Mỗi ngày hiếu nghĩa - một ngày Vu Lan
Dù đã ngoài 80 tuổi song hàng năm cứ đến dịp lễ Vu Lan, cụ Trần Thị Gái, thôn Chiến Thắng, xã Bách Thuận (Vũ Thư) lại sắp xếp thời gian đến chùa để tụng kinh, cầu siêu cho cha mẹ, ông bà đã khuất.
Cụ Gái chia sẻ: Thường thì tôi hay đi một mình, song thỉnh thoảng tôi có dẫn các cháu theo với mong muốn thông qua những câu chuyện, những tâm sự, bài học về sự hy sinh của cha mẹ dành cho con cái được các thầy và Phật tử trong chùa truyền đạt, các cháu sẽ hiểu hơn về công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, cảm nhận được niềm hạnh phúc khi có cha mẹ ở bên. Từ đó, các cháu sẽ chăm ngoan, nghe lời cha mẹ, trở thành người công dân có ích. Còn tại gia đình, vào ngày rằm tháng 7, tôi thường cùng con cháu sắm sửa hương hoa, lễ vật để dâng lên bàn thờ ông bà, tổ tiên để tưởng nhớ, tri ân và nhắc nhở con cháu luôn nhớ về nguồn cội và biết trân trọng những gì đang có, sống hiếu thuận với cha mẹ.
Nghi thức hoa hồng cài áo tại chùa Từ Xuyên, phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình.
Theo sư cô Thích Đàm An, trụ trì chùa Từ Vân, xã Bách Thuận (Vũ Thư): Để đáp ứng nhu cầu tâm linh của các Phật tử, vào dịp tháng 7 âm lịch hàng năm nhà chùa đều tổ chức khóa lễ cầu siêu cho các chư vị hương linh. Năm nay, nhà chùa tổ chức lễ cầu siêu trong 3 ngày với trên 1.000 gia đình đăng ký cầu siêu cho người quá cố. Nhân dịp này, nhà chùa tích cực truyền giảng các giá trị tốt đẹp của đạo Phật, trong đó có đức hiếu hạnh mà đạo Phật luôn luôn đề cao và muốn truyền hóa đến tất cả mọi người: “Trong muôn hạnh thì hạnh hiếu đi đầu. Trong muôn tội, bất hiếu là tội nặng nhất” nhằm góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa, tốt đẹp trong xã hội.
Cũng giống như chùa Từ Vân, đã thành thông lệ, vào dịp lễ Vu Lan hàng năm, chùa Bụt Mọc, xã Quỳnh Bảo (Quỳnh Phụ) đều tổ chức cho các Phật tử tụng kinh cầu phúc cho cha mẹ hiện tiền, cầu siêu tế độ cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất. Ngoài ra, nhà chùa còn tổ chức nghi thức hoa hồng cài áo.
Đại đức Thích Nhuận Tâm, trụ trì nhà chùa cho biết: Thông qua nghi thức cài hoa hồng nhằm khơi dậy, nhắc nhở mỗi người con hướng lòng thành kính về đấng sinh thành; đặc biệt đối với những người còn cha, còn mẹ càng phải biết trân trọng những tháng ngày được ở bên cha mẹ để phụng dưỡng và yêu thương.
Bà Trần Thị Lan, thôn Thượng Cầm, xã Vũ Lạc (thành phố Thái Bình) chia sẻ: Mặc dù không còn được cài lên ngực đóa hoa hồng đỏ thắm tượng trưng cho niềm hạnh phúc vô biên khi còn cả cha lẫn mẹ song mỗi lần đóa hoa màu hồng được cài lên ngực là tôi lại thành tâm hướng nguyện cầu cho cha ở thế giới khác được thác hóa siêu thăng; đồng thời không quên dặn lòng mình phải dành nhiều thời gian hơn nữa để chăm lo, phụng dưỡng cho mẹ.
Em Trịnh Thị Thu Trang, thôn Bình Minh, xã Bách Thuận (Vũ Thư) tâm sự: Mỗi lần tham gia nghi thức hoa hồng cài áo em đều thấy rất xúc động và bật khóc khi nghĩ tới cha mẹ. Bên cạnh những giọt nước mắt biết ơn, là những giọt nước mắt ân hận vì đã trót có lần cãi lời cha mẹ, làm cho cha mẹ buồn. Sau khi nghe lời giảng của các thầy, em luôn dặn lòng phải học tập thật tốt để bố mẹ vui lòng. Ngoài ra, em sẽ chăm chỉ giúp đỡ bố mẹ nhiều hơn từ những việc nhỏ nhất như làm việc nhà.
Theo Đại đức Thích Thanh Ân, Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh: Vu Lan là một trong những ngày lễ thiêng liêng, cao quý của Phật giáo. Đây là dịp để mọi người thể hiện lòng biết ơn đối với các đấng sinh thành, vì thế ngày này luôn nhận được sự quan tâm đông đảo của người dân. Từ đầu tháng 7 âm lịch, các cơ sở tự viện trên địa bàn tỉnh đều tổ chức lễ Vu Lan cho các Phật tử và nhân dân. Tùy theo điều kiện của từng tự viện mà quy mô tổ chức lễ Vu Lan khác nhau. Bên cạnh đó, lễ Vu Lan cũng là dịp hướng các Phật tử trở về với cội nguồn, về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Vì vậy, vào dịp lễ Vu Lan, ngoài cầu siêu tịnh độ cho gia tiên, mong cho cha mẹ được bình an, các tăng ni, Phật tử còn tham gia lễ cầu nguyện cho quốc thái dân an, cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ nhằm tri ân các vị tiền nhân đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Đông đảo Phật tử và nhân dân tham gia lễ cầu siêu dịp lễ Vu Lan tại chùa Từ Vân, xã Bách Thuận (Vũ Thư).
Đào Quyên
Tin cùng chuyên mục
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
- Đoàn đại biểu chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” thăm di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo 02.12.2023 | 19:08 PM
- Khai mạc “Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ IV - 2023” 23.11.2023 | 02:46 AM
- Thành phố bình xét thôn tổ dân phố văn hóa năm 2023 09.11.2023 | 19:31 PM
- Tối nay (26/10): Truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba 26.10.2023 | 14:28 PM
- Tọa đàm Âm nhạc Thái Bình trong thời kỳ đổi mới 12.10.2023 | 16:30 PM
- Gần 1000 tác phẩm cây cảnh tham gia triển lãm sinh vật cảnh Trà Khê 19.05.2023 | 22:17 PM
Xem tin theo ngày
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai
- UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Kiểm điểm tập thể, cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh năm 2024