Phát huy sức mạnh giá trị văn hóa, con người, phát triển Thái Bình nhanh, bền vững
Những giá trị văn hóa, con người Thái Bình
Những điều kiện về tự nhiên, kinh tế, xã hội trong suốt quá trình tạo lập và phát triển là cơ sở hình thành nên mảnh đất Thái Bình giàu truyền thống lịch sử văn hóa, trở thành sức mạnh tinh thần giúp con người Thái Bình vượt qua nhiều khó khăn trong công cuộc xây dựng, bảo vệ quê hương và đóng góp cho đất nước nhiều thành tựu to lớn, để lại những dấu ấn sâu sắc trong lịch sử dân tộc. Trong những truyền thống tiêu biểu của con người nơi đây phải kể đến tinh thần yêu nước, cần cù trong lao động và tinh thần hiếu học.
Truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử hình thành và phát triển của quê lúa Thái Bình. Trong thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, nhiều người con Thái Bình đã nô nức theo Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Đến thế kỷ VI, vùng đất Thái Bình là một trong những căn cứ của cuộc khởi nghĩa Lý Bí, góp phần vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa và công cuộc bảo vệ nhà nước Vạn Xuân non trẻ. Đến thời Trần, mảnh đất Thái Bình cũng là địa bàn chiến lược quan trọng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông; những địa danh A Sào, Lộng Khê, Đào Động... đã đi vào lịch sử oai hùng của dân tộc. Trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc sau này, truyền thống yêu nước được tiếp nối, từ đó bùng lên những phong trào cách mạng mạnh mẽ.
Trong suốt lịch sử hình thành và phát triển miền đất trẻ, quá trình con người phải vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt làm cho đức tính cần cù, chịu thương chịu khó được tôi luyện và truyền từ đời này sang đời khác. Qua đó, người dân Thái Bình đã biến miền đất hoang dã, ngập mặn thành phì nhiêu màu mỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho nghề trồng lúa, mở rộng địa bàn cư trú, thuần dưỡng đất đai canh tác, phát triển ngành nghề, sáng tạo ra nhiều giá trị văn hóa, đóng góp vào kho tàng chung của di sản văn hóa dân tộc. Hành trình chinh phục miền đất trẻ cũng buộc con người nơi đây phải không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, đây cũng là điều kiện để hình thành nên truyền thống hiếu học của đất và người Thái Bình.
Theo số liệu thống kê, Thái Bình có hơn 120 vị đại khoa, trong đó có 2 trạng nguyên, 2 bảng nhãn, 3 thám hoa, 26 hoàng giáp, 76 tiến sĩ và phó bảng. Mảnh đất Thái Bình đã đóng góp cho đất nước nhiều danh nhân trên các lĩnh vực như nhà bác học Lê Quý Đôn, Phạm Đôn Lễ, Ngô Quang Bích, Quách Đình Bảo... Những truyền thống tốt đẹp đã trở thành sức mạnh nội sinh cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh qua các thời kỳ.
Hội thi giã bánh dày tại lễ hội đền A Sào tưởng nhớ công lao Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.
Phát huy sức mạnh giá trị văn hóa, con người
Trong quá trình cùng đất nước đổi mới, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, con người, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã có nhiều chủ trương và cơ chế, chính sách về phát triển các giá trị văn hóa, sức mạnh con người. Năm 2019, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về tăng cường giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng của quê hương Thái Bình cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Nghị quyết số 04-NQ/TU và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, tạo được những chuyển biến nhất định trong đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ngày càng tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng, phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa thực hiện nghiêm theo quy định của Luật Di sản văn hóa và các quy định của pháp luật có liên quan; việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được cấp ủy, chính quyền và nhân dân quan tâm đầu tư và huy động nguồn lực xã hội hóa. Là 1 trong 2 địa phương hiện đang lưu giữ bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Ban Quản lý di tích chùa Keo đã có kế hoạch bảo vệ đặc biệt Hương án chùa Keo - hiện vật gốc độc bản, còn khá nguyên vẹn.
