Hoạt động văn nghệ dân gian ở Thái Bình
Trên phạm vi toàn quốc nói chung và ở Thái Bình nói riêng, từ sau năm 1954 trở lại đây, ở từng thời kỳ, thời điểm khác nhau, với quy mô và hình thức khác nhau, các lĩnh vực hoạt động VNDG như đã nêu trên vốn vẫn tồn tại và đã trải những thăng trầm theo dòng lịch sử. Đã có một thời nhiều loại hình văn hóa cổ truyền bị đố kỵ, thậm chí bị ngăn cấm hoạt động. Chính vì vậy, cho đến nay có khá nhiều hình thức diễn xướng dân gian đã bị mai một hẳn, nhiều nghệ nhân dân gian đã qua đời mà không có cơ hội được trao truyền lại vốn nghề cho thế hệ sau.
Hơn 30 năm trở lại đây, từ khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, cách nhìn nhận và ứng xử với các giá trị văn hóa truyền thống được cởi mở, thông thoáng hơn, khách quan và khoa học hơn nên các hoạt động VNDG có thời cơ được chấn hưng, phát huy. Lễ hội cổ truyền “bùng nổ”, hội làng lần lượt được khôi phục kéo theo sự phục hồi các hình thức tín ngưỡng dân gian, diễn xướng dân gian. Khá nhiều hình thức hoạt động mang tính tâm linh đậm tính nhân văn cổ truyền đã bị lãng quên vào những thập kỷ trước, nay được làm thức dậy. Sự chấn hưng này đã góp phần làm cho đời sống văn hóa, đời sống tâm linh của các tầng lớp nhân dân ngày thêm phong phú, lành mạnh hơn. Những tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch văn hóa của Thái Bình được nhận diện rõ nét hơn.
Mặt khác, các hoạt động VNDG cũng chính là đề tài, là chất liệu, là nguồn cảm hứng bất tận cho sự sáng tạo của giới văn nghệ sĩ đã và đang hoạt động ở các loại hình văn học nghệ thuật khác như: văn học, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh…
Do đặc điểm hình thành đất đai và cư dân nên kho tàng văn hóa truyền thống của Thái Bình là vô cùng phong phú. Cư dân Thái Bình vốn là sự hội tụ đa cực của các luồng cư dân tứ xứ. Theo khảo sát về gia phả của các dòng họ trong tỉnh thì đa phần cư dân Thái Bình có nguồn gốc từ tất cả các tỉnh thành trong khu vực châu thổ Bắc Bộ và một bộ phận đáng kể có nguồn gốc từ các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc hoặc từ Thanh Hóa, Nghệ An ra, chủ yếu vốn làm nghề đánh cá sau về hợp cư, định cư trên đất Thái Bình.
Do vậy, văn hóa truyền thống của Thái Bình là sự hỗn dung sắc thái văn hóa nhiều vùng miền của đất nước và đã được Thái Bình hóa trong điều kiện môi sinh của một vùng đồng bằng sông nước. Sắc thái văn hóa truyền thống nổi trội của Thái Bình là văn hóa của cư dân ở một vùng duyên hải có kinh tế nông nghiệp sớm phát triển trong hoàn cảnh đất chật người đông. Đó là một trong những tiền đề tạo cho Thái Bình trở thành một vùng VNDG phong phú, đa dạng. Đó là mảnh đất mỡ màu để cho những người có tâm huyết sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa châu thổ sông Hồng tìm đến.
Các hoạt động VNDG đã giúp cho việc xác định được định tính, định lượng, giá trị của từng loại hình di sản văn hóa bao gồm cả di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể của Thái Bình. Từ thành tựu của hoạt động VNDG trong những thập niên qua đã cho thấy di sản văn hóa vật thể của Thái Bình vô cùng phong phú, đa dạng. Đến nay toàn tỉnh còn lưu giữ được 2.969 di tích, bao gồm nhiều loại hình như đình, chùa, đền, từ, miếu, phủ, văn chỉ, từ đường, khảo cổ học… Trong số đó, đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa gồm có: chùa Keo, đền thờ và khu lăng mộ các vua Trần là hai di tích quốc gia đặc biệt, 223 di tích cấp quốc gia, 583 di tích cấp tỉnh. Các di tích trên địa bàn tỉnh được phân bố tương đối tập trung và hình thành một số cụm, tạo thuận lợi cho việc thiết lập các tua, tuyến du lịch văn hóa ở Thái Bình như cụm di tích thành phố Thái Bình và phụ cận; cụm di tích Diêm Điền và phụ cận; cụm di tích ở Hưng Nhân - Hưng Hà và phụ cận; cụm di tích ở thị trấn Tiền Hải và phụ cận…
Về di sản văn hóa phi vật thể, đến nay toàn tỉnh đã khôi phục được 585 lễ hội, trong số đó có 11 lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định đưa vào danh mục phi vật thể quốc gia. Nhiều lễ hội còn duy trì được những trò chơi trò diễn dân gian cùng những lễ thức tín ngưỡng đặc sắc, có sức cuốn hút đông đảo du khách từ tỉnh ngoài tìm về như các hội chùa Keo (Vũ Thư); đền Đồng Bằng, đền A Sào (Quỳnh Phụ); đền Trần, đền Tiên La (Hưng Hà); đền Đồng Xâm (Kiến Xương)… Hai đặc sản văn hóa phi vật thể là chèo và múa rối nước cùng với 58 hình thức diễn xướng dân gian cổ truyền mang đậm nét văn hóa văn minh sông Hồng còn duy trì được là những thế mạnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các loại hình du lịch sinh thái kết hợp với các hoạt động VNDG và thưởng thức các sản phẩm của địa phương.
