Giữ gìn nét đẹp truyền thống ngày tết Trung thu
Ngày tết của thiếu nhi
Từ thành thị tới nông thôn, trung thu luôn là ngày tết được trẻ nhỏ háo hức mong chờ. Trong tiềm thức, trung thu của lũ trẻ ở làng quê không có đồ chơi hiện đại, cũng chẳng có bánh trái đắt tiền, chỉ có đoàn múa lân rộn ràng đầu ngõ, những tiếng í ới gọi nhau lên nhà văn hóa thôn, hay sân đình xem các anh chị biểu diễn văn nghệ cùng vài chiếc kẹo rực rỡ sắc màu, những chiếc đèn lồng, đèn ông sao đơn sơ từ vỏ lon do bố mẹ, ông bà làm cho. Vậy là đã đủ một ngày tết trọn vẹn niềm vui. Thật đáng mừng, dù xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống có ngày một đủ đầy hơn, trẻ em có điều kiện tiếp xúc với nhiều luồng văn hóa khác nhau nhưng tục đón tết Trung thu cổ truyền từ ngàn xưa vẫn luôn được gìn giữ và bảo tồn. Niềm rạo rực, mong chờ tết Trung thu đến bắt đầu từ cuối tháng 7 âm lịch và càng gần tới rằm tháng 8, không khí chuẩn bị càng diễn ra nhộn nhịp trong tâm trạng vui tươi, háo hức của trẻ nhỏ. Các em được tập văn nghệ, chuẩn bị cho hội thi thường diễn ra vào tối ngày 14/8 âm lịch, được cùng các anh chị đoàn viên thanh niên trang trí trại trung thu, được cầm trên tay những chiếc đèn lồng, đèn ông sao vui hội đêm rằm...
Sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mọi hoạt động vui trung thu phải diễn ra trong không gian nhỏ gọn, năm nay, các trường học, địa bàn dân cư đều tổ chức cho trẻ nhỏ vui tết Trung thu với nhiều hoạt động bổ ích, lý thú.
Chị Phạm Thị Quỳnh Trang, phường Đề Thám (thành phố Thái Bình) chia sẻ: Ngay sau khi kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kết thúc, các con bắt đầu năm học mới là bố mẹ đều rất tất bật để cùng với nhà trường chuẩn bị cho một ngày tết Trung thu trọn vẹn niềm vui. Tại trường học của con có tổ chức cắm trại ở sân trường nên trước tết Trung thu khoảng 2 tuần, các bậc phụ huynh đã rục rịch tìm mẫu trại sao cho độc đáo, bắt mắt nhất, chuẩn bị những dụng cụ cần thiết để trang trí gian trại thật đẹp, thật đủ đầy. Càng gần ngày tết Trung thu, không khí càng hối hả hơn, có lẽ bởi cùng chuẩn bị cho tết Trung thu của con, bố mẹ cũng như được trở về với tết Trung thu của tuổi thơ mình.
Cùng chung quan điểm, bà Nguyễn Tú Linh, phường Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình) cho biết: Bố mẹ đều bận mải nên ông bà cũng bắt tay vào việc cùng trang trí trại trung thu cho các cháu. Với mong muốn đưa những nét đẹp trong tết Trung thu cổ truyền đến gần hơn với các cháu, gian trại được trang trí với những vật dụng như chõng tre, mẹt tre, mặt nạ giấy bồi, đèn lồng, đèn ông sao, những chiếc trống con và cả những chiếc tò he rực rỡ sắc màu. Cùng với mâm ngũ quả còn có chú cún xinh được kỳ công tỉa từ quả bưởi, cháu nào cũng rất thích thú.
Bé Lại Thanh Hằng, 4 tuổi, phường Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình) hào hứng cho biết: Gần đến tết Trung thu, con được tập múa, tập hát các bài như “Chiếc đèn ông sao”, “Rước đèn trung thu”, “Vầng trăng cổ tích”... được nghe kể chuyện về chú Cuội, chị Hằng, được đi xem trại trung thu, được múa sư tử, chơi trò chơi dân gian... Con rất mong chờ trung thu vì sẽ được gặp chú Cuội và chị Hằng, được biểu diễn văn nghệ cho các bạn cùng xem.
Nỗ lực mang tết Trung thu đến với các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã có nhiều hoạt động ý nghĩa.
Ông Mai Xuân Trường, Chủ tịch Hội chia sẻ: Hội phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức đêm hội “Vầng trăng yêu thương” tại Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh vào tối ngày 12/8 âm lịch. Trong đêm hội này, 60 em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như trẻ mồ côi, các em bị phơi nhiễm chất độc hóa học, khuyết tật được trao tặng bánh trung thu và 500.000 đồng tiền mặt. Món quà tuy không lớn nhưng là sự động viên về tinh thần đối với các em nhỏ, đặc biệt trong ngày tết của thiếu nhi. Ngoài ra, cũng trong dịp này, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh phối hợp với nhóm thiện nguyện Tâm Sen tới tận nhà để trao quà cho 5 em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các huyện, thành phố trong tỉnh với hỗ trợ 4.800.000 đồng/năm. Mong rằng, với trẻ em dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, tết Trung thu vẫn luôn là ngày rộn ràng niềm vui, với những kỷ niệm thật đẹp và đáng nhớ.
Một mùa Trung thu đặc biệt sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Vẫn còn đó những điều cần suy ngẫm
Tối nào cũng vậy, càng gần đến rằm tháng tám, đường phố càng trở nên đông đúc. Nhiều đoàn múa lân sư đã đi diễu hành dọc các tuyến phố chính. Nếu hoạt động biểu diễn được tập trung tại những nơi được cho phép như quảng trường, công viên thì đã là điều đáng mừng. Nhưng đây, một số đoàn ngang nhiên biểu diễn giữa lòng đường, không những gây ách tắc giao thông, cản trở các phương tiện lưu thông trên đường phố mà còn đốt pháo sáng, thu hút sự hiếu kỳ của người đi đường bằng những động tác nhào lộn, nhảy múa ngay tại giải phân cách giữa lòng đường. Điều đáng nói, hoạt động của một số nhóm múa lân tự phát giữa lòng đường hay tại những khu vực đông dân cư nhằm xin tiền, làm mất đi nét đẹp của văn hóa cổ truyền, đồng thời dẫn tới cách nhìn lệch chuẩn của một số bạn trẻ tham gia vào hoạt động múa lân tự phát. Đối với hoạt động này, nguy cơ mất an toàn giao thông luôn thường trực, nhưng ngoài ra còn là sự mất an toàn cho tâm hồn và cảm xúc của trẻ thơ. Múa lân sẽ ra sao trong mắt trẻ nhỏ nếu gắn với nó là hình ảnh những đứa trẻ khác ngửa nón xin tiền sau mỗi vòng biểu diễn?!
Ngoài ra, vào mỗi dịp tết Trung thu, nhiều tổ dân phố tổ chức những bữa ăn liên hoan nhằm tăng thêm tinh thần đoàn kết. Tuy nhiên, tại một số nơi, thay vì mọi hoạt động xoay quanh trẻ nhỏ - “nhân vật trung tâm” của ngày tết Trung thu, thì lại xuất hiện tình trạng người lớn rượu chè, say xỉn, hát karaoke ầm ĩ với những bài hát không phù hợp lứa tuổi thiếu nhi. Như vậy, thay vì được quan tâm nhiều hơn trong ngày tết này, các em lại bị làm phiền bởi sự nhàm chán và những âm thanh chói tai.
Mặc dù với sự đổi thay của cuộc sống hiện đại, tết Trung thu giờ đây không chỉ là ngày tết dành riêng cho thiếu nhi mà còn là dịp đoàn tụ, sum vầy. Nhưng ở thời nào, trẻ em vẫn luôn là trung tâm của các hoạt động trong tết Trung thu để mọi người cùng hướng tới với tất cả chăm chút, yêu thương. Mong rằng, cuộc sống càng phát triển, những nét đẹp trong ngày tết Trung thu cổ truyền càng cần được lưu giữ và trẻ em dù ở bất cứ lứa tuổi, hoàn cảnh nào cũng luôn nhớ về ngày tết này với những kỷ niệm thật đẹp, thật đáng quý.
Tú Anh
Tin cùng chuyên mục
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
- Đoàn đại biểu chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” thăm di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo 02.12.2023 | 19:08 PM
- Khai mạc “Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ IV - 2023” 23.11.2023 | 02:46 AM
- Thành phố bình xét thôn tổ dân phố văn hóa năm 2023 09.11.2023 | 19:31 PM
- Tối nay (26/10): Truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba 26.10.2023 | 14:28 PM
- Tọa đàm Âm nhạc Thái Bình trong thời kỳ đổi mới 12.10.2023 | 16:30 PM
- Gần 1000 tác phẩm cây cảnh tham gia triển lãm sinh vật cảnh Trà Khê 19.05.2023 | 22:17 PM
Xem tin theo ngày
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai
- UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường