Thứ 7, 23/11/2024, 17:54[GMT+7]

Điện ảnh Cách mạng Việt Nam: Thành tựu, cơ hội, thách thức

Thứ 5, 14/03/2013 | 14:38:56
3,763 lượt xem
60 năm qua, Điện ảnh Cách mạng Việt Nam phát triển cùng đất nước, với hàng trăm tác phẩm đủ các thể loại: phim truyện, phim thời sự tài liệu, phóng sự ghi nhanh, phim hoạt hình, phim thiếu nhi… và nhận được nhiều giải thưởng quốc tế.

Ngày 15/3/1953, tại khu Đồi Cọ thuộc xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập “Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam”. Tháng 7/2009, tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Đảng cho phép lấy ngày 15/3 là “Ngày Điện ảnh cách mạng Việt Nam”.

Song hành với lịch sử dân tộc

Dấu mốc quan trọng đầu tiên của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam là bộ phim truyện Chung một dòng sông ra đời năm 1959, gắn với sự hình thành của Xưởng Phim truyện Việt Nam. Nhiều bộ phim giai đoạn này có sự chuẩn mực của mỗi khuôn hình, sức biểu cảm của hình ảnh và cách dàn dựng hợp lý như: Vợ chồng A Phủ, Con chim vành khuyên, Chị Tư Hậu, Đường về quê mẹ, Vĩ tuyến 17 - ngày và đêm, Em bé Hà Nội... Bên cạnh các phim về chiến tranh, một số phim thành công với đề tài xây dựng miền Bắc XHCN như Chuyện vợ chồng anh Lực, Đến hẹn lại lên...

Cùng với thời gian, đề tài của phim ngày càng mở rộng, phản ánh mọi khía cạnh của đời sống xã hội, đời sống tâm lý con người. Sau năm 1975, các nghệ sĩ đã sáng tác nhiều bộ phim có tính hình tượng, tính khái quát cao như: Cánh đồng hoang, Mẹ vắng nhà, Bao giờ cho đến tháng Mười, Chuyện cổ tích cho tuổi 17…

Thời kỳ đổi mới cũng là thời kỳ thành công của các tác phẩm điện ảnh về đủ đề tài, kể cả trong thể loại phim truyện và phim tài liệu. Đáng chú ý là các phim: Cô gái trên sông, Tướng về hưu, Gánh xiếc rong, Tuổi thơ dữ dội, Cỏ lau, Lưỡi dao, Ngã ba Đồng Lộc, Vào Nam ra Bắc, Hà Nội 12 ngày đêm... Đời cát, Ai xuôi vạn lý, Bến không chồng, Cây bạch đàn vô danh, Hoa của trời, Thương nhớ đồng quê, Thung lũng hoang vắng, Canh bạc... 

Phim tài liệu giai đoạn đổi mới cũng có sự chuyển hướng vững chắc trong cách tiếp cận cuộc sống và liên tiếp giành được giải thưởng tại 4 kỳ LHP châu Á - Thái Bình Dương như các phim: Trở lại Ngư Thuỷ, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai, Chị Năm khùng và Chốn quê. Các phim Nơi chiến tranh đã đi qua và Vì cuộc sống bình yên cũng được trao giải thưởng tại các liên hoan quốc tế khác.

Cơ hội và thách thức

Trong vòng một thập kỷ trở lại đây, điện ảnh nước nhà có sự phát triển rõ rệt về thể loại và xu hướng làm phim. Bên cạnh các phim truyền thống, dòng phim giải trí thương mại do các hãng phim tư nhân sản xuất, trong đó có phim của các đạo diễn Việt kiều về nước xuất hiện ngày càng nhiêu. Thời xa vắng, Mùa len trâu, Áo lụa Hà Đông, Dòng máu anh hùng… của các đạo diễn Việt kiều là những dấu ấn đáng ghi nhận bên cạnh các phim truyền thống - cách mạng: Đừng đốt, Mùi cỏ cháy hay phim nghệ thuật Chơi vơi, Trăng nơi đáy giếng…

Điện ảnh Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức. Cơ hội lớn nhất là các nghệ sĩ được tạo thả sức sáng tạo, có cơ hội giao lưu, gặp gỡ với các nghệ sĩ quốc tế dễ dàng hơn. Việc ra đời các hãng phim tư nhân cũng thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh năng động hơn. Hiện ở nước ta đã có hàng chục hãng phim tư nhân bước đầu xây dựng được quy trình khép kín: sản xuất - phát hành - sở hữu rạp. 

Mặc dù vậy, thách thức là không nhỏ. Do khó khăn về kinh phí, nên mỗi năm cả nước chỉ sản xuất được khoảng một chục phim truyện. Trong khi đó, con đường liên kết với nước ngoài hoặc chính các đơn vị tư nhân bỏ tiền ra làm phim cũng mới đang ở những bước mở đầu.

Chúng ta cũng chưa có một hệ thống tài chính, hệ thống hạ tầng cơ sở đủ để bảo đảm sản xuất phim đạt tiêu chuẩn quốc tế, hệ thống rạp chiếu phim thống nhất trên toàn quốc. Sự thiếu chuyên nghiệp là một trở ngại lớn cho sự phát triển của nền điện ảnh nước nhà trong cơ chế thị trường.

Bên cạnh đó, việc thiếu đồng bộ ở nhiều khâu sẽ làm giảm sức cạnh tranh của điện ảnh Việt Nam. Về mặt kỹ thuật, hầu hết các phim đều phải in tráng ở Thái Lan, thậm chí ở Australia… Trong khi đó không phải là chúng ta thiếu máy móc nhưng lại thiếu nhân lực để sử dụng. Thêm nữa, chúng ta vân đang thiếu đội ngũ những người làm phim chuyên nghiệp (diễn viên, đạo diễn...). Bên cạnh đó, ta còn thiếu kịch bản hay, đặc biệt là các kịch bản có tính khái quát cao, có tính nhân văn sâu sắc, nhân vật có tâm lý đa dạng.

Trong khi điện ảnh các nước coi thị trường ngoài nước rất quan trọng thì các nhà làm phim Việt Nam chưa thành công trong việc giới thiệu điện ảnh Việt Nam ở nước ngoài do còn thiếu chuyên nghiệp và chưa đạt được những tiêu chuẩn của điện ảnh thế giới.

Điện ảnh Việt Nam muốn hội nhập được cần phải hội nhập từ quan niệm, mà trước hết, cần quan niệm điện ảnh là một lĩnh vực mang lại nhiều lợi nhuận, chứ không phải là lĩnh vực cần cứu trợ. Đã đến lúc điện ảnh không thể “sống như thời bao cấp”. Đó là tư duy cần thay đổi.

Theo chinhphu

  • Từ khóa