Thứ 4, 13/11/2024, 06:47[GMT+7]

Hội thảo khoa học quốc tế về bảo vệ và phát huy giá trị của nghệ thuật chèo

Thứ 5, 23/11/2023 | 15:48:29
11,483 lượt xem
Nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam, sáng ngày 23/11, Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch phối hợp với Khoa các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản trình diễn dân gian và nghệ thuật chèo trong xã hội đương đại".

Các đồng chí lãnh đạo và đại biểu dự phiên họp toàn thể tại hội thảo.

Dự hội thảo có đồng chí Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Về phía tỉnh Thái Bình có đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND tỉnh. 

Chèo là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, tích hợp âm nhạc, múa, trò diễn, ngữ văn dân gian… với hệ thống nhân vật và làn điệu phong phú, đa dạng, thể hiện các cung bậc cảm xúc, tính cách, sắc thái muôn vẻ của con người. Những tích trò, làn điệu chèo miêu tả nhiều khía cạnh của đời sống, phản ánh tập quán xã hội, lịch sử, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, con người, tình yêu đôi lứa, chứa đựng những tiếng cười, sự hài hước chất phác, thuần hậu và mang tính giáo dục sâu sắc. Được sáng tạo, trao truyền qua bao thế hệ, đến nay, chèo truyền thống vẫn lan tỏa mạnh mẽ, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt Nam. Di sản nghệ thuật chèo đã được kiểm kê và đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản trình diễn dân gian và nghệ thuật chèo trong xã hội đương đại” thu hút các học giả quốc tế đến từ 6 quốc gia: Hoa Kỳ, Thụy Sỹ, Anh, Séc, Hàn Quốc, Trung Quốc và các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa đến từ các cơ quan quản lý, nghiên cứu, các tổ chức, trường đại học trong nước, các nghệ nhân trực tiếp tham gia thực hành nghệ thuật chèo…

Qua hội thảo nhằm tiếp tục nghiên cứu, nhận diện các mặt giá trị, đánh giá thực trạng công tác bảo vệ, phát huy di sản trình diễn dân gian và nghệ thuật chèo từ góc độ liên ngành, nghệ thuật và di sản, nghiên cứu và quản lý, hướng tới hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh nghệ thuật chèo vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chào mừng tại hội thảo.


Video: 231123_-_HOI_THAO_QUOC_TE_CHEO-S1.mp4?_t=1700735605

Phát biểu chào mừng tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Thái Bình được biết đến là cái nôi của nghệ thuật chèo, toàn tỉnh hiện có 234 câu lạc bộ chèo, 100% trường học đưa hát chèo truyền thống vào chương trình giảng dạy. Đây là minh chứng cho sự lan tỏa và sức sống của chèo trong xã hội hiện đại. Thái Bình cũng là địa phương có số lượng người hát chèo đông nhất, có sức lan tỏa mạnh nhất trong các tỉnh, thành phố thực hành chèo ở Bắc Bộ. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng, làm sâu sắc hơn các giá trị truyền thống văn hóa nói chung, nghệ thuật chèo nói riêng; luôn lưu giữ, phát huy, khai thác những giá trị di sản văn hóa phi vật thể của ông cha ta và tỉnh Thái Bình mãi xứng danh là quê chèo, nôi chèo và đất chèo. Đất và người Thái Bình đã chắp cánh cho nghệ thuật chèo lan tỏa và bay xa. Nghệ thuật chèo thật sự là hồn cốt của người Thái Bình.

Các đại biểu trong nước, quốc tế chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo.

Về ý nghĩa quan trọng của hội thảo khoa học quốc tế, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Thông qua hội thảo sẽ góp phần gìn giữ, bảo vệ các giá trị của nghệ thuật chèo truyền thống, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội đương đại, hướng tới sự phát triển bền vững các giá trị di sản văn hóa của dân tộc; đồng thời còn là dịp tiếp tục khẳng định nghệ thuật chèo đã góp phần làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam.

Đồng chí Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo khoa học quốc tế, đồng chí Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin: Đến nay, Việt Nam đã có 15 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh trong các danh sách của UNESCO. Điều đó không chỉ thể hiện bản sắc và sự đa dạng của văn hóa Việt Nam mà còn minh chứng cho tinh thần hòa nhập của Việt Nam trong nhiệm vụ chung là cùng bảo vệ, gìn giữ các giá trị văn hóa cho hiện tại và tương lai. 

Đồng chí Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tin tưởng tại hội thảo khoa học, các học giả quốc tế, các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa trong nước và đại diện cộng đồng chủ thể di sản chia sẻ những bài học kinh nghiệm liên quan, làm sáng tỏ những ý nghĩa xã hội – kinh tế của di sản, nhìn nhận đầy đủ vai trò của di sản trong sự thúc đẩy gắn kết xã hội, thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa và đối thoại văn hóa. Thành công của hội thảo cũng sẽ góp phần mở rộng khái niệm về di sản văn hóa, lồng ghép di sản sống và các chính sách, chương trình ở cấp quốc gia, thiết lập vững chắc các nỗ lực bảo vệ ở cấp quốc tế.

Phiên họp tiểu ban Nghiên cứu di sản trình diễn dân gian và nghệ thuật chèo từ cách tiếp cận liên ngành.Phiên họp tiểu ban Sự đa dạng của di sản trình diễn dân gian ở Việt Nam và các nước trên thế giới.

Sau phiên họp toàn thể, hội thảo tiến hành phiên tiểu ban. Các đại biểu đã trình bày tham luận về các vấn đề theo chủ đề của từng tiểu ban: Nghiên cứu di sản trình diễn dân gian và nghệ thuật chèo từ cách tiếp cận liên ngành; sự đa dạng của di sản trình diễn dân gian ở Việt Nam và các nước trên thế giới; sự biến đổi và phát triển của nghệ thuật chèo trong xã hội đương đại; bảo vệ và phát huy giá trị di sản trình diễn dân gian và nghệ thuật chèo trong xã hội đương đại.

Trong khuôn khổ hội thảo khoa học quốc tế, tối ngày 22/11, tại xã Phong Châu (Đông Hưng), các đại biểu trong nước, quốc tế đã được thưởng thức đêm trình diễn nghệ thuật chèo làng Khuốc. Tại đêm trình diễn, các nghệ nhân, thành viên CLB chèo xã Phong Châu thể hiện 7 tiết mục đặc sắc của nghệ thuật chèo: làn điệu “Ván cờ tiên”, “Sắp bay bổng”, trích đoạn chèo “Lão say cu cậu”, “Từ Thức du tiên”, “Lý trưởng mẹ mõ”, bài hát “Tuyết dạt sông Thương”, “Duyên phận đôi ta”. Thông qua các tiết mục biểu diễn cũng như chia sẻ của nghệ nhân làng chèo giúp các đại biểu thêm hiểu biết, tự hào về nghệ thuật chèo.

Đại biểu trong nước, quốc tế chụp ảnh kỷ niệm cùng nghệ nhân làng chèo Khuốc tại đêm trình diễn nghệ thuật chèo làng Khuốc.Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Khoa các khoa học liên ngành chúc mừng các nghệ nhân tham gia đêm trình diễn nghệ thuật chèo làng Khuốc.

 Các nghệ nhân biểu diễn tại đêm trình diễn nghệ thuật chèo làng Khuốc.

Tú Anh