Thứ 7, 23/11/2024, 23:42[GMT+7]

Phát hành bộ tem kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"

Chủ nhật, 18/12/2022 | 15:58:06
13,648 lượt xem
Ngày 18/12, Bộ TT&TT, Tổng CTy Bưu điện Việt Nam phát hành bộ tem bưu chính Kỷ niệm 50 năm Trận chiến 12 ngày đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (1972-2022).

Mẫu bộ tem "Kỷ niệm 50 năm Trận chiến 12 ngày đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (1972-2022)".

Vào những ngày này 50 năm về trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân miền Bắc đã tiến hành chiến dịch phòng không, đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B-52 của Mỹ vào thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số vùng phụ cận, làm nên chiến thắng vĩ đại "có một không hai" trong lịch sử - "Điện Biên Phủ trên không" trên bầu trời Hà Nội. Chiến thắng đã đập tan huyền thoại "pháo đài bay" của lực lượng không quân hiện đại bậc nhất thế giới.

Cùng với những thắng lợi to lớn đạt được trên chiến trường miền nam của quân và dân ta, chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" đã góp phần quyết định buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27/01/1973 chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Sau thất bại của chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" (1961 - 1965), đầu năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược "Chiến tranh cục bộ", đưa quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam và sử dụng không quân, hải quân đánh phá ra miền Bắc. Bị thất bại liên tiếp trên cả hai miền Nam - Bắc, ngày 01/11/1968, Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố chấm dứt ném bom, kết thúc cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, đồng thời chuyển sang thực hiện Chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh".

Đầu năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt. Trên cả ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao, ta đều giành thắng lợi to lớn. Chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" của đế quốc Mỹ có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, ngày 06/4/1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon vội vã ra lệnh tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ra miền Bắc với quy mô lớn hơn, tính chất ác liệt, tàn bạo hơn nhiều so với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất. Mỹ sử dụng máy bay chiến lược B-52 đánh phá các tỉnh: Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hoá, Hải Phòng... nhưng đều bị đánh bại; cục diện chiến tranh chuyển hướng có lợi cho ta.

Vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 17/12/1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon ra lệnh mở cuộc tập kích bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc.

Đêm 18/12/1972, không quân Mỹ tiến hành không kích vào Hà Nội, mở đầu chiến dịch Lainơ Béccơ II với cường độ đánh phá vô cùng ác liệt. Các đài phát, các tuyến đường trục trở thành mục tiêu đánh phá liên tục với cường độ cao của máy bay Mỹ. Vừa bảo vệ tài sản, vừa giữ mạch thông tin phục vụ chiến đấu là một thách thức lớn đối với cán bộ công nhân viên các đài, các tuyến. Trong thời kỳ đó, Bưu điện đã góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo duy trì mạng lưới thông tin thông suốt.

Trong dòng chảy của lịch sử, hơn 77 năm lớn lên cùng cách mạng, 50 năm trận chiến lịch sử Hà Nội - Điện Biên phủ trên không, cuộc chiến nào cũng ghi lại những dấu ấn vàng son về sự nỗ lực, tận tụy và hy sinh của đội ngũ của ngành Bưu điện.

Để góp phần tuyên truyền tầm vóc, ý nghĩa của Chiến thắng lịch sử, giáo dục thế hệ trẻ phát huy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, chung sức, đồng lòng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 18/12/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phát hành bộ tem bưu chính "Kỷ niệm 50 năm Trận chiến 12 ngày đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (1972-2022)".

Bộ tem do họa sĩ Nguyễn Du (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế, gồm 01 mẫu giá mặt 4000đ, được cung ứng trên mạng lưới bưu chính từ ngày 18/12/2022 đến ngày 30/6/2024.

Với phong cách đồ họa, màu sắc mạnh mẽ, hình tượng số 50 kết hợp với cột cờ Hà Nội thể hiện quá khứ hào hùng của quân và dân trong Trận chiến 12 ngày đêm khói lửa bảo vệ Thủ đô năm 1972. Phía bên phải của mẫu tem là một Hà Nội vươn mình mạnh mẽ sau chiến tranh, phát triển hiện đại với nhiều công trình mang dấu ấn như Nhà Quốc hội, Cầu Nhật Tân, các cao ốc, trung tâm thương mại, hệ thống cây xanh… Xứng đáng là thành phố vì hòa bình.

Theo vtv.vn