Chủ nhật, 24/11/2024, 00:22[GMT+7]

Nỗ lực đưa Thái Bình sớm trở thành điểm đến trải nghiệm ấn tượng

Thứ 5, 07/09/2023 | 09:28:54
17,678 lượt xem
“Em ơi hãy đến thăm/Quê hương anh Thái Bình/Về tắm biển Đồng Châu/Khi chiều về sóng vỗ...” những lời ca của bài hát “Anh hãy về quê em” đã trở thành lời mời gọi, đưa biết bao du khách về thăm miền quê lúa yên bình. Thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra “phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh”, Thái Bình đang đẩy mạnh phát triển đa dạng sản phẩm, loại hình du lịch nhằm từng bước hình thành điểm đến mới, tạo cho du khách nhiều trải nghiệm ấn tượng.

Các điểm đến ngày càng mang lại đa dạng trải nghiệm cho du khách.

Từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch

Xác định doanh nghiệp du lịch là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển du lịch, hiện nay, các cơ chế chính sách, văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch đang được tích cực triển khai. Song song với các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá điểm đến hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khai trương và đưa vào vận hành Cổng du lịch thông minh và ứng dụng thông minh trên thiết bị di động tỉnh Thái Bình giai đoạn 2022 - 2025, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch được đăng tải thông tin miễn phí.

Ông Vũ Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh thông tin thêm: Ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới; có hướng dẫn về đón khách du lịch bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh tại các đơn vị, cơ sở kinh doanh du lịch. Đây được xem là tiền đề quan trọng giúp các doanh nghiệp du lịch chủ động xây dựng phương án tiếp đón và phục vụ du khách, phục hồi, hoạt động trở lại sau thời gian dài phải tạm dừng hoạt động. Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 94/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 168/2017/NĐ-CP về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành (giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023).  

Từ những nỗ lực kể trên, hoạt động kinh doanh du lịch của tỉnh Thái Bình có nhiều tiến triển, số lượng du khách và thu nhập xã hội từ du lịch tiếp tục tăng lên. 6 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách du lịch ước đạt 452.659 lượt (tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2022), doanh thu ước đạt 312,3 tỷ đồng (tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2022). Trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiện có 378 cơ sở lưu trú, 7 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, 10 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phát triển sản phẩm du lịch

Ngành du lịch Thái Bình hiện đang chú trọng phát triển 4 nhóm sản phẩm chính: du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng, trải nghiệm. Khu biển Đồng Châu có diện tích trên 100ha thuộc xã Đông Minh (Tiền Hải). Dù đây là vùng biển không có bãi cát trắng chạy dài, nước biển trong xanh nhưng sở hữu khí hậu trong lành, thích hợp cho việc nghỉ ngơi và đặc biệt luôn có hải sản tươi ngon. Do cát có bùn nên bãi biển rất thích hợp với việc nuôi trồng hải sản. Du khách được tận mắt chiêm ngưỡng những cánh đồng ngao với vô vàn chòi canh, góp phần không nhỏ tạo nên sự đặc biệt cho Đồng Châu.

Đối với du lịch sinh thái, khu du lịch sinh thái cồn Đen, xã Thái Đô (Thái Thụy) là điểm đến nổi tiếng của Thái Bình, thường xuyên diễn ra các hoạt động lớn về du lịch của tỉnh. Mùa hè năm 2023, góp phần tạo điểm nhấn, thu hút người dân và du khách đến với Thái Bình nói chung, khu du lịch sinh thái cồn Đen nói riêng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức tuần du lịch biển và khinh khí cầu với đa dạng hoạt động trải nghiệm, lần đầu tiên được diễn ra tại Thái Bình. Từ thành công của tuần du lịch biển và khinh khí cầu Thái Bình năm 2023, UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức tuần du lịch trong những năm tiếp theo, đồng thời nghiên cứu đưa vào đa dạng dịch vụ vui chơi giải trí hiện đại, tạo điểm đến ấn tượng cho du khách trong và ngoài tỉnh. 

Ông Vũ Trung Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Minh Phú chia sẻ: Khu du lịch sinh thái cồn Đen đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện mô hình phân loại rác thải tại nguồn, từ đó nhân rộng ra các khu, điểm du lịch khác, góp phần tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp phục vụ khách du lịch. Trên các trục đường chính đều có thùng đựng rác phân loại rác thải 3 ngăn do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng và hàng chục thùng đựng rác với hình thù ngộ nghĩnh, bắt mắt tạo nên sự thân thiện, gần gũi, khuyến khích mọi người hãy bỏ rác đúng nơi quy định. Ngoài ra còn có nhiều hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái như bố trí lực lượng thường xuyên dọn rác tại khu vực bờ biển, rừng phi lao, công viên... Hệ thống truyền thanh trong khuôn viên khu du lịch liên tục tuyên truyền việc giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp.

Với gần 3.000 thiết chế văn hóa cổ, du lịch tâm linh hiện nay được đánh giá là sản phẩm du lịch có tiềm năng phát triển khả quan nhất tại Thái Bình. 2 di tích quốc gia đặc biệt là chùa Keo, xã Duy Nhất (Vũ Thư) và khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, xã Tiến Đức (Hưng Hà) là những điểm đến luôn thu hút hàng chục nghìn du khách vào mỗi dịp đầu xuân năm mới, dịp lễ hội trong năm. Ngoài ra, Thái Bình còn có 123 di tích cấp quốc gia, 581 di tích cấp tỉnh, 2 bảo vật quốc gia. Chú trọng phát triển du lịch tâm linh, tỉnh Thái Bình nỗ lực khuyến khích các doanh nghiệp du lịch tạo các tour, tuyến kết nối điểm đến về du lịch tâm linh với các loại hình du lịch, dịch vụ phụ trợ khác tạo sự phong phú, đa dạng cho du khách trên hành trình trải nghiệm. Ngoài ra, tại Thái Bình hiện nay dần hình thành sản phẩm du lịch cộng đồng, trải nghiệm phục vụ du khách chủ yếu dựa vào nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Du khách quốc tế ấn tượng với công đoạn kéo đũi của nghệ nhân làng nghề dệt đũi Nam Cao (Kiến Xương).

Trong thời điểm hoạt động du lịch đang dần khởi sắc, cùng với các địa phương trên cả nước, du lịch Thái Bình đã có bước phục hồi tích cực, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển. Tăng tốc sau quãng thời gian ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năm 2023, với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể và sự chung tay góp sức của các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương, tỉnh Thái Bình tiếp tục đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng độc đáo với bạn bè, du khách trong và ngoài nước, thúc đẩy hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế, hình ảnh con người Thái Bình thân thiện, hiếu khách. Tin tưởng du lịch sẽ sớm trở thành ngành kinh tế quan trọng như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.


Tú Anh