Chủ nhật, 24/11/2024, 04:51[GMT+7]

Văn học nghệ thuật chuyển mình

Thứ 4, 05/04/2023 | 08:29:08
11,830 lượt xem
Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, qua chặng đường sáng tạo và phát triển, văn học nghệ thuật (VHNT) Thái Bình đang có bước chuyển mình rõ nét cả trong sáng tác cũng như quảng bá tác phẩm.

Một chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu do các nghệ sĩ Thái Bình biểu diễn.

Mang hơi thở cuộc sống đương đại

Trong những năm qua, song song với việc chú trọng sáng tác, quảng bá các tác phẩm về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, VHNT Thái Bình đã có bước chuyển mình tích cực khi thường xuyên phối hợp cùng các ngành chức năng tổ chức, phát động cuộc thi sáng tác cho các văn nghệ sĩ. Có thể kể đến cuộc thi sáng tác tranh cổ động về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; cuộc thi sáng tác tranh, ảnh thời sự, nghệ thuật về hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ và vẻ đẹp người phụ nữ Thái Bình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...

Năm 2022 ghi dấu ấn lần đầu tiên Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức cuộc thi sáng tác VHNT chủ đề doanh nghiệp, doanh nhân Thái Bình trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Sau 5 tháng diễn ra cuộc thi, Ban tổ chức đã nhận được 69 tác phẩm ở các thể loại: thơ, truyện ngắn, bút ký, âm nhạc. 

Chia sẻ về ý nghĩa của cuộc thi này, ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh ghi nhận: Đây là cuộc thi đầu tiên do 2 cơ quan phối hợp tổ chức. Kết quả cuộc thi đã phản ánh thành tựu, tâm sức, đóng góp của doanh nhân đối với doanh nghiệp mình, quê hương và đất nước. Các tác giả đã đầu tư thời gian, công sức sáng tạo những tác phẩm VHNT giàu cảm xúc. Qua mỗi tác phẩm đã khắc họa ý chí của mỗi doanh nhân trong phục hồi kinh tế, vượt qua đại dịch, khát vọng phát triển kinh doanh, phát triển thương hiệu, phát triển tỉnh Thái Bình và đất nước.

Đạt giải A với tác phẩm “Người đối thoại với cánh đồng”, nhà văn Minh Chuyên chia sẻ: Dù thời gian phát động rất ngắn nhưng cuộc thi đã có kết quả tốt đẹp vì đề tài doanh nghiệp, doanh nhân là đề tài đa dạng nhưng rất khó. Lý do bởi từ trước đến nay tìm hình tượng doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu trong tác phẩm văn học vô cùng ít. Mong 2 cơ quan tiếp tục đầu tư để xuất bản bộ sách các tác phẩm đã đạt giải thưởng cũng như tổ chức cuộc thi tiếp theo để các tác giả được tiếp cận và có cơ hội sáng tác về doanh nghiệp, doanh nhân - những người làm giàu cho xã hội.

Thực tiễn đòi hỏi tác phẩm VHNT phải tự đổi mới bản thân mình để vươn lên. Các văn nghệ sĩ đã chú trọng khai thác giá trị truyền thống, đồng thời đầu tư nghiên cứu, cập nhật xu hướng thể hiện mới, ứng dụng công nghệ hiện đại trong cách làm cũng như cách tiếp cận với khán giả mới mẻ hơn. Từ đó, ngày càng có nhiều tác phẩm âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh... mang hơi thở thời đại, bắt nhịp xu hướng thế giới nhưng vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống, tạo được sức hút và điều quan trọng nhất là sống được trong lòng công chúng.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 133 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình.

Đưa nghệ thuật đến gần công chúng

Diễn ra từ ngày 19 - 26/3 tại Trung tâm Triển lãm và Mỹ thuật Hải Phòng, triển lãm “Thái Bình miền phù sa” bao gồm 74 tác phẩm được tuyển chọn của 37 tác giả là hội viên Chi hội Mỹ thuật, Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình. Trong đó, có những tác phẩm đã được giới thiệu và trưng bày tại nhiều nơi, đánh dấu một giai đoạn sáng tác của mỹ thuật Thái Bình đa dạng về chủ đề, chất liệu, phong cách. Tất cả đã tạo nên giai điệu hội họa Thái Bình hội nhập, phát triển. 

Họa sĩ Hoàng Trung Dũng, Chi hội Mỹ thuật cho biết: Tại triển lãm, tác phẩm của họa sĩ Thái Bình mang tâm hồn của những người nông dân gắn bó với ruộng đồng, đó là những con người bình dị cùng thông điệp mỹ thuật lan tỏa yêu thương đến tất cả mọi người.

Tham gia triển lãm, họa sĩ Lê Văn Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin triển lãm và điện ảnh Hải Phòng cho biết: Thái Bình có sự phát triển sôi nổi về mỹ thuật, đặc biệt trong phong trào trực họa của các họa sĩ. Chúng tôi đã về Thái Bình để vẽ trực họa cùng các họa sĩ tại đây, đồng thời cùng phối hợp để tổ chức triển lãm chung tại Hải Phòng.

Song song với hoạt động triển lãm trong tỉnh, các nghệ sĩ Thái Bình đã năng động, tích cực tham gia, tổ chức triển lãm tại tỉnh ngoài, cũng như gửi tác phẩm online tham gia triển lãm quốc tế, nhận được đánh giá cao từ giới chuyên môn. Bên cạnh đó, có những nghệ sĩ đã chủ động mở những cuộc triển lãm riêng để đưa tác phẩm nhiếp ảnh, hội họa của mình đến với công chúng. Đó như những cuộc hành trình đầy thú vị để giới thiệu với công chúng xa gần về mảnh đất quê hương Thái Bình. Cũng từ đây, ngày càng có nhiều nghệ sĩ Thái Bình đạt giải thưởng lớn tại các cuộc thi trong nước và quốc tế, khẳng định tài năng, tâm huyết của văn nghệ sĩ Thái Bình, đồng thời qua đó thể hiện tình yêu, niềm tự hào với vẻ đẹp mảnh đất và con người quê hương.

Bằng các hoạt động thiết thực, văn nghệ sĩ Thái Bình đang cho thấy nghệ thuật gắn liền với đời sống chính trị, xã hội, phục vụ và cùng xã hội phát triển. Đó chính là “nghệ thuật vị nhân sinh”. Sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang rất cần sự dấn thân, đóng góp của giới văn nghệ sĩ trong công tác văn hóa - tư tưởng. Với nhận thức đúng, quyết tâm cao và hành động, công tác văn hóa - tư tưởng sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn nữa, thiết thực hướng tới một nền văn hóa nghệ thuật dân tộc, khoa học và đại chúng, đóng góp vào sự phát triển của quê hương, đất nước.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình

Một trong những sứ mệnh của văn nghệ sĩ với tư cách là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa là VHNT phải thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm con người, xây dựng con người phát triển toàn diện; VHNT phải bảo vệ cái tốt đẹp, cái cao thượng, bồi đắp, cổ vũ khát vọng hướng tới cái thiện, cái đẹp, thổi lửa tin yêu con người và cuộc sống; đồng thời phải đấu tranh phê phán đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Trong những năm qua, văn nghệ sĩ của tỉnh làm tốt nhiệm vụ này, mỗi năm có hàng trăm tác phẩm mới được ra đời, trong đó có nhiều tác phẩm tham gia đấu tranh, phê phán các thói hư, tật xấu trong xã hội, đồng thời với phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, văn nghệ sĩ tích cực sáng tác về những vấn đề tốt đẹp, nhân văn trong xã hội, biểu dương gương người tốt, việc tốt, về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của tỉnh, của đất nước.


Họa sĩ Nguyễn Quốc Việt, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật, Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình

Từ đầu năm 2023 đến nay, các họa sĩ Chi hội Mỹ thuật đã tổ chức, tham gia nhiều buổi trực họa ở trong và ngoài tỉnh. Tinh thần sáng tác, lao động nghệ thuật luôn diễn ra hăng say, nhiệt huyết, từ đó có nhiều tác phẩm nghệ thuật chất lượng ra đời. Trong số này, đối với hoạt động trực họa tại tỉnh Hà Giang vào tháng 2/2023, các họa sĩ trẻ Thái Bình đã chọn lọc những tác phẩm chất lượng tiêu biểu để trưng bày bán đấu giá ủng hộ chương trình phủ xanh biên giới Hà Giang. Hiện nay, hội viên Chi hội đang tích cực hưởng ứng cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) tỉnh Thái Bình. Mong rằng với tình yêu quê hương, tài năng, đam mê của người nghệ sĩ, các họa sĩ sẽ góp phần sáng tạo nên những tác phẩm chất lượng quảng bá mảnh đất, con người Thái Bình.

Tú Anh