Thứ 6, 15/11/2024, 17:41[GMT+7]

Rằm tháng 7 nhớ về tổ tiên, nguồn cội

Thứ 5, 11/08/2022 | 08:18:39
13,731 lượt xem
Rằm tháng 7 theo tín ngưỡng dân gian là ngày xá tội vong nhân, theo quan niệm của Phật giáo là ngày lễ Vu Lan. Dù mang ý nghĩa gì thì tựu trung, đó là ngày của nghĩa tình, ngày của lòng biết ơn và là một trong những hoạt động văn hóa lâu đời.

Rằm tháng 7 - ngày của lòng biết ơn.

Trong khi lễ Vu Lan đề cao lòng hiếu thảo, đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ với nghi thức “bông hồng cài áo” thì lễ xá tội vong nhân lại là sự ban phước cho các cô hồn chưa được siêu thoát. Theo tín ngưỡng dân gian, ngày rằm tháng 7 là ngày “mở cửa địa ngục”, vì vậy mọi gia đình đều cúng chúng sinh để bố thí cho các cô hồn không nơi nương tựa, không ai thờ cúng và mong ước họ được siêu sinh. Với những giá trị tinh thần to lớn, rằm tháng 7 góp phần duy trì và củng cố đạo đức gia đình, đề cao chữ hiếu, nhắc nhở đạo làm con của mỗi người, đồng thời thể hiện lòng bao dung, vị tha với đồng loại, với những người không may mắn. 

Vào ngày này, các gia đình, họ tộc sẽ đến nghĩa trang thắp hương cho người đã khuất, “mời” tổ tiên, người thân về sum họp. Bên cạnh việc mua sắm thực phẩm, nhà nào cũng lo sửa sang, bài trí ban thờ, chuẩn bị chu tất lễ cúng rằm tháng 7 bằng cả tấm lòng thành kính. Tại các gia đình, ngoài mâm cỗ với đầy đủ các món để cúng tổ tiên còn có thêm gạo, muối, hạt nổ, cháo hoa... để ban phát cho những cô hồn lưu lạc.

Mỗi dịp rằm tháng 7 cũng là thời điểm mọi thành viên trong gia đình, dòng họ sum họp, cùng nhớ về ông bà, tổ tiên với tình cảm thiêng liêng, trân quý, thăm hỏi sức khỏe, công việc làm ăn, học hành của con cháu gần xa. Việc phát lộc, ăn rằm bởi thế mà diễn ra trong không khí quây quần, đầm ấm. Đời nối đời, nét đẹp truyền thống nhân văn này vẫn đang được gìn giữ trên tinh thần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa cổ truyền.

Cũng như nhiều người, sau 2 năm không về thăm quê vào dịp rằm tháng 7 bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay bà Phạm Thu Hường, hiện đang sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh đã sắp xếp thời gian về thăm phần mộ tổ tiên và cùng đại gia đình ở xã Hồng Phong (Vũ Thư) chuẩn bị tươm tất cho lễ cúng tại nhà và dâng hương, tham dự các nghi lễ tại chùa. Bà Hường chia sẻ: “Như cây có cội, như sông có nguồn”, ngày lễ này là dịp hướng về nguồn cội, nhớ về ông bà tổ tiên, cũng là dịp người cao tuổi trong dòng họ, trong gia đình bảo ban con cháu giữ nền nếp gia phong, gia tộc của tổ tiên, gia đình, dòng họ. Bởi vậy, dù có sinh sống, làm việc ở nơi đâu thì đến ngày rằm tháng 7 cũng phải về thăm quê để dâng nén tâm nhang thành kính.

Nhà thờ họ Tạ, xã Tây Giang (Tiền Hải) được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1990, mỗi dịp rằm tháng 7 đều diễn ra hoạt động tế lễ với sự tham gia của trưởng các chi tộc và thành viên trong dòng họ. Ông Tạ Văn Toàn, Trưởng ban trị sự dòng họ Tạ, xã Tây Giang cho biết: Năm nào cũng vậy, lễ dâng hương tại nhà thờ họ được diễn ra trang nghiêm, thành kính vào sáng ngày rằm tháng 7. Nhiều con cháu của dòng họ nay sinh sống ở các tỉnh, thành phố trong cả nước dù xa xôi vẫn về dâng hương tổ tiên. Đây là dịp giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho con cháu.

Ngày rằm tháng 7 như sợi dây gắn kết tình cảm, kéo gần lại những tấm lòng luôn hướng về nhau của các thành viên trong gia đình, họ tộc. Các nghi lễ có thể giản tiện để phù hợp hơn với nhịp sống hối hả thường nhật nhưng đó vẫn luôn là thời gian để gặp gỡ, sum vầy, để nhắc nhớ mỗi người về truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời nay của dân tộc.

Tú Anh