Nhìn vào quang cảnh chung của tiến trình hoạt động VNDG hơn nửa thế kỷ qua trên phạm vi cả nước, chúng ta hoàn toàn có đủ cơ sở tự tin để nhận định rằng các hoạt động này trên địa bàn Thái Bình là rất khả quan. Dưới nhiều hình thức khác nhau, các hoạt động VNDG ở Thái Bình đã không chỉ góp phần vào việc nhận diện và khơi dậy tiềm năng, tiềm lực về sáng tạo văn hóa của vùng đất, con người Thái Bình, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa ở Thái Bình mà còn có những đóng góp đáng ghi nhận vào sự nghiệp chung của cả nước.
Về lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu thì Thái Bình là một trong số ít tỉnh thành trong cả nước đã triển khai một cách khá toàn diện các mặt biểu hiện của VNDG. Hàng loạt các công trình sưu tầm, nghiên cứu ở Thái Bình đã được công bố dưới nhiều hình thức khác nhau từ trung ương đến địa phương như: văn học dân gian, lễ hội, hương ước, chèo cổ, múa dân gian, ẩm thực dân gian, địa danh dân gian, nghề thủ công cổ truyền, văn hóa dòng họ, văn hóa làng… Tùy mức độ khác nhau, những công trình này không chỉ trực tiếp bổ sung, trang bị những tri thức cụ thể, thiết yếu về từng loại hình văn hóa phi vật thể cho công chúng, góp phần định hướng, tạo đà khôi phục và bảo lưu vốn liếng VNDG trong từng cộng đồng mà còn góp phần đích thực vào việc quảng bá du lịch để cho người Thái Bình và người ngoài tỉnh thêm hiểu, thêm yêu quê hương Thái Bình hơn.
Về các hoạt động khôi phục, bảo lưu, phát huy các giá trị VNDG ở Thái Bình phải kể đến sự khôi phục và truyền dạy, duy trì các hình thức diễn xướng dân gian như múa ông Đùng bà Đà ở làng Quang Lang (Thái Thụy), múa Bệt ở làng Vọng Lỗ (Quỳnh Phụ), múa Bát Dật ở làng Lộng Khê, múa kéo chữ ở một số làng thuộc huyện Quỳnh Phụ, múa Giáo cờ giáo quạt ở làng Thượng Liệt (Đông Hưng)… Thông qua hoạt động của Chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Thái Bình đã tìm được một số nguồn kinh phí phi chính phủ để hỗ trợ khôi phục, bảo lưu, truyền dạy các điệu múa trên và các hoạt động khác như hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà thờ tổ Chèo tại làng Khuốc (Đông Hưng), khôi phục, truyền dạy các hình thức diễn xướng dân gian như: hát văn, ca trù, chèo cổ ở một số địa phương trong tỉnh.
Khó có thể thống kê một cách đầy đủ các hoạt động VNDG trên địa bàn Thái Bình trong những thập kỷ qua, nhưng điều cần khẳng định hơn cả là những hoạt động đó đã góp phần thiết thực, có hiệu quả vào quá trình giữ gìn, chấn hưng, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở Thái Bình. Hy vọng là, các hoạt động VNDG ở Thái Bình sẽ ngày thêm được quan tâm hơn và sẽ góp phần có hiệu quả hơn vào sự nghiệp xây dựng phát triển văn hóa, con người ở Thái Bình trong thời kỳ mới.
Nguyễn Thanh
Tin cùng chuyên mục
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
- Đoàn đại biểu chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” thăm di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo 02.12.2023 | 19:08 PM
- Khai mạc “Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ IV - 2023” 23.11.2023 | 02:46 AM
- Thành phố bình xét thôn tổ dân phố văn hóa năm 2023 09.11.2023 | 19:31 PM
- Tối nay (26/10): Truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba 26.10.2023 | 14:28 PM
- Tọa đàm Âm nhạc Thái Bình trong thời kỳ đổi mới 12.10.2023 | 16:30 PM
- Gần 1000 tác phẩm cây cảnh tham gia triển lãm sinh vật cảnh Trà Khê 19.05.2023 | 22:17 PM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai