Bảo tồn và phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Phóng viên: 10 năm trước, tháng 12/2012, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngay sau đó, tỉnh Phú Thọ đã triển khai chương trình hành động quốc gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Hồ Đại Dũng: Đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã được UNESCO vinh danh, tỉnh Phú Thọ cam kết và triển khai thực hiện tốt chương trình hành động quốc gia. Hàng năm, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng luôn được tổ chức thành kính, trang nghiêm theo nghi lễ truyền thống. Thành công lớn nhất trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản chính là từ Khu di tích lịch sử Đền Hùng - trung tâm thực hành nghi lễ tín ngưỡng - với sự hội tụ sâu sắc nhất nghĩa “đồng bào”, ý thức nguồn cội của hàng triệu triệu người dân đất Việt và sự lan tỏa mạnh mẽ từ trung tâm Nghĩa Lĩnh không chỉ đến các di tích thờ Hùng Vương, danh tướng Hùng Vương trong tỉnh Phú Thọ mà còn lan rộng ra các di tích thờ Hùng Vương trong và ngoài nước, đều đồng loạt tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch trang nghiêm, trọng thể. Thực hiện công tác đầu tư, tôn tạo, tu bổ xây dựng di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Đền Hùng theo đúng quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngày 22/10/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Khu di tích lịch sử Đền Hùng là khu du lịch quốc gia. Trở thành khu du lịch quốc gia có ý nghĩa rất lớn đối với thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút đầu tư và xây dựng các sản phẩm du lịch, nhất là sản phẩm du lịch phát huy tiềm năng, giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và các di sản liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Qua đó lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa đến đồng bào và du khách quốc tế về giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - di sản quý báu của dân tộc.
Đến thời điểm hiện tại, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã và đang được bảo tồn và phát huy theo đúng những cam kết trong chương trình hành động quốc gia nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.
Phóng viên: Như đồng chí vừa cho biết, tỉnh Phú Thọ đã triển khai rất kịp thời chương trình hành động quốc gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Cụ thể, tỉnh đã tập trung vào những nội dung nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Hồ Đại Dũng: Để nâng cao vai trò của cộng đồng, chủ thể sáng tạo, bảo tồn gìn giữ và phát huy giá trị di sản, tỉnh Phú Thọ đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được tham gia vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, bảo tồn các tập quán tín ngưỡng, nhất là trong các dịp Lễ hội Đền Hùng mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm. Khuyến khích việc trao truyền, thực hành nghi lễ, tín ngưỡng cho các thế hệ. Vào những kỳ lễ hội, các nghi thức tế lễ được giới thiệu, nhận diện giá trị và hướng dẫn việc thực hành cho những người trực tiếp tham gia, đặc biệt là lớp trẻ thông qua các cuộc tập huấn về tín ngưỡng và thực hành nghi lễ. Tỉnh đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục nghiên cứu, kiểm kê khoa học các di tích thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn tỉnh và cả nước. Thông qua kiểm kê nắm bắt tổng thể và thực trạng không gian tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để có biện pháp bảo tồn, khôi phục và phát huy. Song song với đó, công tác tổ chức sưu tầm, bổ sung các truyền thuyết, nghi thức, trò diễn dân gian liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt cũng được quan tâm triển khai thực hiện. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, các cơ quan chuyên môn phối hợp cùng cộng đồng các địa phương tổ chức nghiên cứu, kiểm kê khoa học các di tích thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn; xây dựng ngân hàng dữ liệu về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Tỉnh cũng đã xây dựng đề án “Xây dựng Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam”. Chú trọng bảo tồn và phát huy hai di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ và hát Xoan Phú Thọ.
Nâng cao ý thức trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan địa phương và cộng đồng dân cư trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản; xây dựng các chương trình văn hóa, giáo dục để phổ biến trên các phương tiện truyền thông của trung ương và địa phương nhằm giới thiệu, phổ biến, quảng bá, tuyên truyền về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; UBND tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khu di tích lịch sử Đền Hùng phối hợp tổ chức chương trình giáo dục đưa di sản vào trường học. Đổi mới và nâng cao nội dung chương trình học Lịch sử, Ngữ văn, chú trọng giáo dục phổ biến, nâng cao nhận thức về giá trị và sự cần thiết bảo vệ di sản, về các truyền thuyết lịch sử và về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cho học sinh...
