Thứ 6, 15/11/2024, 16:54[GMT+7]

Nhạc sĩ, soạn giả Hoàng Thị Dư: Hương chèo tỏa ngát trời Âu

Thứ 4, 14/09/2022 | 16:35:28
11,232 lượt xem
Hội Yêu nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức và châu Âu ra đời từ năm 2019. Hơn 3 năm qua, đây là ngôi nhà chung của những người con xa quê hương có cùng niềm đam mê với chèo nói riêng, nghệ thuật cổ truyền của dân tộc nói chung. Họ cùng nhau gìn giữ, phát huy và quảng bá giá trị văn hóa ngàn đời của dân tộc Việt Nam ở nước ngoài. Nhạc sĩ, soạn giả Hoàng Thị Dư - người con của quê hương Thái Bình chính là người đặt nền móng xây dựng hội và được ví như người “gieo” tình yêu nghệ thuật để chèo “nảy mầm” nơi xứ người.

Chương trình sắc Việt giữa trời Âu do Hội Yêu nghệ thuật truyền thống Việt nam tại CHLB Đức và châu Âu tổ chức cuối tháng 8/2022.

“Say” chèo từ thuở lên ba

Chắc hẳn cái tên Hoàng Thị Dư không còn xa lạ với những người yêu chèo và nghệ thuật truyền thống toàn quốc. Những ca khúc mang âm hưởng dân ca của chị thường xuyên được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam dù chị đang sinh sống và làm việc tại CHLB Đức. Từ làn điệu chèo đến các làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh, xẩm, ca trù, hát văn, cải lương… được chị thổi hồn bằng những ca từ mới mộc mạc, bình dị như “dội” vào lòng người nghe hoài niệm về tuổi thơ và nỗi nhớ quê hương da diết.

Với Hoàng Thị Dư, tài năng của chị không chỉ được rèn rũa trong 4 năm học tập tại Trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam mà được hun đúc từ cái nôi hát chèo Thái Bình và dung dưỡng bởi một gia đình nghệ thuật. Quê nội của chị Dư ở xã Đông Sơn, còn quê ngoại là làng Khuốc, xã Phong Châu (Đông Hưng); bố và anh trai của chị đều là nghệ sĩ ưu tú và công tác tại Nhà hát Tuồng Việt Nam.

Nhạc sĩ, soạn giả Hoàng Thị Dư chia sẻ: Là con nhà nòi nghệ thuật nên ngay từ khi còn bế ngửa, nằm nôi tôi đã được nghe tiếng trống phách, tiếng đàn hát của người thân. Những làn điệu chèo cứ thế ngấm vào tôi, nảy nở thành tình yêu mãnh liệt. Lớn lên tôi quyết tâm theo con đường nghệ thuật của gia đình và có thời gian công tác tại Đoàn Nghệ thuật Công an nhân dân. Vì cuộc sống gia đình, tháng 3/1988, tôi xuất khẩu lao động theo Hiệp định hợp tác lao động với nước ngoài tại Cộng hòa dân chủ Đức và định cư từ đó tới nay.

Những tưởng cuộc sống thăng trầm, vòng xoáy mưu sinh cuốn chị rời xa nghệ thuật nhưng ngược lại chính tiếng chèo ngọt ngào của quê hương lại là “điểm tựa” tinh thần để Hoàng Thị Dư khuây khỏa nỗi nhớ gia đình, nỗi nhớ quê hương nơi xa xứ. Khi cuộc sống dần ổn định, gánh nặng mưu sinh đã vơi bớt, được sự động viên của gia đình, chị Dư bắt đầu sáng tác, soạn lời theo những điệu chèo cổ rồi tự thể hiện trong gia đình hay sự kiện của cộng đồng người Việt ở Đức. Từ chèo, chị tự nghiên cứu, tìm hiểu và lấn sân sang sáng tác các thể loại dân ca khác.       

 Nhạc sĩ, soạn giả Hoàng Thị Dư.

Cần mẫn “ươm mầm” nghệ thuật truyền thống

Cùng với các hoạt động giao lưu, hỗ trợ về kinh tế thì văn hóa, văn nghệ là một món ăn không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Việt ở nước ngoài nói chung, châu Âu nói riêng. Chính vì thế, những ca khúc do nhạc sĩ, soạn giả Hoàng Thị Dư tâm huyết sáng tác đã nhanh chóng được biết tới và lan tỏa. Hơn 30 năm xa quê, chị không nhớ đã sáng tác, soạn lời bao nhiêu ca khúc nhưng khán thính giả trong và ngoài nước đã biết tới một Hoàng Thị Dư đầy nội lực với một tình yêu mãnh liệt, bền bỉ dành cho nghệ thuật truyền thống. Hàng trăm ca khúc do chị sáng tác, soạn lời được các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng thể hiện và phát trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Riêng với quê hương Thái Bình, Hoàng Thị Dư luôn dành một tình cảm thiêng liêng, trân quý và gửi trọn qua các ca khúc chèo như: Thái Bình nỗi nhớ trong ta, Son sắt tình quê, Xuân về nhớ mẹ… Cùng với sáng tác, soạn lời những ca khúc về Đảng, Bác Hồ, quê hương, chị còn sáng tác nhiều ca khúc cổ vũ tinh thần chống dịch Covid-19 của Việt Nam và thế giới thông qua các làn điệu chèo, xẩm, hát văn...

