Thứ 6, 15/11/2024, 05:38[GMT+7]

100 năm ngày sinh họa sỹ Nguyễn Sáng: Bậc thầy của mỹ thuật hiện đại Việt Nam

Thứ 3, 01/08/2023 | 13:41:17
11,233 lượt xem
Họa sỹ Nguyễn Sáng (1923 - 1988) được giới mỹ thuật tôn vinh là bậc thầy trong hội họa. Ông là một họa sỹ có nhiều đóng góp tiêu biểu cho hội họa hiện đại Việt Nam, là người mở đầu cho trào lưu sáng tạo mỹ thuật hiện đại trên nền tảng nghệ thuật truyền thống của cha ông.

Thiếu nữ bên hoa sen - Tranh: Nguyễn Sáng

Danh họa Việt Nam đương đại

Họa sỹ Nguyễn Sáng tên đầy đủ là Nguyễn Văn Sáng, sinh ngày 1/8/1923 tại làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang. Sinh ra trong một gia đình nhà giáo, Nguyễn Sáng lại có “năng khiếu bẩm sinh” về hội họa. Ông từng học tập và tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Gia Định, học Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội, khóa XIV.

Tháng 8/1945, họa sỹ Nguyễn Sáng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội. Từ đây, ông tham dự vào mọi lĩnh vực của đời sống kháng chiến trong tư cách nghệ sỹ - chiến sỹ, dùng nét vẽ để phục vụ cuộc kháng chiến của dân tộc. Ông từng tham gia vẽ mẫu giấy bạc (tiền giấy), mẫu tem thư, vẽ những pano khổ lớn treo ở Nhà hát Lớn Hà Nội, vẽ tranh cổ động tuyên truyền địch vận, tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở Hà Nội, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ… Ông còn tham gia vẽ minh họa sách báo và sáng tác.

Nghệ thuật của Nguyễn Sáng gắn liền với lịch sử cách mạng, lịch sử nghệ thuật của dân tộc. Ông là một trong số những hoạ sỹ có những tác phẩm sơn dầu, sơn mài đẹp nhất, sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến: “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ”, “Giặc đốt làng tôi”, “Hành quân đêm mưa”, “Bộ đội nghỉ trưa trên đồi”, “Thanh niên thành đồng”…

Ở đề tài về cuộc sống đời thường, họa sỹ Nguyễn Sáng có những tác phẩm nổi bật như: “Thiếu nữ bên Hồ Gươm”, “Thiếu nữ Việt Nam”, “Thánh Gióng”, “Chùa tháp Phổ Minh”, “Thiếu nữ bên hoa sen”, “Múa vòng”, “Thống nhất”, “Thiếu nữ trong vườn chuối”, “Chọi trâu”, “Đấu vật”…

Ông còn thành công với các bức chân dung tự họa: chân dung nhà văn Tô Hoài, nhà văn Nguyễn Tuân, họa sỹ Dương Bích Liên…

Tranh của họa sỹ Nguyễn Sáng gồm nhiều thể loại, từ tranh khắc, sơn dầu cho đến sơn mài, ở thể loại nào ông cũng đều thành công, đóng góp cho nghệ thuật hiện đại Việt Nam những tác phẩm quý giá. Đặc biệt, với chất liệu sơn mài, ông đã tạo ra một kỹ thuật mới về màu và sắc độ. Ông bổ sung vào sơn mài bảng màu vàng, xanh, diệp lục với cách diễn tả phong phú, sử dụng sơn mài để biểu đạt những đề tài hiện đại như cuộc sống đời thường, chiến tranh, cách mạng… Ngoài ra, ông còn là người khai phá thành công phong cách nghệ thuật hội họa hiện đại châu Âu, kết hợp khéo léo, tài tình với nghệ thuật dân gian truyền thống, đem đến những tác phẩm nghệ thuật có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa.

Họa sỹ Nguyễn Sáng là người có vinh dự được vẽ mẫu tem bưu chính đầu tiên mang Quốc hiệu Việt Nam có in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, bộ tem 5 mẫu trên cùng một khuôn khổ, với những màu sắc khác nhau, được phát hành theo Sắc lệnh số 172/SL ngày 27/8/1946 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là bộ tem đầu tiên của Nhà nước cách mạng, ban hành trong nước và đi toàn thế giới, có ý nghĩa lịch sử gắn với lịch sử của cách mạng Việt Nam.

Ông là một trong số những họa sỹ được Nhà nước triệu tập, giao nhiệm vụ thiết kế những mẫu tiền giấy Việt Nam đầu tiên. Những tờ tiền đầu tiên do ông vẽ là tờ 5 đồng theo hình dọc, khác với loại tiền hình ngang. Mặt trước là chân dung Hồ Chủ Tịch, mặt sau vẽ bà mẹ một tay đặt lên vai đứa con, còn tay kia cầm bó lúa. Tờ 50 đồng và 100 đồng mặt trước vẽ chân dung Hồ Chủ Tịch, mặt sau vẽ đề tài công nông có hình con trâu…

Ông là một trong nhóm "tứ kiệt" của làng hội hoạ Việt Nam Nghiêm, Liên, Sáng, Phái, gồm: họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm (1918-2016); họa sỹ Dương Bích Liên (1924 - 1988); họa sỹ Nguyễn Sáng (1923-1988); họa sỹ Bùi Xuân Phái (1920 - 1988).

Họa sỹ Nguyễn Sáng mất ngày 16/12/1988 tại TP Hồ Chí Minh, thọ 65 tuổi. Với những đóng góp cho nền hội họa, ông đã được Đảng, Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt I năm 1996. Tên tuổi của họa sỹ  được ghi trong Từ điển Bách khoa Larousse ở Pháp.

Tác giả của hai Bảo vật quốc gia

Cho đến nay, họa sỹ Nguyễn Sáng là người duy nhất có hai tác phẩm được Nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia, gồm tác phẩm tranh sơn mài: “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” năm 2013 và tác phẩm sơn mài “Thanh niên thành đồng” (năm 2017).  

Tác phẩm “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” hiện đang trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được giới chuyên môn đánh giá cao nhất về kỹ thuật sơn mài truyền thống. Tác phẩm đã dựng lại thời khắc hào hùng của những người chiến sỹ Điện Biên. Nhóm nhân vật trung tâm gồm ba chiến sỹ, trong đó có một chiến sỹ trên đầu còn quấn băng với khẩu súng trong tay. Nhóm ba người này được liên kết chặt chẽ với hai chiến sỹ khác phía bên phải bức tranh bằng một cái xiết tay đầy quyết tâm. Trong lòng hào, diễn biến buổi kết nạp Đảng được diễn ra chóng vánh. Góc trái là một chiến sỹ đang dìu đồng đội bị thương, cho thấy ranh giới của sự sống - cái chết thật mong manh. Hậu cảnh, một chiến sỹ đang hối hả ra trận như nhấn mạnh thêm bối cảnh khẩn trương của cuộc chiến. Với bố cục chặt chẽ, hình thể khỏe khoắn, màu sắc chắc đậm, bức tranh “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” có thể xem là bản hùng ca của dân tộc giai đoạn kháng chiến chống Pháp, là hình ảnh tượng trưng cho tinh thần cách mạng cao cả, lẫm liệt.

Tác phẩm “Thanh niên thành đồng” hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh được sáng tác từ năm 1967-1978 là một tác phẩm đặc biệt, nội dung xuất phát từ bối cảnh lịch sử của đất nước những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tác phẩm mô tả cuộc đấu tranh, biểu tình của học sinh, sinh viên Sài Gòn vào những năm 1960 trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Bức tranh thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của tầng lớp tri thức trong việc phản đối sự có mặt của lính Mỹ tại Việt Nam. Hình ảnh nhóm thanh niên hào hùng tay không, đối diện với hai người lính Mỹ trên tay cầm vũ khí, đã ghi lại một dấu ấn về lòng dũng cảm, tình yêu nước của thế hệ thanh niên Việt Nam trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc.

Theo hoạ sỹ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sỹ Nguyễn Sáng sinh ra, lớn lên ở Nam bộ nhưng ông lại gắn bó và có tình cảm đặc biệt với Hà Nội. Sinh thời, họa sỹ Nguyễn Sáng từng nói: “Không có Hà Nội, không có Nguyễn Sáng”.

Nhớ đến họa sỹ Nguyễn Sáng, họa sỹ Lương Xuân Đoàn lại nhớ đến hình ảnh một người lặng lẽ cùng đồng nghiệp nâng ly rượu ở quán Thủy Hử, hay âm thầm sáng tạo những kiệt tác nghệ thuật trong ngôi nhà nghệ sỹ số 65 Nguyễn Thái Học (Hà Nội). Khi ấy, bảng vẽ của ông là nền nhà căn phòng vỏn vẹn 13m2, ông thường vẽ rất nhiều trên sàn bằng phấn, vẽ xong rồi lại xóa đi cho đến khi nào ưng ý mới đưa lên tranh.

“Họa sỹ Nguyễn Sáng là danh họa lớn của mỹ thuật đương đại Việt Nam. Cả cuộc đời của mình, ông đã sống âm thầm, để có những sáng tạo nghệ thuật vĩ đại. Cho đến nay, hầu như chưa có tác phẩm nào vượt được tác phẩm “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của danh họa Nguyễn Sáng”, họa sỹ Lương Xuân Đoàn khẳng định.

Họa sỹ Đặng Thị Khuê, nguyên Ủy viên Ban Thư ký Hội Nghệ sỹ tạo hình Việt Nam, người có hơn 10 năm làm việc cùng họa sỹ Nguyễn Sáng cho rằng, ở lĩnh vực nào, Họa sỹ Nguyễn Sáng cũng có những cống hiến xuất sắc. Có lẽ, những trải nghiệm dấn thân thời trai trẻ đã khơi nguồn sáng tạo trong ông, để rồi có được những hình tượng nghệ thuật đậm đặc bề dày sự sống, làm nên những tác phẩm xuất sắc sau này, minh chứng cho một thời kỳ lịch sử.

Thành quả sáng tạo gần 40 năm của họa sỹ Nguyễn Sáng với hơn 100 tác phẩm gồm nhiều chất liệu, trưng bày tại triển lãm cá nhân của ông vào tháng 7/1984 là minh chứng cho thành tựu đỉnh cao của ông trong sáng tạo chuyên nghiệp, sự dấn thân cho nghệ thuật cách mạng và xã hội của nghệ sỹ, đặc biệt là sự độc đáo của cá tính sáng tạo trong cách tân ngôn ngữ.

“Nguyễn Sáng đã đạt tới đỉnh cao của thời kỳ nghệ thuật hiện thực. Nghệ thuật của ông đã lưu dấu trong tiến trình của nghệ thuật Việt Nam, định vị vị thế của một tài năng xuất chúng. Giờ đây, nghệ thuật đương đại Việt Nam đã viết thêm những trang mới, nhưng tấm gương sáng tạo, nhân cách sống của ông còn mãi trong lòng những người yêu mỹ thuật Việt”, họa sỹ Đặng Thị Khuê chia sẻ.

Theo TTXVN

  • Từ khóa