Thứ 2, 18/11/2024, 01:48[GMT+7]

Câu hát "Đắm" trong hương lúa

Thứ 7, 07/08/2010 | 15:18:50
2,009 lượt xem
Có một câu chuyện cảm động kể về số phận những người không may mang trong mình vi rút "quả cầu gai" ở một địa bàn thuần nông trên quê lúa, họ đã từng tuyệt vọng, nhưng họ lại sống trong hy vọng khi xuất hiện câu lạc bộ chèo "Hương lúa" Thái Bình.

Ảnh : Lê Quang Viện

 Nỗi lòng thiết tha níu kéo sự sống lại gần họ hơn khi họ biết rằng: giữa sự sống với cái chết đối với cuộc đời họ chỉ là quá mỏng manh. Tiếng hát chèo da diết chảy trong huyết quản của người vùng chiêm trũng đã thôi thúc họ vượt qua nỗi đau, sự nghiệt ngã của số phận. Họ đã vui sống với những làn điệu chèo thân thiện của quê lúa.

Câu chuyện của người con gái tên Thi ở xã Vũ Đông, huyện Kiến Xương, thoạt nghe cứ ngỡ như trong huyền thoại. Ngoài đời, Thi đẹp, đẹp ngỡ ngàng, với chiếc răng khểnh, nụ cười duyên hút hồn và giọng nói lảnh lót, không ai nghĩ Thi lại lâm vào hoàn cảnh nghiệt ngã. Nhà Thi nghèo nên cô chỉ học hết THCS, rồi cô làm nghề may. Không biết có phải cái nghề "ăn giẻ" hợp với cô hay sao mà càng ngày nhìn Thi càng đẹp ra. Rồi số phận đã buộc cuộc đời Thi với một chàng trai ở xã bên, họ nên duyên vợ chồng. Gần một năm kết trái của tình yêu, một bé trai kháu khỉnh chào đời. Niềm vui hạnh phúc của Thi thật ngắn ngủi, khi đứa con mới sáu tháng tuổi bỗng dưng lên cơn sốt. Sốt vật vã kéo dài. Sau khi cho con nhập viện điều trị, do không tìm thấy nguyên nhân gây bệnh, các bác sỹ buộc phải làm xét nghiệm và điều không thể ngờ được, cháu bé đã nhiễm HIV. Thi đã ngất đi khi nghe tin dữ. Khi tỉnh dậy, Thi vẫn không tin đó là sự thật. Nỗi đau đè nặng lên cuộc đời còn quá trẻ của Thi. Trước mắt Thi, bầu trời như sập xuống. Hơn một tháng sau khi phát hiện HIV, đứa con của Thi qua đời. Cho tới lúc này, chồng Thi mới thú nhận, anh ta chính là thủ phạm gây nên tai họa đau đớn cho Thi và con. Trước khi quen và cưới Thi, anh ta đã có thời gian làm công nhân cầu đường ở Lai Châu. Xa nhà, lại bị đám bạn rủ rê, cám dỗ, một phút nông nổi sa đà vào nghiện ngập. HIV đã gõ cửa nhà Thi. Cô bi quan khi nghĩ đến cái chết đang cận kề. Bố mẹ cô yếu đau nhìn cô cũng tuyệt vọng, Thi đã cố gượng đứng lên để xua đi nỗi đau, tạo niềm an ủi cho bố mẹ. Cô đã tìm đến với chèo, đến với câu lạc bộ Hương Lúa, trở thành diễn viên chèo nghiệp dư có HIV xuất sắc. Đó cũng chỉ là một ví dụ nhỏ trong rất nhiều những câu chuyện cảm động về làng chèo, chiếu chèo cùng số phận của những "đào" những "kép" hát chèo một thời sống trong đêm đen nô lệ lầm than, cảnh nước mất, nhà tan thuở nào. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, chèo vẫn tồn tại và người hát chèo, mê chèo ở Thái Bình vẫn cất cao giọng hát giúp cho cuộc đời thêm hương, thêm vị, cho dù họ đang ở vào bất cứ hoàn cảnh nào:

