Thứ 7, 23/11/2024, 10:14[GMT+7]

Tản mạn chuyện “Tết cả bánh chưng, tết cùng bánh khúc”

Thứ 6, 01/03/2024 | 15:26:52
24,013 lượt xem
Trong truyền thống từ ngàn xưa của người Việt, tết Nguyên đán đã trở thành lễ tết quan trọng nhất trong năm. Đây là thời điểm đón xuân chào năm mới tính theo âm lịch.

Hương vị bánh khúc (bánh hú) làm cho bà con lại được đón một mùa xuân mới với mong muốn an lành, hạnh phúc.

Trong dịp tết Nguyên đán có nhiều phong tục đẹp được lưu truyền đến tận ngày nay như tục cúng giỗ tổ tiên, trang hoàng nhà cửa sạch đẹp đón năm mới, thăm hỏi chúc tụng sức khỏe ông bà, cha mẹ và người thân, mừng tuổi các cháu bé với mong muốn các cháu mạnh khỏe, học hành tinh tấn. Thời khắc giao thừa - thời điểm chuyển từ năm cũ sang năm mới, nhiều người lên chùa lễ Phật ước nguyện cầu mong mọi điều thuận lợi, hanh thông hoặc xin chữ khai bút đầu xuân để hướng tới trí tuệ khai sáng, cuộc sống an lành.    

Tục lệ gói bánh chưng dịp tết có từ thời Hùng Vương với truyền thuyết Lang Liêu dâng bánh tiến vua đã trở thành nét truyền thống của người dân Việt. Nhắc đến không khí tết, hình ảnh cả nhà quây quần gói bánh cũng như trông chờ luộc bánh là ký ức không quên của nhiều người. Sắc xanh lá bánh cùng sắc đỏ của câu đối tết từ lâu đã đi vào thơ ca: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ - Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”.  

Hàng năm, sau dịp tết Nguyên đán (bà con một số vùng ở Thái Bình còn gọi là tết cả) thì người dân thuộc tổng An Lão xưa (huyện Thư Trì cũ) nay thuộc các xã Song An, Trung An (Vũ Thư), Vũ Phú, phường Phúc Khánh (thành phố Thái Bình) lại tưng bừng tổ chức ăn tết cùng thời điểm cuối tháng Giêng đầu tháng Hai âm  lịch.

Phong tục tổ chức đón tết cùng của bà con tổng An Lão đã có từ hơn 200 năm nay. Chuyện kể rằng, vào những ngày tháng Chạp năm Mậu Thân (1788), đoàn quân Bắc tiến  của Nguyễn Huệ chia làm  hai cánh thủy bộ tiến quân ra Bắc nhằm hướng tới kinh thành Thăng Long; nơi đây quân nhà Thanh đang đóng chiếm. Với chiến dịch thần tốc, đội quân đánh bộ của Tây Sơn theo hướng đường cái quan ngày đêm hành quân tiến về Thăng Long. Đội thủy quân vượt biển nhập vào cửa sông Ninh Cơ, sông Hồng chèo chiến thuyền tiến đánh Thăng Long. Trong chiến dịch đại phá quân Thanh có rất nhiều thanh niên trai tráng  ở vùng trấn Sơn Nam Hạ  (Thái Bình, Nam Định… ngày nay) theo lời kêu gọi của nghĩa quân  gia nhập đội quân Tây Sơn tiến đánh quân Thanh.  

Tướng quân đô đại lực sĩ  Nguyễn Tất Ứng (quê Kiều Thần, tổng An Lão - nay thuộc xã Song An, Vũ  Thư) chỉ huy cùng nhiều trai tráng trong vùng  tham gia đội quân Tây Sơn  ngược sông Hồng tiến về Thăng Long đánh đại quân nhà Thanh.  Cuộc chiến diễn ra ác liệt quanh thành Thăng Long, những ngày tết Kỷ Dậu 1789, nhân dân các nơi gói bánh chưng chuẩn bị lương thảo tiếp tế cho nghĩa quân Tây Sơn.

Mùng 5 tết Kỷ Dậu 1789, tướng quân Nguyễn Tất Ứng  cùng nghĩa quân dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ làm nên chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa hàng vạn quân Thanh đã bị bỏ mạng và thua trận.

Sau chiến thắng gần một tháng, tướng quân Nguyễn Tất Ứng trở về quê hương khao quân mừng chiến thắng. Lúc này tết Nguyên đán đã qua, lúa chiêm đã lên xanh, những cành đào chỉ còn sót lại những bông hoa lẻ tẻ. Nắng ấm mùa xuân tràn ngập nơi nơi. Tướng quân tổ chức cho toàn tổng An Lão đón thêm tết cùng (diễn ra đầu tháng Hai âm lịch) để ăn mừng chiến thắng cũng như bù đắp lại một phần vất vả mất mát trong đợt quân dân dồn sức đánh bại quân Thanh.

Thời điểm ấy, lá dong gói bánh chưng chẳng còn, gạo nếp cũng cạn. Tướng quân có sáng kiến phát động bà con lấy lá lồng khúc (loài cây mọc dại rất nhiều ở bờ ruộng hay cánh đồng bãi ven sông). Lá khúc được thu hái  rửa sạch, giã hoặc xay nhuyễn cùng với bột gạo nếp làm nhân bánh. Ở đây, bà con còn gọi bánh khúc là bánh hú. Để tạo thêm nhiều hương vị  chế biến thêm nhân mặn hoặc chay, nhân mặn gồm thịt ba chỉ, hành phi mộc nhĩ; nhân chay có đỗ xanh, cùi dừa, gừng tươi, thảo quả, hạt tiêu… Hương thơm đặc trưng của lá khúc hòa cùng gia vị cùng sự mềm dẻo của bột và hạt gạo nếp tạo nên sản vật quê hương thơm ngon độc đáo.

Trong những ngày tết cùng,  ban thờ cũng được bao sái thanh tịnh, đền chùa, từ đường mở cửa để con cháu kính dâng lễ vật nhớ ơn tiên tổ cùng công lao tướng quân và các vị tiền liệt đã làm nên chiến thắng đem lại hòa bình cho đất nước.

Tết cả đã qua, tết cùng đang tới, tuy không còn bánh chưng nhưng thay vào đó là hương vị bánh khúc (bánh hú) làm cho bà con lại được đón một mùa xuân mới với mong muốn an lành, hạnh phúc.

Nguyễn Thuyên
Vũ Thư