Thứ 6, 15/11/2024, 10:41[GMT+7]

Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam – Những dấu ấn lịch sử

Thứ 4, 01/03/2023 | 08:18:21
10,282 lượt xem
Bằng ngôn ngữ nghệ thuật, các nghệ sĩ đã tái hiện, khẳng định những dấu ấn lịch sử và sức lan tỏa của Đề cương về văn hóa trong suốt chặng đường 80 năm qua.

Tối 28/2, chương trình nghệ thuật đặc biệt Những dấu ấn lịch sử do Bộ VHTTDL, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan liên quan thực hiện kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình có sự tham gia của đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ ban ngành từ trung ương đến địa phương.

Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam – Những dấu ấn lịch sử - Ảnh 1.

Chương trình nghệ thuật Những dấu ấn lịch sử có sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các Bộ, ban ngành từ Trung ương và địa phương.

Phát biểu mở màn chương trình nghệ thuật Những dấu ấn lịch sử, đồng chí Nguyễn Văn Hùng – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - khẳng định 80 năm đã đi qua, hoàn cảnh lịch sử đã có nhiều thay đổi, nhưng những luận điểm, giá trị lý luận, nguyên tắc cốt lõi và giá trị thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam - bản "Tuyên ngôn về văn hóa" đầu tiên này - vẫn còn nguyên sức sống, sức ảnh hưởng của mình. Đồng thời, tiếp tục được vận dụng, kế thừa, bổ sung và hoàn thiện trong đường lối, chủ trương lãnh đạo của Đảng về văn hóa, đó là vai trò, sứ mệnh của văn hóa như nguồn lực nội sinh cho phát triển; sự gắn kết của văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội; ý nghĩa trung tâm của con người là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng của phát triển văn hoá; các nguyên tắc vận động của văn hóa; quá trình chuyển dịch từ ba nguyên tắc dân tộc, khoa học, đại chúng của nền văn hóa cách mạng cho tới các giá trị tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam trong giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế.

Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam – Những dấu ấn lịch sử - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Hùng – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu khai mạc chương trình nghệ thuật Những dấu ấn lịch sử. (Ảnh: BTC)

"Mang sứ mệnh khai thông những mạch nguồn văn hóa của dân tộc, Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 đề cao truyền thống đất nước, con người "sống vững chãi bốn nghìn năm sừng sững/Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa/ Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng/ Sống hiên ngang và nhân ái chan hoà"; thấm sâu vào trái tim của triệu triệu người yêu nước…" – Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định – "…Văn hóa đang từng bước thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, cùng với mặt trận chính trị và kinh tế tạo thế "kiềng ba chân" góp phần đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách vững bước vươn lên".

Khẳng định văn hóa luôn là một dòng chảy liên tục, không ngừng nghỉ, qua những thăng trầm lịch sử của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia và của cả nhân loại. Văn hóa là hồn cốt của mỗi dân tộc, là những giá trị vật chất và tinh thần mà dân tộc đó sáng tạo ra trong lịch sử. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định những tư tưởng lớn - dân tộc – khoa học – đại chúng với tinh thần cách mạng mạnh mẽ, đột phá và tính nhân văn sâu sắc trong đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 đã thổi luồng gió mới, có tác dụng thức tỉnh, thu hút, tập hợp đội ngũ các nhà văn hóa, tri thức, văn nghệ sĩ và đông đảo quần chúng nhân dân. Từ trong khủng hoảng, mất phương hướng, hoài nghi, bế tắc, nhiều văn nghệ sĩ đã được định hướng về trách nhiệm xã hội đi theo ngọn cờ chính nghĩa của Đảng, tham gia cách mạng, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của dân tộc.

Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam – Những dấu ấn lịch sử - Ảnh 3.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại chương trình nghệ thuật Những dấu ấn lịch sử. (Ảnh: BTC)

Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: "80 năm qua, đặc biệt gần 40 năm đổi mới, chúng ta có quyền tự hào về phát triển văn hóa dân tộc và những đóng góp to lớn của lĩnh vực văn hóa, văn nghệ vào công cuộc cứu quốc và kiến quốc. Nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn. Văn hóa Việt Nam có sự thống nhất trong đa dạng và sự hòa quện, kết tinh giữa bản sắc văn hóa các dân tộc anh em ngày càng phát triển mạnh mẽ, gắn với mọi mặt của đời sống, hướng tới phục vụ nhu cầu chính đáng của nhân dân. Được bảo tồn, phát huy từng bước trở thành động lực, nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội". 

"Truyền thống văn hóa như suối nguồn nuôi dưỡng tạo nên nét đẹp, phong cách con người Việt Nam" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói tiếp - "Văn hóa, văn học nghệ thuật nước nhà đã trở thành vũ khí đấu tranh sắc bén trên mặt trận tư tưởng…".