Hỡi cô thắt dải lưng xanh

Có xem chèo Khuốc với anh thì về

Lịch sử của Chèo Việt Nam ghi nhận: làng Khuốc thuộc xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, cùng với với làng Hà Xá (Hưng Hà) và Sáo Đền (Vũ Thư) là những chiếng chèo cổ nổi tiếng của Thái Bình. Những năm đầu thế kỷ XIX, có thời điểm trong làng có đến 15 gánh hát chèo. Chèo diễn quanh năm suốt tháng, không chỉ được biểu diễn ở trong làng mà gánh hát chèo còn đi đến các vùng miền khác biểu diễn phục vụ nhân dân. Trong tổng số 151 làn điệu và ca khúc chèo thì riêng các phường chèo Thái Bình đã chiếm 30 ca khúc và bốn kiểu hát nói. Trong số 155 nghệ sỹ chèo nổi tiếng là người Thái Bình trong các đoàn chèo cả nước thì riêng làng Khuốc có 50 người. Vốn là tỉnh  thuần nông rực rỡ với nền văn minh lúa nước thuộc châu thổ đồng bằng sông Hồng,  Thái Bình đã hội tụ và phát triển vốn truyền thống văn hoá dân gian, trong đó đáng kể là nghệ thuật chèo và tỉnh Thái đã trở thành một trong những cái nôi của những làn điệu hát chèo nổi tiếng:

Ăn no rồi lại nằm khoèo

Nghe giục trống chèo vỗ bụng đi xem

Chẳng thèm ăn chả ăn nem

Thèm no cơm tẻ, thèm xem hát chèo.

Cũng không khó lý giải tại sao những diễn viên mang trong mình loại vi rút "quả cầu gai" ở câu lạc bộ chèo "Hương Lúa" lại thiết tha trở lại với cuộc sống vốn đã gây cho họ bao đau đớn, ê chề đến lạ kỳ. Tiếng hát, lời ca và màn diễn chèo của họ khiến nhiều người cảm động đến rơi nước mắt. Câu chuyện mà họ muốn kể với mọi người là hoàn cảnh thật của cuộc đời họ, chỉ có một điều duy nhất khác đó là họ kể bằng lời hát và điệu chèo. Thực tế cho thấy, đã từ rất lâu rồi, sinh hoạt chèo đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được của cư dân đồng bằng châu thổ sông Hồng, cái nôi của nền văn minh lúa nước của người Việt. Theo tập quán, mỗi khi mùa lúa bội thu, người nông dân lại tổ chức các lễ hội để vui chơi và cảm tạ thần thánh đã phù hộ cho vụ mùa no ấm. Và, chèo là "món ăn" tình thần không thể thiếu được. Trong nghệ thuật biểu diễn của chèo, nhạc cụ chủ yếu là trống chèo: "Nghe giục trống chèo vỗ bụng đi xem". Chiếc trống là một phần của văn hoá cổ Việt Nam, nó rất gần gũi, thân thiết và người nông dân thường đánh trống để cầu mưa và...biểu diễn chèo.

Theo các nhà nghiên cứu nghệ thuật thì nghệ thuật hát chèo không giống nghệ thuật hát tuồng ở chỗ, tuồng chỉ ca tụng hành động anh hùng của các giới quyền quý, còn chèo lại miêu tả cuộc sống bình dị của người dân nông thôn. Trong kho tàng nghệ thuật nhiều vở chèo đã đi sâu miêu tả cuộc sống vất vả của người phụ nữ dưới chế độ xã hội phong kiến, sẵn sàng hy sinh bản thân vì người khác, đây là một bước đột phá trong nghệ thuật, cái điều mà người nghệ sỹ muốn gửi gắm tại thời khắc không dễ dàng chấp nhận sự thật bất bình đẳng giới. Nội dung của các vở chèo lấy từ những truyện cổ tích, truyện Nôm; được nâng lên một mức cao bằng nghệ thuật sân khấu mang giá trị hiện thực và tư tưởng sâu sắc. Rất dễ nhận ra là trong nghệ thuật chèo, cái thiện luôn thắng cái ác, nhân vật được thể hiện nhiều nhất là các sỹ tử tốt bụng, hiền lành, luôn đỗ đạt, làm quan còn người vợ thì tiết nghĩa, nhưng cuộc sống luôn gặp trái ngang, chia rẽ đôi nơi. Kết thúc luôn có hậu, cuối cùng vợ chồng sẽ được đoàn tụ. Cũng dễ nhận thấy, các tích trò biểu diễn trong chèo chủ yếu lấy từ truyện cổ tích, truyện Nôm. Âm nhạc lấy từ dân dân ca, còn lời thơ chủ yếu là thơ dân gian. Lối chèo thường diễn những việc vui cười, cười những thói xấu của người đời như các vai: Thầy mù, Hương câm, Đồ điếc, Quan Âm Thị Kính. Nhưng, chèo còn thể hiện tính nhân đạo cao cả như trong vở chèo nổi tiếng: Trương Viên. Chèo luôn gắn với chất "trữ tình", thể hiện những xúc cảm và tình cảm cá nhân của con người, phản ánh mối quan tâm chung của nhân loại: tình yêu, tình bạn, tình thương. Theo tài liệu của các nhà nghiên cứu về nghệ thuật chèo thì các nhân vật trong chèo thường mang tính ước lệ, chuẩn hóa và rập khuôn. Tính cách của các nhân vật trong chèo thường không thay đổi với chính vai diễn đó. Những nhân vật phụ của chèo có thể đổi đi và lắp lại ở bất cứ vở nào, nên hầu như không có tên riêng.

Nghệ thuật hát chèo được sinh ra từ làng quê đồng bằng Bắc Bộ, trải qua nhiều thế kỷ, sân khấu chèo đã trở thành một nghệ thuật đặc sắc và độc đáo của nền văn hóa dân tộc Việt Namon>. Mới đây, chèo đã được nhìn nhận là di sản văn hóa quý giá, được xếp vào dòng nghệ thuật truyền thống cần được khai thác, giữ gìn, phát huy. Công chúng yêu thích nghệ thuật chèo hiện tại có chiều hướng giảm dần nhưng không nên quá nặng nề trong cách đánh giá mà chỉ nên xem đó là chuyện bình thường trong xã hội có sự biến đổi của thị hiếu thẩm mỹ. Tuy thế, vẫn còn một bộ phận người dân tha thiết với chèo. Câu chuyện cũng đầy cảm động xảy ra ở thôn An Phú xã Quỳnh Hải huyện Quỳnh Phụ, khi sự say mê hát chèo đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bỗng dưng lại bùng phát. Không thù lao, không lương bổng nhưng 800 người dân làng An Phú đã tập trung quyên góp xây dựng hoàn chỉnh một sân khấu chèo ngay khuôn viên đình làng. Điều tưởng như khó tin là các diễn viên trong đội chèo làng đi nhặt gạch vỡ, đá vụn và đất bỏ đi của các công trình xây dựng đem về dựng sân khấu. Chu Thiên,  một trong những kép chính cùng với khoảng 30 nông dân khác trong đội chèo miệt mài ngày lao động, đêm tập hát, diễn chèo. Chị Thao, một nữ diễn viên cho biết, chị biết hát chèo từ nhỏ vì ngày nào mẹ chị cũng hát chèo. Lớn lên, Thao lấy chồng, sinh con. Chuyện duyên nợ chồng con tưởng sẽ nhấn chìm giọng hát chèo của chị, nào ngờ chồng chị cũng mê chèo. Được chồng ủng hộ, hàng xóm khuyến khích, năm 2008 Thao quyết định tham gia vào chiếu chèo làng khi đã bước sang tuổi 33. Chẳng mấy bữa, Tháo đã thành "đào" cứng. Chị thường diễn các vai nữ chín như: công chúa, tiểu thư khuê các... Thôn An Phú có gần 800 nhân khẩu, chủ yếu làm nghề nông. "Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" vất vả cả ngày kiếm miếng ăn, nhưng họ vẫn cố lo có một chiếu chèo cho anh chị em nông dân tham gia học hát chèo. Có chỗ xem biểu diễn nên không khí trong thôn rất vui, cũng bởi vì họ rất mê... chèo. Ông Võ, anh Rĩu là những hạt nhân văn nghệ kể rằng: Nếu có chương trình văn nghệ do huyện hay tỉnh biểu diễn lưu động tại thôn, dù có "sao" đi chăng nữa mà nếu không có chèo là dân không xem. Đội chèo làng An Phú bây giờ có thể biểu diễn hàng chục vở dài và khó như: Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Hoàng Trừu kén vợ, Tấm Cám, Khúc hát Dương Xuân, Bài ca hạnh phúc...

Về An Phú, ta vẫn thấy anh Rĩu hằng ngày chăm chỉ đi lái máy cày, bừa thuê, nhưng vẫn cố dành dụm chút tiền rồi nhờ người lên thành phố mua cái quạt giấy, cái trâm cài khăn... Còn chị Thao vẫn chịu thương, chịu khó trồng rau, trồng lúa, hàng ngày vẫn chắt chiu từng mớ rau nhỏ bán lấy tiền mua trâm cài tóc, vòng, khuyên trang sức để biểu diễn...chèo. Thật cảm động khi chứng kiến những con người "hai sương, một nắng" bám ruộng, bám đồng, tuy nghèo nhưng vẫn cố gắng giữ cho bằng được nghệ thuật hát hát chèo.

Bài và ảnh: LÊ QUANG VIỆN

 

  • Từ khóa