Chủ nhật, 24/11/2024, 02:19[GMT+7]

Lễ hội truyền thống Bổng Điền: Tưởng nhớ nữ tướng Quế Hoa

Thứ 3, 02/05/2023 | 19:41:05
13,785 lượt xem
Lễ hội truyền thống Bổng Điền, xã Tân Lập (Vũ Thư) với lễ rước nước trên sông Hồng và lễ rước kiệu lên lăng nữ tướng Quế Hoa trong các ngày lễ hội từ 13 - 15/3 âm lịch (ngày 2 - 4/5/2023) là lễ hội độc đáo, thu hút nhân dân địa phương, con em xa quê và du khách nô nức tham gia. Bằng tấm lòng thành kính dành cho các vị anh hùng có công lao to lớn với quê hương, đất nước, người dân nơi đây tổ chức lễ hội trọng thể, nhắc nhở con cháu luôn hướng về tổ tiên, nguồn cội.

Quần thể di tích lịch sử văn hóa quốc gia đình, đền Bổng Điền.

Đình Bổng Điền là nơi thờ Nhị vị tướng công đã được các triều đại phong kiến kế tiếp nhau sắc phong. Đền Bổng Điền là nơi thờ Quế Hoa công chúa, nữ tướng thời Hai Bà Trưng đã cùng Bát Nạn tướng quân và nữ tướng Lê Chân đánh giặc Đông Hán xâm lăng. 

Tương truyền, khi lên 8 tuổi, Quế Hoa đã đi tầm sư học đạo, tuổi ít nhưng học rộng tài cao, kinh sử tinh thông, lại có chí lớn, với thiên tài bẩm sinh bà đã vượt lên trên tầm vóc của những người thường, tuy là con gái nhưng chí như nam nhi. Năm 16 tuổi, nhiều người dạm ngõ bà đều không ưng mà để tâm trí vào làm việc lớn. Được tin cha bị quân thù sát hại,  nữ tướng Quế Hoa đã đem toàn bộ quân binh của mình cùng Bát Nạn tướng quân về với Hai Bà Trưng để “đền nợ nước, trả thù nhà”, tham gia khởi nghĩa và lập nhiều chiến công. Trong trận huyết chiến, quyết không để sa vào tay giặc, Quế Hoa đã nhảy xuống sông tự vẫn. Thi thể bà trôi về khúc sông Hương Điền. Dân làng thương xót xây mộ và hương khói phụng thờ. 

Hàng năm, lễ hội truyền thống Bổng Điền diễn ra từ ngày 13 – 15/3 âm lịch tưởng nhớ ngày nữ tướng Quế Hoa xuất quân đánh giặc, cầu mong Thánh Mẫu phù hộ cho quốc thái dân an và đây cũng là dịp đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của toàn thể nhân dân trong vùng cũng như khách thập phương. 

Ông Nguyễn Song Toàn, Ban tổ chức lễ hội truyền thống Bổng Điền năm 2023 thông tin: Chúng tôi tổ chức lễ hội với tinh thần trách nhiệm cao, gìn giữ truyền thống của cha ông. Tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân, toàn thể cán bộ, nhân dân của xã Tân Lập, các xã lân cận và du khách thập phương đến tham gia rất đông. Sau 6 năm, lễ rước mới được diễn ra, nhân dân ai ai cũng hồ hởi với tấm lòng thành kính. Mong sao lễ hội truyền thống là nét đẹp của làng xã luôn được bảo tồn, phát huy.

 Du khách tham gia lễ hội thành kính dâng hương tưởng nhớ công lao to lớn của các vị tiền nhân. 

Cũng theo ông Toàn, theo đúng định lệ cổ truyền, lễ rước nước có 6 cỗ kiệu rước, trong đó có kiệu long đình, kiệu bát cống, kiệu võng, kiệu hậu bành… với đội khiêng kiệu là những thanh niên trai tráng trong làng. Để tiến hành rước kiệu, trước ngày hội dân làng phải chọn những người khiêng kiệu là thanh niên trai tráng có sức khỏe tốt, cao lớn, bản thân và gia đình thanh sạch có uy tín trong làng. Họ được tập luyện để công việc rước kiệu được thành thục và chu đáo. Kiệu khởi hành từ sân đình, lên đê rồi mới ra bến phà để đi lấy nước nơi dòng nước trong sạch, tinh khiết trên sông Hồng. Lễ hội là dịp để con cháu dù có phương trưởng nơi đâu cũng quy về đoàn tụ, một lòng thành kính tổ tiên, tưởng nhớ các vị anh hùng đã có công với dân với nước. Lễ rước với những đoàn rước đi dài trên đê đã tạo nên khung cảnh nhộn nhịp quen thuộc của đời sống làng xã. Từ bao đời nay, lễ rước nước là nghi thức truyền thống không thể thiếu trong lễ hội Bổng Điền, nhắc nhở con cháu gìn giữ truyền thống uống nước nhớ nguồn. 

Tham gia đoàn rước, em Tạ Đình Toàn, người dân địa phương hào hứng chia sẻ: Năm nay là năm đầu tiên em được tham gia lễ hội truyền thống trong vai trò phụ giá, em rất mong muốn được góp phần bảo tồn nét đẹp truyền thống của quê hương. Ngoài đoàn rước của làng, xã em, lễ rước năm nay còn có nhiều đoàn của địa phương khác, em cảm thấy rất tự hào về quê hương của mình với lễ hội truyền thống tưởng nhớ công lao to lớn của nữ tướng Quế Hoa.

Bà Trần Thị Thi, người dân địa phương cho biết: Bà con nhân dân rất phấn khởi, 6 năm rồi mới được tham gia lễ rước nên con em dù có làm ăn, sinh sống xa quê cũng đều háo hức trở về đông vui. Tôi đi theo kiệu kêu Thánh cầu xin ngài độ cho các anh em chân quỳ vai kiệu đi nghiêm trang, đi nhanh về chóng, đi đến nơi về đến chốn, cầu cho dân làng mùa màng bội thu, nhà nhà an ấm, yên vui. Tôi mong muốn lễ hội trường tồn, bà con năm nào cũng được đi rước kiệu.

Nghi thức rước kiệu trong lễ hội truyền thống Bổng Điền.

Trong các ngày diễn ra lễ hội truyền thống Bổng Điền, ngoài các nghi thức tế lễ độc đáo còn có giải bóng đá với 8 đội bóng tham dự, thu hút khách thập phương, bà con nhân dân về sôi nổi cổ vũ. 

Ông Trần Trọng Thịnh, Trưởng ban Tổ chức giải bóng đá Bổng Điền chia sẻ: Hàng năm vào những ngày lễ hội truyền thống, chúng tôi thường xuyên tổ chức giải bóng đá để cho thanh thiếu niên trong và ngoài xã đến giao lưu với tinh thần thể thao cao thượng. Đây là ngày hội thắt chặt tinh thần đoàn kết, cùng nhau gìn giữ truyền thống quê hương.

Sôi nổi các ngày lễ hội truyền thống với giá trị nhân văn sâu sắc, người dân xã Tân Lập (Vũ Thư) mong mỏi lễ hội Bổng Điền đã được đời nối đời chung tay gìn giữ sẽ sớm được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, từ đó, góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch tâm linh không chỉ của mảnh đất Vũ Thư mà còn của tỉnh Thái Bình trong tiến trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tú Anh