Thứ 6, 15/11/2024, 22:55[GMT+7]

Phát huy giá trị văn hóa, con người Thái Bình trong quá trình hội nhập và phát triển

Thứ 2, 21/03/2022 | 09:40:25
13,780 lượt xem
Với nguồn gốc khá đa dạng, cư dân Thái Bình đến từ nhiều vùng của đất nước, do vậy trên mảnh đất này đã diễn ra sự giao lưu giữa nhiều cộng đồng dân cư từ nhiều vùng văn hóa, tạo nên một tinh thần khoan dung, hòa hợp để cùng chung sức xây dựng cuộc sống trên mảnh đất mới. Và sau này, con cháu đời nối đời từ quê hương Thái Bình lại tiếp tục có mặt trên khắp các vùng miền của đất nước, mang tinh thần vượt khó đến nhiều nơi khó khăn để khai phá, ngăn sông, lấn biển, xây dựng đất nước.

Múa kéo chữ trong lễ hội truyền thống đền A Sào ( xã An Thái, huyện Quỳnh phụ).

Thuộc khu vực châu thổ Bắc Bộ với khí hậu gió mùa, mật độ sông ngòi dày đặc, lượng mưa lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nhưng bão lụt cũng xảy ra thường xuyên, cho nên cư dân Thái Bình luôn phải lo việc đắp đê, giữ đê và chống lụt. Hoạt động đắp đê chống lũ lụt đòi hỏi sự tập trung nhân lực lớn, vượt phạm vi của một làng, mở rộng ra cả một vùng, một tỉnh. Sự cố kết cộng đồng phát triển từ cấp độ gia đình, làng xã và mở rộng ra hơn nữa. Chính mối quan tâm thường trực hàng nghìn năm để bảo vệ đồng bằng chống lụt đã tạo nên tinh thần yêu quê hương, đất nước đặc biệt của người dân Thái Bình qua nhiều thế hệ.

Màn trống khai hội lễ hội chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư). Ảnh tư liệu

Những điều kiện về tự nhiên, kinh tế, xã hội, lịch sử như vậy là cơ sở hình thành nên con người, văn hóa Thái Bình. Những giá trị đó tạo nên sức mạnh tinh thần giúp người Thái Bình vượt qua nhiều khó khăn trong xây dựng, bảo vệ quê hương và đóng góp cho đất nước, để lại những dấu ấn trong lịch sử dân tộc. Một trong những truyền thống tiêu biểu phải kể đến là tinh thần yêu nước, kiên cường bất khuất, cần cù, sáng tạo trong lao động và truyền thống hiếu học.

Trước hết là truyền thống yêu nước, tinh thần chống giặc ngoại xâm. Đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử hình thành và phát triển của quê hương Thái Bình. Mỗi con người từ những cộng đồng khác di cư đến đây, uống nước ở dòng sông này, ăn những hạt cơm được trồng cấy trên mảnh đất này, trở thành thành viên của vùng đất chứa chan tình người, rộng lòng đón nhận nhiều cảnh đời, nhiều số phận đến vùng đất mới lập nghiệp với mong ước về cuộc sống thái bình. Những con người đó và các thế hệ tiếp theo đã đồng cam cộng khổ, gắn bó với nhau đắp đê trị thủy, đào sông khơi ngòi, thau chua rửa mặn, thoát úng... Hơn ai hết, họ thấu hiểu sự quý giá của từng tấc đất mà các bậc tiền nhân - những người đã biến đầm lầy, vùng hoang vu thành cánh đồng thẳng cánh cò bay. 

Điều đó đã hun đúc nên tình yêu quê hương tha thiết, ý chí quyết tâm đứng lên bảo vệ quê hương, đất nước mỗi khi có một thế lực bên ngoài đến xâm lược và trở thành truyền thống bất khuất, kiên cường, yêu nước, chống giặc ngoại xâm của người Thái Bình. Trong thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, nhiều người con Thái Bình đã nô nức đầu quân dưới trướng của Bát Nạn tướng quân đánh giặc Hán. Đến thế kỷ VI, Thái Bình là một trong những căn cứ của cuộc khởi nghĩa Lý Bí. Nhà Trần khởi nghiệp trên đất Thái Bình, mảnh đất này trở thành địa bàn chiến lược quan trọng trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên; những địa danh A Sào, Hải Thị, Lộng Khê, Đào Động... đã đi vào lịch sử oai hùng của dân tộc.

Truyền thống kiên cường, bất khuất đó một lần nữa được tôi luyện trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp thế kỷ XIX và các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc sau này. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngay từ những năm 30 của thế kỷ XX, phong trào đấu tranh cách mạng đã bùng lên mạnh mẽ với các cuộc biểu tình của nông dân Tiên Hưng, Duyên Hà, Tiền Hải, gây tiếng vang lớn. Nhiều người con của quê hương Thái Bình đã ghi những dấu ấn trong lịch sử dân tộc bằng tinh thần yêu nước, quả cảm, sẵn sàng xả thân hy sinh cho Tổ quốc. Cũng với tinh thần yêu nước đó, những người ở hậu phương miệt mài lao động sản xuất làm nên “Quê hương năm tấn” trong khói lửa chiến tranh, làm nên danh hiệu Thái Bình “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” nức lòng cả nước, động viên tinh thần chiến đấu, sản xuất của nhân dân cả nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Thứ hai là đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, sáng tạo trong lao động. Xưa kia con người di cư về vùng đất mới đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Họ dám bỏ làng xóm cũ vốn gắn bó từ lâu đời, vượt ra khỏi quan niệm nhỏ hẹp về quê cha đất tổ, về nơi chôn nhau cắt rốn, nơi chôn cất mồ mả tổ tiên. Đến nơi đất mới ven biển, họ phải quật thổ bồi cơ, khai phá đất hoang, đào sông khơi ngòi, đắp đê, chống bão lụt..., biết bao việc phải làm để giành sự sống. Quá trình vật lộn với thiên nhiên ấy càng làm cho đức tính cần cù, chịu thương chịu khó được tôi luyện thêm và truyền từ đời này sang đời khác. Ở bất cứ hoàn cảnh nào, người Thái Bình luôn hăng say lao động sản xuất. Bằng sức lao động cần cù, bền bỉ và sáng tạo, người dân Thái Bình đã biến miền đất hoang dã ngập mặn thành phì nhiêu màu mỡ, tạo điều kiện tích cực cho nghề trồng lúa, mở rộng địa bàn cư trú, thuần dưỡng đất đai canh tác, phát triển ngành nghề, sáng tạo ra nhiều giá trị văn hóa, đóng góp vào kho tàng chung của di sản văn hóa dân tộc.

Thứ ba là truyền thống hiếu học. Là mảnh đất cách xa kinh thành Thăng Long nhưng Thái Bình đã đóng góp cho lịch sử khoa bảng đất nước số lượng các vị đại khoa khá lớn. Theo số liệu thống kê, Thái Bình có hơn 120 vị đại khoa, trong đó có 2 trạng nguyên, 2 bảng nhãn, 3 thám hoa, 26 hoàng giáp, 76 tiến sĩ và phó bảng. Nhiều vị quan người Thái Bình tài cao đức rộng được các triều đình phong kiến tin cậy, giao phó những trọng trách quan trọng như làm chánh sứ, giám khảo các khoa thi. Mảnh đất Thái Bình đã đóng góp cho đất nước nhiều danh nhân trên các lĩnh vực: nhà bác học Lê Quý Đôn, Phạm Đôn Lễ, Ngô Quang Bích, Quách Đình Bảo...

Phát huy giá trị văn hóa, con người Thái Bình giai đoạn hiện nay, ngày 30/1/2019, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU về tăng cường giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Trong đó, xác định những nhiệm vụ để phát huy nguồn lực văn hóa, sức mạnh nội sinh cho sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới, thực hiện được mục tiêu tổng quát Thái Bình cơ bản trở thành tỉnh có nền nông nghiệp, công nghiệp hiện đại. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng xác định chú trọng phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Thiết thực cụ thể hóa những chủ trương đó cần nhân lên nguồn lực văn hóa mà cốt lõi là lòng yêu nước, tinh thần cần cù, sáng tạo và ham học hỏi của người Thái Bình, tạo nên sự cố kết, đồng thuận trong cộng đồng. Xây dựng con người Thái Bình trung thực, có năng lực, biết tích lũy nguồn lực văn hóa, tri thức khoa học công nghệ, tinh thần sáng tạo, tinh thần vì cộng đồng, đất nước, khả năng đối thoại, hợp tác, cùng chung sống với các cộng đồng khác để hội nhập, học hỏi, tiếp thu và phát triển. Trên tinh thần tự phê phán, tự phản tỉnh về mình, thế hệ trẻ hiện nay sẽ khắc phục tâm lý tự ti, dễ thỏa mãn với kết quả đạt được để hình thành nên khát vọng nâng cao tri thức, học tập suốt đời; biết suy nghĩ độc lập và tự chịu trách nhiệm; có tư duy cởi mở với cái mới, không ngại đương đầu với thách thức; năng động, sáng tạo; nỗ lực tiếp cận và vận dụng những kiến thức tiên tiến nhất của khoa học công nghệ thế giới phục vụ phát triển quê hương, đất nước; rèn luyện thể lực; tu dưỡng cả kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và đạo làm người.

Những giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa, con người Thái Bình trong lịch sử chỉ được phát huy trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là nó không chỉ dừng lại ở trạng thái lý tưởng mà phải thẩm thấu vào trong lối sống của từng cá nhân, cộng đồng, chuyển hóa thành các hành vi trong các hoạt động và quan hệ ứng xử khi có một môi trường xã hội từ gia đình, nhà trường và cộng đồng lành mạnh, với những chính sách đồng bộ, để không ngừng nuôi dưỡng và phát huy những giá trị đạo đức, định hướng cho lý tưởng sống của mỗi cá nhân. Trách nhiệm đó đang đặt lên vai những cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị các cấp của tỉnh. Với tinh thần năng động, sáng tạo và khát vọng cống hiến cho quê hương, đất nước của những người con Thái Bình ở quê hương cũng như trên khắp mọi miền Tổ quốc và cả ở nước ngoài, chúng ta có quyền hy vọng về một tương lai tươi sáng cho sự phát triển bền vững của quê hương, của từng cá nhân, từng gia đình để thực sự cuộc sống trên mảnh đất này luôn thái bình theo đúng nghĩa của nó.

TS. Lê Xuân Kiêu
(Trung tâm Hoạt động Văn hóa
Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám)