Thứ 6, 15/11/2024, 05:05[GMT+7]

Huy động mọi nguồn lực để văn học, nghệ thuật phát triển mạnh mẽ, cống hiến nhiều hơn

Thứ 3, 25/07/2023 | 19:52:56
10,491 lượt xem
Ngày 25-7, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội văn học Nghệ thuật Việt Nam (25/7/1948 – 25/7/2023).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xem một số hình ảnh trưng bày tại Lễ kỷ niệm 75 năm Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (Ảnh TTXVN)

Cùng dự có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước...

Nhân dịp này, nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã gửi lẵng hoa chúc mừng.

Dự Lễ kỷ niệm có các đại biểu đại diện cho hơn 40.000 văn nghệ sỹ  đang hoạt động trong 10 Hội chuyên ngành Trung ương và 63 Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, thành phố trong toàn quốc cùng Quỹ hỗ trợ Sáng tạo Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

tbt1.jpeg

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu tại buổi lễ (Ảnh TTXVN).

Tự hào về truyền thống vẻ vang 75 năm

Trong diễn văn kỷ niệm, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam cho biết, ngày 25-7-1948, Hội Văn nghệ Việt Nam, tiền thân của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, đã chính thức được thành lập với sứ mệnh tập hợp toàn bộ giới văn nghệ sĩ cả nước đoàn kết xây dựng nền văn nghệ cách mạng, góp phần cùng toàn dân thực hiện các nhiệm vụ của cách mạng và kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trước đó, vào tháng 6-1943, Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam được thành lập không lâu sau khi Đảng ta công bố bản “Đề cương văn hóa Việt Nam” (tháng 2-1943), đây là dấu mốc quan trọng để Hội Văn nghệ Việt Nam ra đời 5 năm sau đó.

2.jpeg

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu dự Lễ kỷ niệm. Ảnh: TTXVN

Kể từ khi ra đời, Hội Văn nghệ Việt Nam đã thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa văn hóa và văn nghệ, tự nguyện là thành viên của Hội văn hóa Việt Nam, đồng hành cùng dân tộc qua các chặng đường lịch sử cam go.

Đến nay, tổ chức văn nghệ Việt Nam đã trải qua 10 kỳ Đại hội toàn quốc, trưởng thành về quy mô tổ chức và đội ngũ, tập hợp hơn 40.000 văn nghệ sĩ thuộc 5 thế hệ ở nhiều chuyên ngành (văn học, sân khấu, mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh, điện ảnh, múa, văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số, kiến trúc) cùng sinh hoạt trong 10 Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và 63 Hội văn học nghệ thuật các tỉnh, thành cùng Quỹ hỗ trợ sáng tạo Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, giới văn học nghệ thuật Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước tặng những phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ Nhất (1987), Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 2 (2008) và Huân chương Sao vàng (2018).

Tính đến tháng 5-2023, đã có 136 văn nghệ sĩ được trao tặng và truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, 665 văn nghệ sĩ được trao tặng và truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật; hàng trăm văn nghệ sĩ được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang và các huân chương cao quý; 452 văn nghệ sĩ được tặng thưởng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, 2.621 văn nghệ sĩ được tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú...

Phát biểu tại buổi lễ, các đại biểu văn nghệ sỹ bày tỏ niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trong suốt 75 năm qua.

Những ý kiến phát biểu đầy tâm huyết của các vị đại diện văn nghệ sỹ tiêu biểu đã đề cập toàn diện, đầy đủ và sâu sắc lịch sử hình thành, phát triển hào hùng, truyền thống quý báu, vẻ vang và sự đóng góp to lớn, rất quan trọng của Hội Văn hóa Cứu quốc trước đây, cũng như của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật ngày nay và đội ngũ văn nghệ sỹ nước nhà trong suốt 75 năm qua.

5.jpg

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo (Ảnh Trần Hoàng)

Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, khuyến khích mọi tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, trong lịch sử phát triển hàng nghìn năm của dân tộc, văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam đã hun đúc nên nền văn hóa, văn học nghệ thuật yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với nhân dân và dân tộc, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh rất to lớn góp phần quan trọng vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước.

Trải qua năm tháng phát triển của đất nước và dân tộc, đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam không ngừng lớn mạnh về mọi mặt. Các thế hệ văn nghệ sĩ nối tiếp nhau đã sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị cao trên nhiều lĩnh vực, góp phần to lớn vào công cuộc sáng tạo các sản phẩm văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân, đưa văn hóa ngày càng thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; xứng đáng là lực lượng nòng cốt sáng tạo các giá trị văn hóa, là đội ngũ văn nghệ sỹ-chiến sĩ tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đánh giá cao sự phát triển của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật nước nhà.

“Nền văn học nghệ thuật tiếp tục đổi mới, bám sát hiện thực sôi động của đất nước, có cách nhìn điềm tĩnh, tinh tế, tích cực ủng hộ sự ổn định xã hội, củng cố niềm tin, có quan điểm biện chứng về đời sống, ca ngợi, khẳng định cái tốt đẹp, cổ vũ nhân tố mới, thành tựu mới, lấy ánh sáng để đẩy lùi bóng tối. Văn học nghệ thuật ngày càng phát triển đa dạng, phong phú, mới mẻ, giàu tiềm năng; xu hướng chuyên nghiệp hóa ngày càng được đề cao, tính dân tộc ngày càng đi vào chiều sâu, có thành tựu to lớn và có bước tiến dài trong sự nghiệp”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá.

Bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Đó là vẫn còn một số người phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng, xem nhẹ nghĩa vụ công dân, vì thế, tác phẩm của những cá nhân này xa rời thực tiễn đời sống của đất nước, đời sống nhân dân. Một số tác phẩm sử dụng sách báo, mạng xã hội có nội dung thiếu xây dựng, nặng về cảm tính. Những thành tựu văn học nghệ thuật chúng ta đạt được trong những năm qua có những mặt còn chưa tương xứng với sự đổi mới của Đảng và đất nước; chất lượng chưa hài hòa với số lượng, chưa có nhiều tác phẩm tạo được sức hút và sự quan tâm rộng lớn của công chúng, còn ít tác phẩm đỉnh cao...

Từ những hạn chế trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị giới văn nghệ sĩ cần cùng nhau thảo luận, trao đổi thẳng thắn với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao, tự soi, tự sửa nhằm khắc phục bằng được những hạn chế, yếu kém trong sáng tác và lý luận phê bình văn học nghệ thuật cũng như trong tổ chức và hoạt động của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam.

3.jpeg

Một tiết mục nghệ thuật biểu diễn trong chương trình (Ảnh TTXVN)

Tổng Bí thư chỉ rõ, xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới, hội nhập sâu rộng đang diễn ra rất sôi động, nhanh chóng và xuất hiện nhiều vấn đề mới, khác nhiều so với trước đây, trong chiến tranh và thời kỳ quan liêu, bao cấp. Điều đó đòi hỏi mỗi người nghệ sỹ phải tự đổi mới mình, vừa có bản lĩnh, sự tỉnh táo; vừa có trình độ, tầm nhìn, cách nghĩ và phương thức thể hiện mới trong sáng tạo nghệ thuật, phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển của Việt Nam hôm nay.

Tổng Bí thư khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn khuyến khích mọi tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tổng Bí thư mong muốn, kỳ vọng đội ngũ văn nghệ sĩ có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh chân thực, sâu sắc, toàn diện hiện thực đất nước trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.

Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật, trí thức văn học nghệ thuật Việt Nam tiếp tục tăng cường tham mưu Đảng và Nhà nước; phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt hơn nữa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam. Liên hiệp hội cần có kế hoạch bố trí, sử dụng đội ngũ trí thức một cách hợp lý; có chính sách phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ; quan tâm đến công tác khuyến khích, tôn vinh các văn nghệ sỹ có thành tích xuất sắc trong hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật...

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò, vị trí quan trọng của văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; luôn cổ vũ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động văn học, nghệ thuật thông qua các cơ chế, chính sách như hỗ trợ tài chính, mở trại sáng tác, đi thực tế, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng các tài năng văn nghệ...; huy động mọi nguồn lực cả về vật chất và tinh thần để văn học, nghệ thuật phát triển mạnh mẽ và cống hiến nhiều hơn nữa trong những năm tới.

Nhân dịp này, thay mặt Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao tặng Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam "Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam".

Theo hanoimoi.com.vn