Trong giai đoạn phát triển mới với tình hình thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, mang lại những cơ hội, vận hội mới nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với công tác bảo tồn, phát triển văn hóa, văn nghệ, những biểu hiện phi văn hóa, phản văn hóa đang diễn biến hết sức phức tạp, cạnh tranh trong lĩnh vực văn hóa trở nên khốc liệt hơn…, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhận định nhiệm vụ quan trọng của mỗi người dân Việt là gìn giữ, bảo tồn, phát triển nền văn hóa dân tộc bền vững, phù hợp với xu thế của thời đại. Đó là nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tất cả vì con người và vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc. Để làm được mục tiêu đó, cần sự chung sức, đồng lòng, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra….

Thủ tướng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ những định hướng lớn, quan điểm xuyên suốt, đồng thời phát triển, bổ sung, làm phong phú, sâu sắc hơn nữa những nội dung trong Đề cương về văn hóa Việt Nam; quán triệt, triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc: "Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội"; "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước".

Cũng theo Thủ tướng, cần nâng cao hơn nữa nhận thức và hành động để văn hóa thực sự thẩm thấu sâu sắc vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tăng cường huy động, phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực nhà nước và xã hội để phát triển toàn diện văn hóa, để văn hóa, con người thực sự là sức mạnh nội sinh của dân tộc; tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về văn hóa; đầu tư thích đáng cả nguồn lực con người, vật chất cho phát triển văn hóa theo chiều sâu, nhanh, bền vững; tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh phục vụ nhân dân, môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số, công dân số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình văn hóa, văn nghệ, văn học nghệ thuật; bảo tồn và phát huy các giá trị độc đáo, khác biệt của văn hóa dân tộc; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam.

Thủ tướng cũng đề nghị đẩy mạnh truyền thông, quảng bá về văn hóa, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc thù, đặc trưng của Việt Nam có sức cạnh tranh quốc tế. "Nền văn hóa của dân tộc Việt Nam - với lịch sử hàng nghìn năm - đã và sẽ là sức mạnh trường tồn của dân tộc; như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", Thủ tướng nhắc lại.




Nhiều tiết mục nghệ thuật được dàn dựng đặc sắc và mang thông điệp ý nghĩa (Ảnh: BTC)

Chương trình nghệ thuật đặc biệt Đề cương về văn hóa Việt Nam – Những dấu ấn lịch sử với nội dung gồm 3 chương: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi; Văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa; "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn". Trong mỗi nội dung, khán giả đã được chứng kiến những tiết mục được dàn dựng công phu, hoành tráng, đặc biệt là quy tụ những nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng: NSND Quốc Hưng, Trọng Tấn, Viết Danh, Phạm Thu Hà, Thu An, Thu Hằng, Đào Tố Loan, Xuân Hảo, Đức Tuấn, Đinh Trang, Hoàng Tùng, Nhóm Phương Nam, Vũ đoàn Mây... Đặc biệt, có hai ca khúc được Ban tổ chức đặt hàng nhạc sĩ viết riêng cho chương trình là Ngọn đuốc soi đường (lời : NSND Trần Bình, nhạc: Đức Trịnh), Văn hóa trường tồn cùng dân tộc (Trọng Đài) được dàn dựng ấn tượng và cũng là những điểm nhấn của chương trình.

Khép lại chương trình nghệ thuật là những tiết mục được dàn dựng công phu như Liên khúc Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam; Bay qua biển Đông; Xuân và tuổi trẻ; Liên khúc Văn hóa soi đường cho quốc dân đi - Việt Nam ơi, ta bước tiếp... Chương trình đã góp phần làm nổi bật, khẳng định giá trị, vai trò, sức lan tỏa của Đề cương về văn hóa trong suốt chặng đường 80 năm qua. Đồng thời phản ánh những thành tựu mà văn hóa Việt Nam đã đạt được dưới ánh sáng của bản Đề cương và đường lối văn hóa của Đảng.

Hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam của Đảng là dịp để các cấp các ngành, toàn thể nhân dân Việt Nam, trong đó có những người thực hành văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ thấm nhuần sâu sắc hơn ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị to lớn, sự trường tồn và tầm ảnh hưởng sâu rộng của Đề cương trong công cuộc kháng chiến kiến quốc cũng như công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Nhìn lại để tiến xa hơn, tiếp thêm sức mạnh trước kết quả bước đầu sau hơn một năm thực hiện 6 nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, để quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ "Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế" mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra.

Một số hình ảnh từ chương trình nghệ thuật Những dấu ấn lịch sử:

Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam – Những dấu ấn lịch sử - Ảnh 5.

Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam – Những dấu ấn lịch sử - Ảnh 6.

Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam – Những dấu ấn lịch sử - Ảnh 7.

Biểu diễn trống hội chào mừng tại chương trình nghệ thuật Những dấu ấn lịch sử (Ảnh: TTXVN)

Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam – Những dấu ấn lịch sử - Ảnh 8.

Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam – Những dấu ấn lịch sử - Ảnh 9.

Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam – Những dấu ấn lịch sử - Ảnh 10.

Chương trình gồm những tiết mục ca, múa, nhạc được dàn dựng công phu, hoành tráng, với sự góp mặt của những nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng. (Ảnh: TTXVN)

Theo vtv.vn