Ông Đỗ Ngọc Trung, Trưởng ban Quản lý di tích chùa Keo cho biết: Chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức trực quan và qua các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân hiểu được giá trị đặc sắc của bảo vật quốc gia. Tại di tích, nhất là trong những ngày diễn ra lễ hội, có đông người dân về dâng hương tế lễ, Ban Quản lý di tích cùng lực lượng chức năng thường xuyên nâng cao công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống cháy, nổ để gìn giữ bền vững, phát huy tốt nhất giá trị của bảo vật cho muôn đời sau.
Bên cạnh đó, phong trào văn nghệ quần chúng phát triển khắp ở các địa phương. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 2.000 câu lạc bộ đã tích cực cổ vũ, động viên quần chúng sáng tạo, khai thác, truyền bá các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Trước sự mai một của làng chèo Sáo Đền - một trong ba làng chèo cổ của tỉnh Thái Bình, tháng 12/2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND huyện Vũ Thư tổ chức lớp tập huấn truyền dạy nghệ thuật chèo ở nơi đây. Sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương cùng tinh thần tham gia sôi nổi của bà con nhân dân tạo nên niềm tin và hy vọng về việc phục dựng làng chèo cổ đã từng vang danh, nức tiếng trong lòng người yêu chèo cả nước.
Ông Phạm Quang Tám, thành viên câu lạc bộ chèo Sáo Đền chia sẻ: Là người con của quê hương đã từng có những nghệ nhân nổi tiếng về chèo cổ, chúng tôi mong muốn đóng góp phần nhỏ bé của mình để gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể. Tôi sẽ nỗ lực tập luyện để truyền lại nghệ thuật chèo cho lớp kế cận, duy trì nét văn hóa quê hương.
Với điểm tựa là truyền thống lịch sử, cách mạng của quê hương, tài nguyên văn hóa, con người của Thái Bình khi được khai thác đúng hướng, hiệu quả, không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa Thái Bình phát triển nhanh, bền vững mà còn quảng bá rộng rãi hình ảnh, những bản sắc độc đáo, riêng có của con người và vùng đất nơi đây tới bạn bè trong nước, quốc tế.
Đại tá Bùi Đình Nho, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Nhân kỷ niệm 133 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình, tôi trân trọng trao tặng Bảo tàng tỉnh 80 tài liệu, hiện vật, hình ảnh. Đây là những hiện vật tôi và đồng đội đã sử dụng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; chiến lợi phẩm thu được tại nơi đóng quân; kỷ vật tôi được tặng, được cấp phát trong thời gian học tập tại Liên Xô và những hiện vật thời kỳ bao cấp. Mong muốn những kỷ vật cũng như những câu chuyện xoay quanh mỗi kỷ vật sẽ giúp mỗi thế hệ, đặc biệt người trẻ thêm hiểu những đóng góp to lớn của người Thái Bình trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thêm trân trọng những thành quả to lớn của công cuộc đổi mới đất nước.Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nhiệm vụ trọng tâm của ngành văn hóa trong thời gian tới là phối hợp với các cơ quan, đơn vị hoàn thành việc xây dựng hồ sơ nghệ thuật chèo đồng bằng sông Hồng trình UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao đời sống tinh thần của người dân ở cơ sở, tập trung vào xây dựng các mô hình nhà văn hóa, câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Nâng cao công tác bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai các đề án về số hóa di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, tập trung bảo tồn di tích gắn với phát triển du lịch. Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành trong việc tuyên truyền, giáo dục nhằm khơi dậy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước cho nhân dân. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa để đưa văn hóa phát triển lành mạnh phục vụ người dân Thái Bình. |
Tú Anh
Tin cùng chuyên mục
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
- Đoàn đại biểu chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” thăm di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo 02.12.2023 | 19:08 PM
- Khai mạc “Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ IV - 2023” 23.11.2023 | 02:46 AM
- Thành phố bình xét thôn tổ dân phố văn hóa năm 2023 09.11.2023 | 19:31 PM
- Tối nay (26/10): Truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba 26.10.2023 | 14:28 PM
- Tọa đàm Âm nhạc Thái Bình trong thời kỳ đổi mới 12.10.2023 | 16:30 PM
- Gần 1000 tác phẩm cây cảnh tham gia triển lãm sinh vật cảnh Trà Khê 19.05.2023 | 22:17 PM
Xem tin theo ngày
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai
- UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Kiểm điểm tập thể, cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh năm 2024