Chủ nhật, 10/11/2024, 05:51[GMT+7]

Chuyện về cây đa di sản ở đình Đông

Thứ 2, 22/07/2013 | 09:47:08
4,273 lượt xem
Bất cứ ai khi đặt chân đến đình Đông, làng Hổ Đội, xã Thụy Lương (Thái Thụy) hẳn không khỏi ngạc nhiên, ngưỡng mộ cây đa cổ thụ có hơn 600 năm tuổi, đứng sừng sững trước cửa đình.

Cây đa 600 tuổi ở Đình Đông, làng Hổ Đội.

Đình Đông - khu di tích lịch sử thờ 3 vị thành hoàng làng là: Đức Phùng Đỗ, sắc phong là Lân Linh Đại Vương; Đức Phùng Thế Kỳ, sắc phong là Kỳ đà Đại Vương và Thiên Hương Công chúa, sắc phong là Nhân nương Đại Vương. Các vị tiền liệt trên đã có nhiều công lao to lớn trong việc phò vua giúp nước, mở ấp lập làng. Tên đất, tên làng Hổ Đội gắn liền với một giai đoạn lịch sử oanh liệt từ đời Hậu Trần đến nay.

Với địa thế tiếp giáp biển nên không chỉ chịu thiệt hại nặng nề của thiên tai, những năm giặc giã, làng Hổ Đội thường xuyên bị quân giặc cho thuyền đổ bộ vào cướp phá bất kể ngày đêm. Thời bấy giờ dân làng có câu: “Khó giữ lấy đầu, giàu giữ lấy của”. Với sự giúp sức của các vị thủy tổ, các thế hệ sau nối tiếp truyền thống đánh giặc giữ làng của thế hệ trước, đem hết tài ba, võ lược giúp dân, giúp nước, lập ấp giữ làng, khai sinh ra làng Hổ Đội bây giờ. 

Hổ Đội nghĩa là Đội Hổ - đội quân Hổ Bôn hùng mạnh được tổ chức dưới triều hậu Trần để chống lại Hồ Quý Ly có âm mưu chiếm ngôi vua nhà Trần. Theo thần tích, các vị thủy tổ  của các dòng họ trong làng đã đứng trong hàng ngũ đội quân Hổ Bôn khi còn trên đất Thăng Long, chiến đấu anh dũng để bảo vệ chính nghĩa. Trong đó, Đức Phùng Thế Kỳ là một trong 3 vị thành Hoàng thờ tại đình Đông. Ông đã trực tiếp lãnh đạo đội quân Hổ Bôn phất cao cờ nghĩa chống lại kẻ phản nghịch. Ông cũng dẫn đầu các vị thủy tổ xuống nơi vùng biển hoang hóa lập ấp góp công sức gây dựng, mở mang làng Hổ Đội từ thủa sơ khai, biến bãi cát hoang vắng thành  làng sầm uất nổi tiếng văn vật là làng Hổ Đội ngày nay. Tưởng nhớ công lao của các vị thành hoàng làng, dân làng Hổ Đội lập đình thờ.

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử ngôi đình đã bị xuống cấp nghiêm trọng và được cán bộ nhân dân, du khách thập phương công đức tiến cúng xây dựng khang trang, bề thế. Đình Đông được UBND tỉnh cấp bằng di tích lịch sử văn hoá năm 1996. Đặc biệt, tháng 9/2012, cây đa đình Đông được Hội  Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam. Với niềm vinh dự này, xã Thụy Lương giao nhiệm vụ đặc trách cho Ban quản lý di tích lịch sử văn hoá và Hội Người cao tuổi xã đảm nhiệm trông coi, bảo vệ. Đồng thời, tuyên truyền vận động nhân dân giữ gìn phát huy truyền thống văn hoá, thuần phong mỹ tục quê hương, tích cực hưởng ứng các hoạt động bảo vệ môi trường. Cây đa đình Đông càng trở nên ý nghĩa trong đời sống tâm linh của dân làng Hổ Đội. Cây toả bóng mát, chở che dân làng, cây chứng kiến bao thăng trầm của  thiên tai địch họa và nay là sự đổi mới đi lên của  làng quê.

Nhân kỷ niệm năm thứ 4 sự kiện bảo tồn Cây di sản Việt Nam của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường, ngày 10/7/ 2013, xã Thụy Lương tổ chức lễ đón đoàn thanh niên tình nguyện đạp xe truyền thông môi trường. Đây là hoạt động thường niên của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trong nhiều năm gần đây. Năm 2013, hành trình này sẽ đi qua 25 điểm có cây Di sản Việt Nam thuộc 10 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng với chủ đề: “Kết nối cây di sản vùng du lịch Đồng bằng sông Hồng”. Thông qua hoạt động ý nghĩa này góp phần tuyên truyền, giáo dục cán bộ nhân dân xã Thụy Lương chung tay bảo vệ sự phát triển vững bền của cây đa di sản Việt Nam, bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp, chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu.

 Lê Lan
(Đài Truyền thanh Thái Thụy)

 

  • Từ khóa