“Niềm vui lớn nhất và là động lực để tôi tiếp tục gìn giữ và trao truyền tình yêu nghệ thuật truyền thống đến với các thế hệ người Việt nơi đất khách quê người chính là những sáng tác của tôi được mọi người trân trọng và đón nhận. Và hơn cả là hoạt động của Hội Yêu nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại CHLB Đức và châu Âu ngày càng đa dạng, hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo người Việt và cả người nước ngoài tại châu Âu tham gia”. Nhạc sĩ, soạn giả Hoàng Thị Dư chia sẻ thêm.

Không chỉ trực tiếp sáng tác, soạn lời ca khúc, chị Dư còn tham gia biểu diễn với các nhạc cụ truyền thống và dàn dựng các tiết mục văn nghệ phục vụ các hoạt động hội đoàn do Đại sứ quán và cộng đồng người Việt sở tại tổ chức. Ngoài ra, chị và các thành viên trong Hội Yêu nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại CHLB Đức và châu Âu còn thường xuyên chia sẻ, giới thiệu về nghệ thuật truyền thống cho con cháu người Việt nơi đây hiểu hơn về văn hóa cội nguồn. Và hơn hết, việc dạy dân ca còn là cách thức hiệu quả trong việc dạy tiếng Việt cho lớp con cháu người Việt định cư ở châu Âu.

Chị Dư tâm sự: Tôi muốn lớp con cháu chúng tôi ở Đức cũng như các nước châu Âu gìn giữ tiếng Việt, truyền thống văn hóa Việt, cốt cách người Việt như một mạch nguồn không thể đứt rời. Mà cách tốt nhất chính là thông qua những làn điệu dân ca cổ truyền của dân tộc.  

Tổ quốc thêm gần

Với trọng trách là người “chèo lái” hoạt động của Hội Yêu nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại CHLB Đức và châu Âu, chị Hoàng Thị Dư đã dành nhiều tâm huyết vận động xây dựng các chi hội. Đến nay, Hội đã có 12 chi hội tại Đức và Việt Nam với hàng trăm hội viên nòng cốt. Họ chính là sợi dây gắn kết, quảng bá văn hóa truyền thống của Việt Nam với các nước châu Âu.

“Trái ngọt” đầu tiên sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 chính là chương trình nghệ thuật "Sắc Việt giữa trời Âu – từ truyền thống đến hiện đại" do Hội Yêu nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại CHLB Đức và châu Âu tổ chức đúng dịp kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 tại Đức đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với cộng đồng người Việt tại châu Âu.

Nhạc sĩ, soạn giả Hoàng Thị Dư thông tin: Chương trình đã thu hút đông đảo các thành viên Hội Yêu nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại CHLB Đức và châu Âu, các ca sĩ và cộng đồng người Việt ở 7 quốc gia (Đức, Hà Lan, Áo, Pháp, Phần Lan, Luxemburg, Séc) tham gia với gần 200 tiết mục đậm đà bản sắc dân tộc. Chương trình là cơ hội để kiều bào và những người yêu nghệ thuật truyền thống Việt giao lưu và chia sẻ, góp phần lan tỏa và gìn giữ những giá trị bản sắc Việt. 

Ông Phạm Văn Hưng, thành viên Hội Yêu nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại CHLB Đức và châu Âu chia sẻ: Nhờ Hoàng Thị Dư mà những người Việt xa quê chúng tôi mới có cơ hội tìm hiểu và yêu mến những làn điệu dân ca, được khoác trên mình những trang phục truyền thống. Biểu diễn ở Đức mà cứ ngỡ như nơi quê nhà. Khi đã “say” với những điệu chèo, điệu ví, câu hò, điệu lý thì việc gìn giữ và phát huy nghệ thuật truyền thống trong cộng đồng người Việt Nam ở châu Âu không dừng ở trách nhiệm và cao hơn là sứ mệnh. 

Mạch ngầm sắc Việt trong lòng người con xa xứ đang chảy cùng dòng chảy lịch sử văn hóa Việt Nam nhờ những người như Nhạc sĩ, soạn giả Hoàng Thị Dư và các thành viên Hội Yêu nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại CHLB Đức và châu Âu. Điều đó minh chứng rằng dù ở bất cứ nơi đâu, trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng với một tình yêu chân thành và nhiệt huyết thì ngọn lửa nghệ thuật truyền thống vẫn cháy mãi.

Hoàng Linh

(Đài TT-TH Đông Hưng)