Du khách thập phương hành hương về Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Phóng viên: Lễ hội Đền Hùng gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một trong những hình thức biểu đạt tập trung nhất của tín ngưỡng thờ Tổ. Theo đồng chí, việc tổ chức Lễ hội Đền Hùng có ý nghĩa như thế nào để tỉnh Phú Thọ tiếp tục thực hành cam kết với UNESCO về bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương?
Đồng chí Hồ Đại Dũng: Lễ hội Đền Hùng là biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, là dịp quan trọng để mọi người dân hành hương tìm về nguồn cội, tưởng nhớ công ơn của các Vua Hùng. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc, khẳng định mọi người Việt Nam thuộc mọi dân tộc, mọi tầng lớp, dù già trẻ, gái trai, dù đang sinh sống ở Việt Nam hay ở nước ngoài đều có chung một cội nguồn, chung một ngày Giỗ Tổ vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm đã trở thành điểm hẹn tâm linh của mỗi người dân nước Việt. Việc tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được đặc biệt chú trọng, nhằm giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh công đức các Vua Hùng đã có công dựng nước và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương giờ đây trở thành ngày hội văn hóa của toàn dân tộc, có ý nghĩa vô cùng sâu sắc trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng để tri ân tổ tiên, gắn kết cộng đồng và cầu mong tổ tiên phù hộ cho quốc thái, dân an. Đó cũng chính là bản thể, cội nguồn sự hình thành, kết nối của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, từ gia đình đến dòng họ, đến quốc gia, dân tộc. Sự cố kết chặt chẽ ấy chính là sức mạnh bền vững để tạo nên giá trị bản sắc riêng có của dân tộc Việt Nam và của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Lễ hội Đền Hùng còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và nó đã khiến cho cả thế giới phải vị nể ý thức nguồn cội của mỗi người Việt Nam.
Phóng viên: Đã tròn 10 năm tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được vinh danh. Từ đó đến nay, chúng ta đã đạt được nhiều thành tích quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Xin đồng chí cho biết, thời gian tiếp theo nhiệm vụ bảo vệ, gìn giữ được đặt ra như thế nào đối với tỉnh Phú Thọ để tiếp tục lan tỏa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong đời sống đương đại?
Đồng chí Hồ Đại Dũng: Để tiếp tục lan tỏa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ trong đời sống cộng đồng, trong giai đoạn tới tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai một số nội dung trọng tâm: Tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, tập hợp các truyền thuyết, nghi lễ, diễn xướng dân gian; khôi phục và bảo tồn các lễ hội liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Tuyên truyền, vận động làm chuyển biến, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về di sản văn hóa phi vật thể tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là tài sản quý giá của nhân loại và vai trò, trách nhiệm của họ trong việc bảo vệ, phát huy các giá trị to lớn của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Phát huy vai trò của cộng đồng là một giải pháp quan trọng và bền vững trong việc bảo tồn di tích nhằm hướng đến mục đích: Mỗi người dân vừa là người tham gia bảo vệ vừa là người thụ hưởng những giá trị của di sản văn hóa mang lại. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến, quảng bá về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, các giá trị văn hóa vùng Đất Tổ... đến tất cả các cấp, các ngành và nhân dân toàn tỉnh, du khách trong và ngoài nước, thông qua đó cộng đồng nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ, tu bổ, tôn tạo các di tích nơi thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Tập trung xây dựng, phê duyệt quy hoạch hệ thống các di tích liên quan đến thờ cúng Hùng Vương, các tướng lĩnh thời Hùng Vương bảo đảm chủ động, khoa học, hiệu quả... Đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa, gắn bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa với phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ văn hóa vừa có năng lực, trình độ vừa có tâm huyết, là cơ sở quan trọng, là nguồn lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cả trước mắt và lâu dài. Hoạch định và thực hiện nhiều biện pháp, cơ chế, chính sách nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Tin cùng chuyên mục
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
- Đoàn đại biểu chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” thăm di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo 02.12.2023 | 19:08 PM
- Khai mạc “Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ IV - 2023” 23.11.2023 | 02:46 AM
- Thành phố bình xét thôn tổ dân phố văn hóa năm 2023 09.11.2023 | 19:31 PM
- Tối nay (26/10): Truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba 26.10.2023 | 14:28 PM
- Tọa đàm Âm nhạc Thái Bình trong thời kỳ đổi mới 12.10.2023 | 16:30 PM
- Gần 1000 tác phẩm cây cảnh tham gia triển lãm sinh vật cảnh Trà Khê 19.05.2023 | 22:17 PM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai