Chủ nhật, 10/11/2024, 05:54[GMT+7]

Nhớ tre

Thứ 2, 24/06/2013 | 08:35:58
375 lượt xem
Một trưa hè tĩnh lặng, đi trên đoạn đường làng, bất ngờ nhận ra một mùi thơm. Ðó là hương của tre. Thoang thoảng, dìu dịu mà mê mẩn cả hồn người. Thiên nhiên thôn dã âm thầm ban tặng chút quà quê cho người. Con người dừng chân ngước lên vòm lá xanh mướt, nhận ra những chùm hoa tre khiêm nhường ẩn hiện mà tự thưởng giây phút thư nhàn hiếm có của một ngày cày cuốc.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Ngày xưa, làng tôi nhiều tre lắm. Tre mọc từng bụi bên đường. Vườn, thổ nhà ai mà chẳng có một bụi tre. Mùa đông có bụi tre chắn gió làm con người bớt lạnh lẽo, áo mặc đơn sơ vẫn thấy ấm lòng. Mùa hè trời nắng chang chang, tre ngả bóng, tre rợp đường làng. Cũng là bóng mát, bóng mát của tre êm ả làm sao! Cùng với bóng mát là tiếng “lích chích” của những chú chim sâu chuyền cành, tiếng “chẹc chẹc” của đôi chim sẻ đùa nhau. Thoảng trong làn gió mát ngọt ngào là hương dìu dịu của hoa tre. Ít người để ý đến hoa tre. Ðó là những chùm hoa màu trắng ngà ẩn hiện kín đáo trong màu xanh mượt của những lùm lá tre và những cành tre, tay tre đan cài ngang dọc. Một trưa hè tĩnh lặng, đi trên đoạn đường làng, bất ngờ nhận ra một mùi thơm. Ðó là hương của tre. Thoang thoảng, dìu dịu mà mê mẩn cả hồn người. Thiên nhiên thôn dã âm thầm ban tặng chút quà quê cho người. Con người dừng chân ngước lên vòm lá xanh mướt, nhận ra những chùm hoa tre khiêm nhường ẩn hiện mà tự thưởng giây phút thư nhàn hiếm có của một ngày cày cuốc.

 

Trong chín năm chống giặc Pháp, làng tôi là một làng kháng chiến. Cùng với súng trường, giáo mác, bàn chông, tre đã cùng du kích làng tôi chống lại nhiều trận càn của giặc. Xung quanh làng tôi những bụi tre ken dầy đã tạo thành lũy tựa bức tường thép làm thất bại nhiều cuộc xâm lược của kẻ địch, có cả xe tăng, xe cơ giới tham chiến. Giặc bắn đại bác, nhiều bụi tre bị tung lên xác xơ nhưng bọn giặc không vào được làng. Cuối cùng chúng phải rút lui mang theo những tên lính bị chết, bị thương. Bên cạnh hàng rào lũy tre là giao thông hào nối với các xóm. Các cửa hầm bí mật cũng thường được đặt dưới các bụi tre. Nhưng cây tre già, cây măng, bụi gốc còn lại là những vật che chắn những cửa hầm. Có người du kích, bộ đội bị giặc truy đuổi thà chết chứ không tìm về nơi bụi tre có cửa hầm mà đồng đội đang ở đó.

 

Giờ đây, bụi tre bao quanh làng hầu như không còn. Từ xa nhìn về không thấy “làng tôi xanh bóng tre” nữa. Người ta chặt tre để lấy đất làm nhà. Tất cả nhà đều hướng ra mặt đường. Ở đó có gió đồng, không gian thoáng nắng và trông chờ những dự án đầu tư. Có lần về quê, tôi ra nghĩa trang thắp hương, nhìn về làng thấy màu xanh không còn nhiều, nhìn kỹ cũng không thấy màu xanh của tre, chỉ thấy gần xa loang lổ những màu vôi với màu bê tông và mái ngói, mái tôn. Tôi đi lại nhiều lần trên con đường làng. Toàn đường bê tông, bê tông phẳng chạy thẳng từ ngõ vào sân nhà. Ði xe máy, xe đạp cứ thế tiến qua cổng, vào đến tận hè. Ngơ ngác tìm mãi một mảnh vườn không có khóm tre, có cây duối dại và những con bướm, con chuồn ớt thưa nhỏ.

 

Ôi! Còn đâu những hàng cây dâm bụt. Ngõ nhà ai có dậu cúc tần, trên đó giăng những sợi tơ vàng óng. Còn đâu trò chơi tuổi thơ: cuốn kèn lá, kết hoa... dưới bóng tre mát rượi buổi trưa hè. Tre đi đâu? Những chuyện về tre còn ai kể nữa? Chỉ còn trong lòng ta nỗi trống vắng khôn nguôi. Rồi đây, khi con cháu ta đọc những áng văn chương viết về cây tre, liệu thầy giáo của nó phải tả, phải kể như thế nào đây về một loài cây đã gần gũi, thân thuộc gắn bó từ bao đời với người Việt Namon> ta? Loài cây đó đã trở thành cổ tích, thành ngày xưa...?

 

Liệu các nhà sử học, các nhà bảo tàng có phải nghĩ cách để đưa cây này vào danh mục các loài cây cần được bảo tồn, lưu trữ...

Ngọc Tuyền

(Vũ Vân, Vũ Thư)

 

  • Từ khóa