hưu trí về quê sinh sống ngày một đông thêm. Điện sáng đến mọi ngõ xóm, mọi gia đình. Phương tiện nghe nhìn, truyền thông phổ cập đến mọi người, mọi nhà. Tỷ lệ gia đình nối mạng internet ngày càng cao. Đó là những thuận lợi cơ bản để chấn hưng và phát huy giá trị văn hóa truyền thống theo những chuẩn mực xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Thái Bình ở thời kỳ mới. 

Có thể xem xét quá trình chấn hưng văn hóa làng được khởi động từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới (1986). Đó là quá trình chấn hưng sự cố kết cộng đồng, cộng cảm làng xã truyền thống được biểu hiện bằng việc tôn tạo các công trình tín ngưỡng, tôn giáo của làng như đình, chùa, đền, miếu..., khôi phục hội làng truyền thống và những trò chơi, trò diễn dân gian, soạn thảo hương ước mới của làng... Đối với dòng họ là việc “vấn tổ tầm tông” huy động các nguồn lực tôn tạo, xây mới từ đường, phần mộ, duy trì việc giỗ chạp trong họ, dịch thuật, tục biên, biên soạn gia phả, các hình thức khuyến thiện, khuyến học... 

Cũng là những biểu hiện của tính cộng đồng làng xã, nhiều loại phường hội tình nghĩa, tương tế ra đời như hội đồng hương, đồng môn, đồng ngũ, các phường hội nghề nghiệp, phường hiếu, phường hỷ hình thành một cách tự phát, hợp rồi lại tan, tan rồi lại hợp... 

Một trong những mặt biểu hiện của sự chấn hưng văn hóa làng là việc chấn hưng các phong tục tập quán như cưới hỏi, mừng thọ, tang ma, giỗ chạp, lễ tết..., trong đó có cả những thuần phong mỹ tục và cả những lệ tục lỗi thời, lạc hậu cùng trỗi dậy với những biểu hiện tiêu cực của lối sống phô trương, thực dụng song hành. Ngoài những hình thức tín ngưỡng dân gian mang tính truyền thống như việc siêng năng hương khói thờ gia tiên, thờ thổ công trong nhà, thờ thổ thần ở miếu xóm, các điện thờ tại gia, thờ ông đống bà đa theo quan niệm “thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”... là việc du nhập các hình thức thờ cúng từ các tỉnh phía Nam tràn ra như việc lập ban thờ thần tài trong nhà hoặc dựng tượng Quan Âm quá hải ở chùa làng... 

Rất cần phải khẳng định là quá trình chấn hưng văn hóa làng ở Thái Bình trong hơn ba thập kỷ qua đã mang lại nhiều giá trị tích cực. Tính tự chủ, tự quản trong các cộng đồng làng xã được chấn hưng. Việc huy động các nguồn lực cộng đồng để xây dựng các thiết chế tín ngưỡng, tôn giáo và các công trình phúc lợi của làng, tổ chức lễ hội, khôi phục các hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian... được dân làng tự giác chăm lo tổ chức thực hiện. Đây là tiền đề thuận lợi để tiến hành xã hội hóa các hoạt động văn hóa - xã hội. Văn hóa dòng họ, văn hóa gia đình được chấn hưng góp phần giáo dục đạo đức, nhân cách cho mỗi thành viên trong hằng số Gia đình - Làng - Nước.

Cũng có thể nhận ra là quá trình chấn hưng văn hóa làng không chỉ là để thỏa mãn nhu cầu tâm linh, nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa mà còn là để tạo sức đề kháng của văn hóa làng với sự xâm thực của các luồng sản phẩm phi văn hóa, phản văn hóa. Đồng thời, quá trình chấn hưng văn hóa làng đã góp phần điều chỉnh, duy trì tính khoan dung khi các thành tố của văn hóa làng tiếp biến cho phù hợp với đời sống hiện tại và tiếp xúc, tiếp thu tinh hoa văn hóa từ bên ngoài vào theo xu thế tất yếu của quá trình mở cửa hội nhập. 

Đương nhiên, quá trình chấn hưng văn hóa bao giờ cũng có hai mặt biểu hiện. Văn hóa làng được chấn hưng trong bối cảnh đất nước đổi mới với nền kinh tế đang từng bước chuyển sang cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa còn nhiều vấn đề chưa định hình bền vững. Lối sống phô trương, thực dụng, coi thường các giá trị nhân văn có cơ hội để hình thành và tồn tại trong nhiều mặt biểu hiện của văn hóa làng, len lỏi vào các công việc hiếu, hỷ của từng gia đình khi ở những cương vị khác nhau; len lỏi vào hội hè, đình đám và các sự kiện của thôn làng ở từng địa phương khác nhau... 

Cũng lại cần phải thấy rằng, hệ giá trị văn hóa làng không phải là những gì nhất thành, bất biến. Sở dĩ vốn văn hóa làng phong phú là vì trong quá trình hình thành và tồn tại, nó đã trải biết bao nhiêu lần di phong, dịch tục bằng việc loại bỏ những yếu tố lạc hậu, lỗi thời cùng với sự tiếp biến các giá trị văn hóa nội sinh để tồn tại, tiếp thu những yếu tố ngoại sinh để phát triển. 

Vấn đề còn lại là, xác định rõ những giá trị tích cực để duy trì, những hạn chế để khắc phục đối với từng biểu hiện cụ thể của các thành tố văn hóa làng đang tồn tại. Đó cũng là một trong những căn cứ khoa học để xây dựng đời sống văn hóa với những chuẩn mực mới phù hợp cuộc sống hiện hành mà vẫn mang hồn cốt của văn hóa làng. Nhận diện đúng giá trị của các thành tố cấu thành hệ giá trị văn hóa vốn là việc làm không mấy dễ dàng. Việc bảo lưu, duy trì và phát huy các thành tố đó bằng những phương thức mới phù hợp với cuộc sống đương đại để phát huy, phát triển lại càng không dễ dàng hơn. 

Thiết nghĩ, để xây dựng được hệ giá trị văn hóa, con người Thái Bình một cách chân xác, khoa học thì một trong những vấn đề cần được quan tâm hàng đầu là chăm lo giải quyết tốt các vấn đề về dân sinh, dân trí, dân chủ, dân tình của mỗi cộng đồng dân cư trong tỉnh sao cho phù hợp và phải thấm đẫm tinh hoa, hồn cốt của giá trị văn hóa làng mà các thế hệ trước đã xây dựng và trao truyền lại. 

Nguyễn Thanh