Thứ 6, 15/11/2024, 13:52[GMT+7]

Lặng thầm bảo tồn tín ngưỡng thờ Mẫu

Thứ 2, 09/01/2023 | 08:43:17
18,574 lượt xem
Những ngày giáp tết Nguyên đán Quý Mão 2023, trò chuyện cùng nghệ nhân đồng thầy Hoàng Lê Thêm - thủ nhang đền Buộm, nơi thờ Thánh Mẫu Đông Nhung đại tướng quân Vũ Thị Thục, xã Tân Tiến (Hưng Hà), chúng tôi có ấn tượng sâu sắc về một con người rất đỗi bình dị, đời thường nhưng trong mỗi câu chuyện của ông đều mang đậm giá trị tinh thần, văn hóa của thời đại. Hơn 20 năm qua, ông Thêm miệt mài hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, góp phần gìn giữ, bảo tồn và làm lan tỏa giá trị đích thực di sản văn hóa của dân tộc.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng nên ông Thêm sớm được tiếp thu lý tưởng của Đảng. Đầu năm 1965, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông đã nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường B5 tỉnh Quảng Trị. Sau khi xuất ngũ, ông về công tác tại Công an tỉnh Thái Bình. Năm 1983, ông được điều động về phục vụ tại Công an huyện Thái Thụy, sau đó nghỉ chế độ và trở về địa phương.

Trải qua nhiều cương vị, ông Thêm luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 1990, ông được bầu làm Trưởng ban trụ trì đền Thượng, xã Đông Phương (Đông Hưng) cùng với chính quyền địa phương xây dựng đền khang trang, to đẹp. Với sự nhiệt huyết của mình, cuối năm 2001, theo đề nghị của huyện Hưng Hà và xã Tân Tiến, sự đồng thuận của nhân dân, ông được mời về làm thủ nhang đền Buộm. Đây là ngôi đền nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa đền Tiên La (xã Đoan Hùng và xã Tân Tiến), được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1990. Do chiến tranh và thiên nhiên khắc nghiệt, ngôi đền đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Từ đó ông Thêm cùng chính quyền và nhân dân địa phương đã đứng lên vận động xã hội hóa trùng tu và tôn tạo lại khang trang, to đẹp. Tòa hậu cung là nơi đặt tượng thờ Bát Nạn tướng quân, hệ thống câu đối, đồ thờ, đồ tế khí bằng đồng được sơn son thiếp vàng lộng lẫy; các cung thờ được tạo thành hành lang khép kín, là nơi nhân dân và du khách thập phương đặt hương hoa và cử hành lễ Thánh; hai bên có cổng ra vào, trước án có giếng ngọc thể hiện sự huyền bí. Hàng năm, vào dịp ngày mất của Bát Nạn tướng quân, ngày 17/3 âm lịch, đền Buộm lại mở lễ hội bày tỏ lòng tri ân với những người đã hy sinh vì quê hương, đất nước.

Từ khi về tiếp nhận ngôi đền này, ông Thêm đã hội tụ du lịch văn hóa tâm linh của người dân địa phương và quý khách thập phương, gắn với các nghi lễ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu độc đáo. Trong mỗi buổi lễ, ông Thêm luôn chỉn chu từ trang phục đến cung văn, vũ đạo luôn bảo đảm sự tôn nghiêm, thành kính, thể hiện đúng giá trị tinh thần là ca ngợi công ơn các vị Thánh, Mẫu, tái hiện lại hình ảnh oai hùng của các vị tướng quân đã có nhiều công lao xây dựng và bảo vệ đất nước. 

Ông Thêm cho biết: Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt là di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận nên chúng ta cần phải bảo tồn và gìn giữ những giá trị mà ông cha ta đã để lại. Vì vậy, trong các giá hầu đồng có sự xuất hiện của những nhân vật múa với tính cách khác nhau, đồng thời quy tụ khá nhiều thể loại, đòi hỏi người thể hiện phải hiểu biết lịch sử, tâm linh, có kinh nghiệm chuyên môn và quan trọng hơn là phải nhập tâm vào từng giá hầu. Để bảo tồn di sản văn hóa này, tôi đã truyền dạy thành công cho nhiều người, đồng thời tuyên truyền, vận động các thanh đồng đạo quan thực hành tín ngưỡng theo đúng Luật Di sản văn hóa.

Lễ hội đền Buộm, xã Tân Tiến (Hưng Hà).

Không chỉ chú trọng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, ông Thêm còn tích cực vận động các nguồn xã hội hóa để nâng cấp, tu sửa chỉnh trang đền ngày một khang trang. Được chứng kiến cách ông chỉ đạo công nhân gấp rút hoàn thành cổng đá nguyên khối đền Buộm trước tết Nguyên đán để chuẩn bị cho mùa lễ hội đầu xuân Quý Mão 2023, không ai nghĩ ở cái tuổi ngoài thất thập mà giọng nói của ông vẫn hào sảng và tràn đầy năng lượng đến vậy. Là một nghệ nhân thực hành nghi lễ tín ngưỡng, ông đã có nhiều đóng góp cho việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật tâm linh này. Bản thân ông được cấp bằng chứng nhận “Nghệ nhân vì sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc” và kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp di sản văn hóa Việt Nam”... 

Ông Lê Gia Tứ, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết: Ông Hoàng Lê Thêm đã có nhiều đóng góp cho việc bảo tồn, gìn giữ đền Buộm như ngày hôm nay. Không những thế, những năm qua, ông thường xuyên tham gia các phong trào, hoạt động từ thiện. “Uống nước nhớ nguồn”, ông cùng với chính quyền và dân làng đã phát tâm công đức xây dựng đình, chùa tại địa phương như chùa Nham Lang, đình làng thôn Lương Ngọc. Với những cố gắng không ngừng trong mọi công việc, ông luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao phó.

Giờ đây, mặc dù tuổi đã cao nhưng lúc nào ông Thêm cũng giữ quan điểm của mình, còn sức khỏe thì còn cống hiến cho cộng đồng và gìn giữ nét đẹp văn hóa tín ngưỡng của dân tộc. Dốc một lòng thờ phụng, chăm lo cửa Thánh, cửa Mẫu. Tâm nguyện xây dựng đền Buộm sắp được hoàn thành. Mong muốn nơi đây là địa điểm văn hóa tâm linh để những người thành tâm về lễ bái đã trở thành sự thật. Đó cũng là tấm lòng của người đồng đền vẫn âm thầm tiếp bước tiền nhân, đèn nhang tri ân công đức Phật, Thánh, các đấng bậc thần linh tại đền, gìn giữ nét văn hóa thiêng liêng của đất Việt.

Thanh Thủy