Thứ 6, 15/11/2024, 23:01[GMT+7]

Nguồn nhân lực văn hóa ở Thái Bình

Thứ 2, 21/03/2022 | 10:00:40
9,619 lượt xem
Trong thư gửi các họa sĩ nhân triển lãm hội họa đăng trên báo Cứu Quốc số 1986, ngày 5/1/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Quan điểm này của Bác đã được Đảng, Nhà nước ta vận dụng, phát triển phù hợp với tình hình thực tiễn của sự nghiệp cách mạng ở từng thời kỳ.

Lễ hội rước kiệu chùa Phượng Vũ, thôn Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư. Ảnh: Duy Đông

Tại hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu khẳng định những quan điểm nhất quán và ngày càng hoàn thiện của Đảng ta về vai trò, vị trí của văn hóa; khẳng định những thành tựu đã đạt được về văn hóa qua các thời kỳ cách mạng, đặc biệt là trong những năm đổi mới. Đồng thời, Tổng Bí thư cũng đã chỉ ra những mặt hạn chế, yếu kém về văn hóa trong những năm gần đây, trong đó nhấn mạnh: “Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí. Phát triển các lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất. Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người… Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới. Công tác giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài chưa mạnh; tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại còn hạn chế; chưa coi trọng đúng mức và có biện pháp tích cực để giữ gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc; nhiều khi bắt chước nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, không có chọn lọc (nói nặng ra là “vô văn hóa”, “phản văn hóa…”)”. Những hạn chế, yếu kém trên đây có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng do chủ quan là chính, trong đó có nguyên nhân từ sự bất cập, sa sút về nhận thức, năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa.

Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc trong thời kỳ mới, Tổng Bí thư đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nội dung: “Đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hóa”. Hội nghị Văn hóa toàn quốc cũng đề ra 10 giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế yếu kém, trong đó có 2 giải pháp liên quan trực tiếp đến nguồn nhân lực văn hóa trong thời kỳ mới: “Hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa” và “Phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, văn nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý; cho các lĩnh vực then chốt, đặc thù”. Trước khi diễn ra hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 12/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1909/QĐ-TTg về việc phê chuẩn Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, trong đó có nhiệm vụ “Tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật”.

Từ định hướng của hội nghị Văn hóa toàn quốc và những nhiệm vụ được xác định trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, liên hệ với thực trạng văn hóa và nguồn nhân lực văn hóa ở Thái Bình có thể thấy hàng loạt vấn đề đang đặt ra, đòi hỏi phải đổi mới công tác xây dựng, phát triển nguồn nhân lực văn hóa để đáp ứng được nhu cầu của thời kỳ mới.

Trước tiên, cần khẳng định từ truyền thống đến hiện tại, tiềm năng phát triển nguồn nhân lực sáng tạo văn hóa ở Thái Bình vô cùng dồi dào, phong phú. Từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, đội ngũ cán bộ văn hóa, văn nghệ sĩ Thái Bình ngày thêm hùng hậu. Ngoài lực lượng trực tiếp làm văn hóa ở tỉnh thì dường như ở hầu hết các cơ quan, đơn vị văn hóa, nghệ thuật từ trung ương đến các tỉnh, thành phố vào thời điểm nào cũng đều có con em Thái Bình; trong đó có những văn nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước ở nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật; sáng tác, biểu diễn, sân khấu, ca nhạc, điện ảnh... Vào thời điểm nào cũng có hàng chục người Thái Bình là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của ngành văn hóa, từ thứ trưởng đến các cục, vụ, viện và giám đốc sở văn hóa thông tin các tỉnh, thành phố. Ở thời kỳ đổi mới, nguồn nhân lực văn hóa của Thái Bình ngày càng tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng.

Trong mấy thập niên qua, nguồn nhân lực văn hóa ở Thái Bình được bổ sung chủ yếu từ 2 nguồn chính. Một là nguồn từ các cơ sở đào tạo chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật ở trung ương bổ sung về. Hai là nguồn cán bộ, văn nghệ sĩ do Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật (CĐVHNT) Thái Bình đào tạo và đào tạo lại. Trong đó, nguồn thứ hai chiếm số đông. Riêng đội ngũ công chức văn hóa xã, phường, thị trấn hiện đang công tác ở Thái Bình có xấp xỉ 100% được đào tạo hoặc đào tạo lại ở Trường CĐVHNT Thái Bình. Các lĩnh vực đào tạo gồm cán bộ quản lý văn hóa, cán bộ thuộc một số lĩnh vực chuyên ngành như thư viện, bảo tàng, mỹ thuật, âm nhạc; đặc biệt là đào tạo diễn viên, nhạc công chèo và đào tạo giáo viên nhạc họa của Trường CĐVHNT Thái Bình từng được khẳng định là thế mạnh, là điểm sáng. Những thập niên gần đây, Trường đã liên danh, liên kết với các cơ sở đào tạo có danh tiếng ở trung ương để đào tạo các chuyên ngành văn hóa ở bậc đại học, cao học. Nguồn nhân lực văn hóa ở Thái Bình được đào tạo và đào tạo lại từ Trường CĐVHNT Thái Bình về cơ bản có sở trường, thế mạnh là được trang bị những tri thức về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Thái Bình do các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu và các nghệ nhân, nghệ sĩ gạo cội của tỉnh trao truyền cho.

