Thứ 6, 15/11/2024, 15:23[GMT+7]

Ngân vang tiếng hát học trò

Thứ 2, 21/11/2022 | 09:02:54
11,351 lượt xem
Góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong nhà trường, thời gian qua, nhiều hội thi văn nghệ đã thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh các cấp học. Các trường cũng quan tâm đầu tư cho các tiết mục dự thi. Tại hội thi “Giai điệu tuổi hồng” vừa diễn ra, với tài năng và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, học sinh Thái Bình đã xuất sắc đạt giải nhất cụm thi số 2 và sẽ tham dự hội thi “Giai điệu tuổi hồng” toàn quốc vào tháng 12 tới đây.

Các phần thi được dàn dựng công phu, thể hiện tình yêu với mái trường, thầy cô và bạn bè.

Được yêu mến bởi tài năng, giọng hát dân ca ngọt ngào từ khi còn là một cô bé tiểu học tham gia cuộc thi “Tài năng nghệ thuật trẻ Thái Bình” lần thứ nhất với những ca khúc như: “Quê mẹ”, “Lời quê”, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”... nhưng khi đến với hội thi “Giai điệu tuổi hồng” năm nay, em Vũ Thị Huyền Trang, lớp 11A8, Trường THPT Tiên Hưng (Đông Hưng) vẫn tạo nên bất ngờ lớn ở các vòng thi từ cấp huyện, cấp tỉnh tới cấp cụm thi đua số 2. Em xuất sắc chinh phục khán giả, ban giám khảo, trở thành 1 trong 6 giải nhất dành cho tiết mục xuất sắc nhất của cụm thi đua số 2. Lựa chọn thể hiện ca khúc mang âm hưởng dân gian đương đại “Trên đỉnh Phù Vân” của nhạc sĩ Phó Đức Phương, một ca khúc rất khó thể hiện và đã gắn liền với tên tuổi của những nghệ sĩ nổi tiếng như Mỹ Linh, Tùng Dương... nhưng Huyền Trang cho biết em mong muốn qua ca khúc này có thể thể hiện năng khiếu, tố chất và niềm đam mê âm nhạc của mình. 

Huyền Trang hào hứng chia sẻ: Bài hát “Trên đỉnh Phù Vân” thực sự rất khó để thể hiện tốt vì mình phải đặt toàn bộ cảm xúc vào bài hát, những lời hát khi được cất lên như tiếng lòng của chính bản thân mình. Quyết định chọn bài khó như này, em hiểu cũng là tự làm khó mình nhưng em muốn chinh phục thử thách này. Được sự ủng hộ của nhà trường và bố mẹ, em đã tập luyện với thầy cô cùng các bạn, thường là tập sau những giờ học trên lớp. Ngoài thể loại dân ca đương đại, em còn thích thể loại nhạc đỏ và dân ca vì các thể loại này phù hợp với chất giọng, phong cách âm nhạc của em. Em đã yêu thích, luyện tập mảng dân ca này từ rất lâu rồi và thử sức mình với một số cuộc thi khác.

Còn đối với Nguyễn Vũ Tuệ Minh, lớp 11A4, Trường THPT Phụ Dực (Quỳnh Phụ), hội thi “Giai điệu tuổi hồng” là một sân chơi để em có thể thể hiện niềm tự hào với nghệ thuật chèo truyền thống của quê hương Thái Bình. Không có thế mạnh với những làn điệu chèo ngọt ngào, tha thiết nhưng tài năng của Tuệ Minh được thể hiện qua những trích đoạn rất khó trong những vở chèo cổ. 

Tuệ Minh chia sẻ: Em chọn thể hiện làn điệu “Bà chúa con cua”, là 1 phần của trích đoạn “Phù thủy sợ ma” trong vở chèo cổ “Súy Vân”. Đây là đoạn đầu, khi phù thủy xưng danh, với những câu như “Này bà con ơi, tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ? Không xưng danh thì ai biết là ai!” và đây là đoạn để phù thủy thể hiện tài năng của mình là bắt ma. Điểm em yêu thích nhất ở phần thể hiện của mình là trang phục, mặc dù khi mọi người nhìn vào sẽ thấy là rất hài hước. Ngoài ra, ở trích đoạn này em được trình diễn các động tác với trống và phần nào cũng giúp em thể hiện cá tính tinh nghịch của mình.

Đứng sau phần thể hiện thành công của các thí sinh nhỏ tuổi không chỉ là sự bảo ban, định hướng và uốn nắn kịp thời của nhà trường, các thầy cô giáo mà còn là biết bao tâm huyết của cha mẹ. 

Bà Nguyễn Thị Tuyết, mẹ thí sinh Đinh Thị Tuyết Mai đến từ Trường Tiểu học, THCS và THPT Quách Đình Bảo (thành phố Thái Bình) cho biết: Ngay khi biết con có năng khiếu về âm nhạc, gia đình hết sức tạo điều kiện để con có thời gian tham gia các hoạt động do nhà trường tổ chức và cũng gửi gắm con ở Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh để con tham gia câu lạc bộ chèo, học hỏi các thầy cô. Thực ra cuộc thi nào cũng có những áp lực riêng nên gia đình cũng động viên để con có tâm thế tốt nhất bước vào cuộc thi, hoàn thành phần biểu diễn của mình, không phụ công sức tập luyện, dạy dỗ của các thầy cô.

Nhiều học sinh đã lựa chọn thể hiện tài năng ở thể loại âm nhạc dân gian.

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” là dịp để học sinh các trường trên địa bàn tỉnh giao lưu, học tập lẫn nhau và cũng là cơ hội để các em thi đua, thể hiện năng khiếu của mình, đem lời ca, điệu múa cùng những bông hoa điểm tốt, việc tốt kính tặng thầy cô giáo. Đồng thời, tiếp tục minh chứng sinh động cho nỗ lực, quyết tâm của các nhà trường, các thầy cô giáo và các em học sinh thực hiện tốt chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, chú trọng phát triển phẩm chất toàn diện và năng lực của người học.

Với giải nhất toàn đoàn hội thi “Giai điệu tuổi hồng” cấp cụm thi đua số 2, lúc này, các em học sinh của đoàn Thái Bình đang nỗ lực tập luyện, chuẩn bị cho hội thi toàn quốc. Mong rằng, với sự quan tâm, định hướng của ngành giáo dục và các nhà trường, sự ủng hộ của các bậc phụ huynh, đây sẽ là một sân chơi ý nghĩa góp phần giáo dục thẩm mỹ, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường.

Thanh Hằng