Tuy nhiên, thực trạng sự nghiệp phát triển văn hóa và nguồn nhân lực trực tiếp làm văn hóa ở Thái Bình cũng đang bộc lộ khá nhiều hạn chế, bất cập. Đội ngũ cán bộ làm văn hóa tuy đông nhưng chưa mạnh; năng lực, trình độ chuyên môn chưa đồng đều; nguồn nhân lực có chuyên môn nghiệp vụ giỏi còn trống vắng ở một số lĩnh vực. Những cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài để bổ sung cho nguồn lực văn hóa của tỉnh chưa đủ sức hấp dẫn. Nội dung, phương thức và những chế định về đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực còn bất cập… Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế này có ở tất cả các khâu: tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nguồn nhân lực.

Riêng về việc sử dụng, trọng dụng nguồn nhân lực văn hóa ở Thái Bình, thường vẫn có một vấn đề đặt ra: Thái Bình vốn là nơi sinh ra nhiều tài năng văn hóa nhưng tại sao những tài năng đó cứ phải ra ngoài tỉnh mới có đất dụng võ, mới thăng hoa, thành tài được. Có một thực tế là, mấy thập niên qua, hầu hết cán bộ văn hóa, văn nghệ sĩ từ Thái Bình chuyển lên Hà Nội hoặc đến các tỉnh, thành phố công tác đều thành đạt. Nhiều người có học hàm, học vị; một số trở thành chuyên gia hàng đầu của các chuyên ngành hoặc cán bộ lãnh đạo cấp cục, vụ; hầu hết có đời sống kinh tế khá giả, chủ yếu do thu nhập từ các hoạt động chuyên môn của mình. Sự phân định đãi ngộ đối với nghệ sĩ, trí thức ở trung ương khác với địa phương khi cùng một chức danh, cùng tham gia một hoạt động văn hóa, không phải là không có ở Thái Bình. Ở từng mức độ khác nhau, tâm lý hướng thượng của người Thái Bình đã làm vơi đi nhiệt huyết sáng tạo, cống hiến của những người con đang sinh sống làm văn hóa ở quê. Đó là chưa kể đến tâm thế ứng xử của lãnh đạo với cán bộ văn hóa, văn nghệ sĩ. Về vấn đề này, xin hãy lưu tâm đến lời phát biểu thấm đậm tính nhân văn, tính khoa học của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị Văn hóa toàn quốc: “Với cán bộ văn hóa, không ai toàn diện nhưng tôi mong các cán bộ đều cố gắng thành tấm gương văn hóa. Tôi kêu gọi tất cả lãnh đạo, không chỉ lãnh đạo văn hóa, hãy bằng hành động cụ thể chú trọng đến văn hóa, đó là lắng nghe ý kiến chuyên gia trước khi đưa ra các quyết định của mình trong lĩnh vực mình quản lý, không chỉ lĩnh vực văn hóa”.

Các trò chơi dân gian được lưu truyền và tái hiện trong các lễ hội ở Hưng Hà. Ảnh tư liệu

Muốn tạo được bước đột phá phát triển nguồn nhân lực văn hóa trong thời kỳ mới ở Thái Bình, có lẽ việc cần khởi động trước tiên là các cơ quan hữu quan trong tỉnh phải tiến hành khảo sát, rà soát, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực văn hóa hiện có trong tỉnh; thực trạng của hệ thống cơ chế, chính sách của tỉnh về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nguồn nhân lực văn hóa và việc vận dụng cơ chế, chính sách đó theo những tiêu chí thích hợp để xây dựng một đề án hoặc một chương trình hành động mang tiêu đề: Đổi mới toàn diện công tác xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của sự nghiệp xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển văn hóa trong thời kỳ mới ở Thái Bình. Trong đề án hoặc chương trình hành động này có thể đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:

Một là, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đào tạo, tuyển dụng, bồi dưỡng, sử dụng, trọng dụng nguồn nhân lực văn hóa; trong đó chú trọng những cơ chế, chính sách thu hút tài năng văn hóa để bổ sung cho nguồn nhân lực, nhất là văn nghệ sĩ, chuyên gia văn hóa ở các lĩnh vực đặc thù.

Hai là, đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực văn hóa đáp ứng yêu cầu hội nhập, chuyển đổi số. Đẩy mạnh thu hút nhân lực chất lượng cao làm việc trong các thiết chế văn hóa như: Trường CĐVHNT Thái Bình, Nhà hát Chèo Thái Bình, thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa...  

Ba là, có chính sách đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật và công nghệ cho các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật; khuyến khích xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình đào tạo văn hóa, nghệ thuật.

Bốn là, đổi mới phương thức đào tạo, hoàn chỉnh hệ thống chương trình, giáo trình, tài liệu tham khảo cho các loại hình văn hóa, nghệ thuật. Nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục của các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật và các cơ sở giáo dục đào tạo khác có chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về văn hóa, nghệ thuật.

Năm là, khuyến khích nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia giảng dạy; tăng phụ cấp giảng dạy, phụ cấp biểu diễn cho giảng viên, nghệ sĩ, nghệ nhân, nhất là các bộ môn nghệ thuật truyền thống ở Thái Bình như chèo, múa rối nước...

Để thực hiện đúng với quan điểm, chủ trương của Đảng ta “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” thì sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa ở Thái Bình còn đang có không ít vấn đề cần được đặt ra, bàn tới. Nhưng có lẽ, một trong những bước đi thiết yếu cần được triển khai ngay là chăm lo xây dựng nguồn nhân lực văn hóa đủ mạnh để đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi.

Nguyễn Thanh